Doanh nghiệp nông nghiệp bật sáng giữa bức tranh phân hóa lợi nhuận quý I

Doanh nghiệp nông nghiệp bật sáng giữa bức tranh phân hóa lợi nhuận quý I
4 giờ trướcBài gốc
Tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn lực tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thủy sản, dệt may vượt kỳ vọng
Bức tranh kinh doanh quý I/2025 ghi nhận sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành, trở thành điểm nhấn thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Thành Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư FinSuccess, kết quả kinh doanh quý đầu năm cho thấy không phải ngành nào được kỳ vọng hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô như đầu tư công cũng đạt kết quả tích cực, trong khi một số ngành chịu nhiều lo ngại về thuế quan lại bất ngờ tăng trưởng mạnh.
Tiêu biểu là ngành thủy sản, dệt may hay chăn nuôi - những lĩnh vực vốn được cho là sẽ chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan Mỹ vẫn cho thấy tín hiệu tích cực, thậm chí vượt kỳ vọng trong nhiều trường hợp.
Doanh nghiệp thủy sản ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I. Ảnh minh họa.
Ông Trung cho biết, ngành thủy sản mặc dù nhiều doanh nghiệp lớn vẫn ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng, ví dụ như Vĩnh Hoàn (doanh nghiệp cá tra lớn), nhưng do giá bán chưa thể phục hồi, doanh thu đã giảm nhẹ mặc dù sản lượng xuất khẩu ổn định. Ngược lại, doanh nghiệp tôm như Sao Ta chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu (khoảng 30%), nhưng lợi nhuận lại giảm gần 30%.
Nguyên nhân chính không phải do thuế quan, mà là các yếu tố nội tại của ngành, như tình trạng tôm chết hàng loạt trong đợt nuôi trồng của Sao Ta, gây ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. “Nhìn chung, kết quả này cho thấy các yếu tố nội tại, như hiệu quả nuôi trồng và năng lực quản trị, đang đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với tác động từ chính sách bên ngoài như thuế quan” - ông Trung chia sẻ.
Với ngành dệt may, dù giá cổ phiếu đã có sự điều chỉnh sau khi chính sách thuế quan của chính quyền Trump được công bố hồi đầu tháng 4, ông Trung vẫn đánh giá rằng thực tế kinh doanh lại không bi quan như thị trường lo ngại. Các doanh nghiệp lớn trong ngành, như May Sông Hồng, Dệt may Thành Công đều báo lãi tăng gần 10% trong quý I, cho thấy một bức tranh kinh doanh lạc quan hơn so với sự giảm giá cổ phiếu.
Phân bón, chăn nuôi hồi phục mạnh
Cùng với đó, ngành phân bón ít chịu tác động từ các chính sách thương mại quốc tế, lại cho thấy sự khởi sắc rõ nét. Ông Nguyễn Sơn - chuyên gia từ Chứng khoán HSC cho rằng, ngành này đang hưởng lợi kép từ sự cải thiện của đầu ra và xu hướng giảm chi phí đầu vào. Các doanh nghiệp lớn như Đạm Cà Mau, Vinachem, Supe Phốt phát Lâm Thao… đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%.
Ngành phân bón được kỳ vọng phục hồi trong năm 2025. Ảnh minh họa.
Sự phục hồi này đến trong bối cảnh giá phân bón năm 2024 gặp khó khăn do giá nông sản giảm và tác động từ thời tiết El Nino, tuy nhiên, dự kiến năm 2025 sẽ có sự cải thiện tích cực, hỗ trợ nhu cầu canh tác. "Ngành phân bón đang hưởng lợi kép từ cả yếu tố đầu ra cải thiện và chi phí đầu vào giảm, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị siết chặt" - ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, trong khi nhu cầu phân bón dự kiến phục hồi, nguồn cung toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt, đặc biệt là từ Trung Quốc, nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất và các quốc gia như Ai Cập, Nga... cũng duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu ít nhất đến cuối năm 2025. Điều này giúp giá phân bón giữ vững xu hướng tích cực.
Trong nhóm ngành gắn với nông nghiệp, ngành chăn nuôi cũng là một điểm sáng đáng chú ý trong quý I. Theo ông Nguyễn Thành Trung, giá heo hơi tại Việt Nam đã có lúc đạt mức cao đột biến gần 80.000 đồng/kg, mức cao nhất trong khu vực. Đồng thời, giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào chủ yếu, lại có xu hướng giảm mạnh từ cuối năm 2024, mang lại lợi thế kép cho các doanh nghiệp trong ngành.
“Những đơn vị đầu ngành như BAF và Dabaco tận dụng rất tốt xu hướng này. Dabaco đã báo cáo lợi nhuận quý I tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi BAF cũng ghi nhận kết quả tích cực và tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi trong năm nay” - ông Trung cho hay.
Đặc biệt, sự thay đổi trong thể chế chăn nuôi cũng là yếu tố quan trọng tác động đến ngành. Luật Chăn nuôi mới, có hiệu lực từ đầu năm 2025 đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh và phòng dịch, khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải chuyên nghiệp hóa nếu muốn tiếp tục hoạt động.
Điều này tạo ra một “rào cản gia nhập” mới, giúp các doanh nghiệp lớn củng cố vị thế nhờ vào lợi thế quy mô và hệ thống kiểm soát. “Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn, từ dịch bệnh đến biến động chu kỳ giá heo, khiến cổ phiếu ngành này thường dao động mạnh như hàng hóa” - ông Trung nói./.
Thu Hương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-nong-nghiep-bat-sang-giua-buc-tranh-phan-hoa-loi-nhuan-quy-i-175875.html