Sản xuất tại Công ty Cổ phần May thể thao chuyên nghiệp Giao Yến (Giao Thủy).
Bứt phá trong sản xuất công nghiệp, linh hoạt giải bài toán tiêu thụ sản phẩm
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Nam Định trong quý I/2025 tăng 23,25%, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo, lĩnh vực xương sống của nền công nghiệp tỉnh tăng 23,5%, đóng góp chính vào tăng trưởng chung. Bất chấp những khó khăn về chi phí nguyên liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực giữ nhịp sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động và đẩy mạnh mở rộng quy mô. Một số ngành có mức tăng trưởng nổi bật: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,93%; dệt tăng 15,03%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,2%; sản xuất kim loại tăng 10,72%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,72%; sản xuất trang phục tăng 8,26%... Đặc biệt, ngành sản xuất máy tính, lĩnh vực công nghệ cao mới xuất hiện tại Nam Định đã đạt bước tiến vượt bậc. Công ty TNHH QMH Computer (thuộc Tập đoàn Quanta Computer Inc.,) sau 5 tháng đi vào hoạt động đã tăng gấp gần 2,5 lần về số lượng lao động và công suất tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm khởi động.
Không chỉ đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp còn phải giải quyết bài toán suy giảm sức mua, tắc nghẽn đầu ra. Tuy nhiên, nhờ những chiến lược bán hàng sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, mở rộng thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp tỉnh đã xoay chuyển tình thế, đạt kết quả đáng khích lệ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo tăng 143,46% so với cùng kỳ, cho thấy sức mua hồi phục mạnh; tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo giảm 16,03%, giúp doanh nghiệp giải phóng vốn, giảm áp lực tài chính. Một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh, thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 123,2%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 35,09%; sản xuất trang phục tăng 21,37%. Mặc dù thị trường thế giới vẫn còn nhiều biến động, các doanh nghiệp của tỉnh đã chủ động tận dụng cơ hội xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giúp kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 đạt 939 triệu USD, tăng 56,2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Hàng may mặc, máy vi tính, da giày, lâm sản. Kim ngạch nhập khẩu đạt 781 triệu USD, tăng 125,5%, chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Xuất siêu 158 triệu USD, tạo lợi thế lớn cho nền kinh tế địa phương.
Nhờ bản lĩnh vững vàng của doanh nghiệp cùng sự đồng hành từ chính quyền đã góp phần giúp tăng trưởng kinh tế quý I/2025 của Nam Định đạt 11,86%, mức cao nhất trong lịch sử, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng đóng vai trò động lực chính, đóng góp 7,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại và mở rộng sản xuất gia tăng. Trong quý I/2025 toàn tỉnh có 520 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 1,8% so với cùng kỳ với tổng số lao động đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh niềm tin mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Quyết tâm duy trì đà tăng trưởng
Bên cạnh đó, theo Chi cục Thống kê tỉnh: Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xương sống của nền công nghiệp tỉnh) cho thấy: Dự báo quý II/2025 tiếp tục khả quan, khi 89,44% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ổn định hoặc phát triển tốt hơn.
Dù vậy, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục đối diện với những khó khăn lớn trước việc Mỹ vừa công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng hàng hóa với hơn 180 đối tác thương mại; khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4, các đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ chịu mức cao hơn, lên tới 50%, áp dụng từ 9/4. Trong đó Việt Nam thuộc nhóm nước chịu thuế suất cao khi Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46%, khiến các doanh nghiệp lo ngại hàng hóa sẽ chịu tác động rất căng thẳng, giảm cạnh tranh của hàng Việt so với sản phẩm từ các nước khác. Để chủ động ứng phó với tình hình hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc được giao chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Chính phủ cũng đã chỉ đạo triển khai các biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả vừa trước mắt, vừa lâu dài để có thể nhanh chóng vượt qua một cách hiệu quả nhất những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài.
Về phía tỉnh cũng đã nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương bám sát mọi chỉ đạo của Trung ương; bình tĩnh, bản lĩnh, linh hoạt và chủ động thực hiện tích cực các đối sách của Trung ương đề ra cũng như khẩn trương triển khai các chương trình, biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ứng phó một cách kịp thời, hiệu quả, sát thực tế nhất với mọi diễn biến, vượt qua mọi khó khăn liên quan đến việc Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời đề nghị các ngành, các địa phương coi đây là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh nội tại của mình; là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, phát triển đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; tăng cường khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để cải thiện hiệu quả công tác quản lý và phục vụ doanh nghiệp; quyết liệt cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia bằng các giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Những dự án lớn như Quanta, JiaWei, Sunrise Material đang được tạo điều kiện tối đa để triển khai đầu tư, song song với việc thúc đẩy hai nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện tại Nghĩa Hưng. Năm 2025, Nam Định đang phấn đấu khởi công xây dựng hàng loạt KCN mới, như: Trung Thành (tháng 6/2025), Hải Long (quý III/2025), cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các KCN Nam Hồng, Minh Châu, Xuân Kiên; thúc đẩy các phần việc liên quan để sớm đầu tư xây dựng các CCN đã quyết định thành lập nhằm mở rộng không gian công nghiệp, tạo đà thu hút các nhà đầu tư trong nước lẫn FDI và tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, các ngành, các địa phương tích cực triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh như giảm miễn thuế, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, ổn định thị trường. Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, ưu tiên gắn kết cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước với cơ quan thương vụ các nước. Hỗ trợ hàng hóa trong nước tiếp cận hệ thống bán lẻ tại nước ngoài. Thực hiện hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp các thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội, thách thức của các hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục khuyến cáo đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực hơn, chủ động hơn, bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng để có thể vượt qua khó khăn như kinh nghiệm những năm qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19, xung đột quân sự ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…, không ngừng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh, quyết tâm duy trì đà tăng trưởng, thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2025 đạt từ 10,5% trở lên.
Bài và ảnh: Thanh Thúy