Doanh nghiệp nhỏ lẻ, bán hàng online ở Mỹ xoay sở vượt cú sốc thuế của ông Trump

Doanh nghiệp nhỏ lẻ, bán hàng online ở Mỹ xoay sở vượt cú sốc thuế của ông Trump
một ngày trướcBài gốc
Đầu tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức xóa bỏ quy tắc miễn trừ "de minimis". Với quyết định này, các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ có giá trị từ 800 USD trở xuống sẽ không còn được miễn thuế quan và các thủ tục nhập khẩu khác.
Trước đó, quy tắc miễn trừ "de minimis" đã giúp nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu sản phẩm và tiếp cận với khách hàng Mỹ mà không phải chịu thuế quan. Kết quả là ngày càng nhiều đơn hàng nhỏ lẻ đổ vào Mỹ, nhất là các đơn đặt hàng từ các nền tảng thương mại điện tử giá rẻ đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc như Shein và Temu, theo tờ The New York Times.
Kể từ ngày 2-5, các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ có giá trị từ 800 USD trở xuống sẽ không còn được miễn thuế quan và các thủ tục nhập khẩu khác. Ảnh: AFP
Chính vì thế, việc chấm dứt quy tắc miễn trừ, kết hợp với việc áp thuế quan khổng lồ lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào kênh bán hàng trực tuyến và cả các công ty thương mại điện tử ở các nước đang phải nỗ lực tìm cách giảm thiểu những tác động khó lường.
Xoay sở với nguồn cung
Các nhà sản xuất và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tại Mỹ là một trong những bên đầu tiên gánh chịu hậu quả từ chính sách thương mại của Mỹ, trong đó có quyết định chấm dứt quy tắc miễn trừ.
Cô Kelly Kendall kinh doanh cung cấp đồ thủ công ở TP Chicago (bang Illinois, Mỹ) cho biết việc sản xuất và kinh doanh của cô cần nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc khoảng 80% nguồn nguyên liệu, bao gồm vải và các sản phẩm thêu. Trước đây, cô Kendall đã đặt hầu hết các mặt hàng với giá trị dưới ngưỡng 800 USD, nhờ đó cô đã tránh được thuế quan và đã tích trữ một số hàng tồn kho.
Song đứng trước những thay đổi vừa qua trong chính sách thương mại của Mỹ, cô Kendall lo lắng rằng trong vòng vài tháng tới mình sẽ phải bắt đầu trả một khoản thuế khổng lồ để bổ sung cho kho hàng của mình, khiến chi phí kinh doanh tăng vọt. Bất kỳ chi phí vận chuyển bổ sung nào cũng sẽ buộc cô Kendall phải tăng giá cho các bộ dụng cụ thủ công.
Trong khi đó, các lựa chọn cung cấp nguyên liệu để thay thế cho nguồn hàng từ Trung Quốc gần như không tồn tại. Cô Kendall đã bắt đầu tìm kiếm các nhà sản xuất tại Mỹ từ tháng 3-2025 và tìm thấy hai nhà máy nhỏ ở khu vực TP New York có khả năng sản xuất loại vải dệt cụ thể mà cô cần, nhưng họ đã từ chối cô vì khối lượng đơn hàng của cô quá nhỏ.
"Tôi không nghĩ mọi người hiểu được tác động lớn đối với những người kinh doanh quy mô thực sự nhỏ lẻ, khi mà nó đang là nguồn thu nhập chính của tôi" - cô Kendall cho biết.
Chung tình cảnh
Những chính sách về thuế quan của chính quyền ông Trump còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở bên ngoài nước Mỹ.
Ông Justin Crowder là chủ sở hữu của doanh nghiệp thương mại điện tử Cafuné Boutique tại Montreal (Canada) chuyên bán các sản phẩm liên quan đến cà phê. Vào tháng 2-2025, ông Crowder đã rất vui mừng khi quảng cáo trên Youtube đã giúp một máy pha cà phê espresso sản xuất ở Trung Quốc tiếp cận được nhiều hơn đến các khách hàng ở Mỹ. Doanh nghiệp của ông Crowder sau đó đã nhanh chóng giao khoảng 120 đơn hàng.
Những chính sách về thuế quan của chính quyền ông Trump còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở bên ngoài nước Mỹ. Ảnh: NEW YORK TIMES
Nhưng ít lâu sau, những thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại của chính quyền ông Trump đã biến khoản doanh số bán hàng của ông thành một gánh nặng.
Email từ những khách hàng Mỹ thất vọng bắt đầu tràn ngập hộp thư của ông Crowder. Tất cả đều phàn nàn về việc bị tính thuế cao bất ngờ, dao động từ 38 đến 159 USD cho cùng một loại máy pha cà phê espresso. Ông Crowder quyết định trả thuế thay vì buộc khách hàng Mỹ của mình phải gánh chịu những chi phí không lường trước được.
Tuy vậy, ông Crowder lo ngại rằng những thay đổi liên tục của chính quyền ông Trump đối với các chính sách thương mại của Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ như ông ít có khả năng ứng phó hơn trong tương lai.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chịu chung số phận. Ông Zhang Yikui là công nhân làm việc cho một xưởng sản xuất ở Quảng Châu (Trung Quốc) chuyên may quần áo bán trên các nền tảng thương mại điện tử Shein và Amazon. Ông Zhang cho biết nhà máy mà ông làm việc từng sản xuất 100.000 sản phẩm mỗi tháng. Hiện tại, đơn hàng đã giảm xuống chỉ còn khoảng 60.000.
Vận tải, thương mại điện tử ảm đạm
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, những công ty vận hành các sàn thương mại điện tử cùng công ty vận tải cũng phải vật lộn với những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ.
Chit Chats - một công ty vận chuyển của Canada - thông báo các chuyến hàng đến Mỹ đã bị chậm trễ do những thay đổi đột ngột của chính quyền ông Trump về quy tắc miễn trừ "de minimis".
Nền tảng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc gần đây cũng đã bắt đầu niêm yết "phí nhập khẩu" trên trang web và cho biết rằng họ sẽ không còn vận chuyển sản phẩm từ Trung Quốc vào Mỹ nữa.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng phải đối phó với các ảnh hưởng từ thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ. Ảnh: NEW YORK TIMES
Công ty này cũng cho biết họ "đã tích cực tuyển dụng nhà bán lẻ tại Mỹ tham gia nền tảng" Temu và "tất cả các giao dịch bán hàng tại Mỹ hiện do người bán tại địa phương xử lý và các đơn hàng sẽ được xử lý trong nội địa".
Tại cảng Thượng Hải ở Trung Quốc, những tàu chở hàng cỡ lớn nhất đang nằm im. Các công ty vận chuyển đã bắt đầu sử dụng những con tàu nhỏ hơn để vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm. Đài CNN dẫn dữ liệu từ Flexport - một công ty công nghệ logistics trụ sở tại Mỹ - cho thấy các chuyến vận tải từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 60% vào tháng 4-2025.
Tác động khó lường
Các chuyên gia nhận định rằng quyết định chấm dứt quy tắc miễn trừ "de minimis" của chính quyền ông Trump sẽ còn tiếp tục tác động đáng kể đến doanh nghiệp và sau đó là người tiêu dùng.
CNN dẫn lời ông Jonathan Gold - Phó Chủ tịch bộ phận chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) - cho biết hiện tại các doanh nghiệp bán lẻ đang trong quá trình cố gắng tìm đường để đặt hàng cũng như cách thức và thời điểm họ sẽ đặt những đơn hàng đó.
“Đặc biệt đối với các nhà bán lẻ nhỏ không có khả năng hấp thụ bất kỳ tác động nào của thuế quan, họ đang cố gắng tìm ra các bước tiếp theo của mình” - ông Gold nói thêm.
Ông Gabriel Wildau - một nhà phân tích tại công ty tư vấn Teneo (Mỹ) - cũng nhận định những thay đổi này sẽ "buộc các nhà bán lẻ trực tuyến có lợi thế bán hàng chính là giá rẻ phải tăng giá mạnh".
"Đây sẽ là cú sốc về giá đối với những người tiêu dùng Mỹ nhạy cảm với giá cả, những người thực sự ưa chuộng hàng hóa giá rẻ" - ông Wildau nói.
TRỌNG TẤN
Nguồn PLO : https://plo.vn/doanh-nghiep-nho-le-ban-hang-online-o-my-xoay-so-vuot-cu-soc-thue-cua-ong-trump-post848292.html