Vào ngày 21/2, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép Trung Quốc nhập khẩu với mức thuế 19% - 28%.
Trong 1 báo cáo phân tích mới đăng tải, MBS cho biết, thuế chống phá giá có yếu tố quyết định trong việc giành lại thị phẩn của các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh thị trường nội địa đang bị cạnh tranh gay gắt. Trong năm 2024, HRC nhập khẩu chiếm khoảng 67% sản lượng tiêu thụ trong nước trong đó 75% đến từ Trung Quốc.
Theo thông tin từ MBS, nhu cầu thép tại Trung Quốc đang ở mức yếu nhất trong 5 năm gần đây dẫn tới các doanh nghiệp nước này tăng cường xuất khẩu nhằm duy trì sản lượng. Do đó, sản lượng nhập khẩu thép HRC tăng 35% so với cùng kỳ đạt mức 10,1 triệu tấn, trong khi đó sản lượng đến từ các doanh nghiệp nội địa khoảng 4.8 triệu tấn (giảm 3% so với cùng kỳ).
Hòa Phát được cho là doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhất từ hoạt động áp thuế chống bán phá giá của Việt Nam đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thép nhập khẩu tăng mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh mức độ chênh lệch giá giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ở mức cao. Mức chênh lệch trong năm 2024 đã tăng lên mức 110 USD/tấn (tăng 30% so với cùng kỳ) do đó các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ Việt Nam ưu tiên sử dụng thép Trung Quốc thay vì HRC nội địa. Do nguồn cung tăng mạnh, giá HRC trong năm giảm khoảng 11% so với cùng kỳ về mức 530 USD/tấn.
Giá bán HRC nội địa có thể phục hồi
MBS nhận định, với mức thuế đối với đa số các doanh nghiệp Trung Quốc ở mức 28%, mức chênh lệch giữa thép Việt Nam và Trung Quốc có thể giảm xuống mức 45 – 50 USD/tấn (chưa bao gồm các chi phí như vận tải, lưu kho).
Theo MBS, với mức chênh lệch mới, các doanh nghiệp tôn mạ có thể sử dụng HRC nội địa thay vì nhập khẩu do lợi thế chi phí vận chuyển cũng như thời gian giao hàng. Nhờ đó, thị phần của HRC nội địa có thể tăng lên mức 60% trong giai đoạn 2025 – 26 (so với khoảng 32% của năm 2024).
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ HRC được dự báo tăng trưởng 10% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2025 - 2026 lên mức 16,3/17,9 triệu tấn với động lực tăng trưởng đến từ tiêu thụ ngành tôn mạ cũng như các ngành sản xuất khác như sản xuất ô tô, bên cạnh đó, kể từ sau năm 2026 nhu cầu dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các dự án giao thông như đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Với 2 yếu tố then chốt đến từ áp lực giảm giá của thép TQ hạ nhiệt cũng như nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ, MBS cho rằng giá thép HRC nội sẽ phục hồi kể từ quý II/2025 và đạt mức 590/634 USD/tấn (tăng 8%-9% so với cùng kỳ).
Doanh nghiệp nào được hưởng lợi nhất?
Theo MBS, Hòa Phát (MCK: HPG) sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất ngành với thành phẩm HRC (chiếm khoảng 33% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2024). Bên cạnh đó, thuế chống bán phá giá có thể thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp này khi nhà máy Dung Quất 2 sẽ bắt đầu có sản lượng kể từ cuối quý I/2025.
MBS dự báo giá bán và sản lượng HRC trong năm 2025 của Hòa Phát tăng 8% và 47% so với cùng kỳ nhờ đóng góp đến từ nhà máy Dung Quất 2 với khoảng 1.4 triệu tấn. Hơn nữa, MBS cho biết, thời điểm áp thuế chống bán phá giá trùng với thời điểm hoàn thành nhà máy Dung Quất 2 có thể tác động tích cực tới sản lượng trong dài hạn nhờ giảm bớt áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc.
Nhờ đó, MBS nhận định nhà máy sẽ hoạt động 100% công suất vào năm 2028 và đóng góp khoảng 5,6 triệu tấn góp phần giúp sản lượng HRC đạt 8,6 triệu tấn (tăng 187% so với năm 2024).
Đối với các Doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen (MCK: HSG) hay Thép Nam Kim (MCK: NKG), MBS cho rằng, các doanh nghiệp này có thể hưởng lợi trong ngắn hạn do tích trữ hàng tồn kho giá rẻ từ trước khoảng 1-2 quý và có thể điều chỉnh tăng giá bán trong bối cảnh giá HRC hồi phục. Tuy nhiên, trong dài hạn các doanh nghiệp tôn mạ có mức độ hưởng lợi thấp khi biên gộp dự kiến có thể cải thiện nhẹ so với cùng kỳ nhờ có khả năng tăng giá bán.
H.A