Doanh nghiệp khổ vì quy định không cần thiết
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (thi hành từ năm 2007) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (thi hành từ tháng 7/2008) là hai bộ luật quan trọng, tác động sâu rộng đến toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh của hàng hóa Việt Nam.
Cụ thể, có 104 Luật, pháp lệnh, nghị định chịu sự tác động của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. 78 Luật, pháp lệnh liên quan đến Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đặc biệt, 100% Luật, pháp lệnh, nghị định và quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm (như Luật An toàn thực phẩm, Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ thực vật, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp...) và các văn bản dưới luật đều chịu sự chi phối của 2 luật trên.
Nhưng sau gần 20 năm triển khai, hai bộ luật này đang tồn tại nhiều bất cập, làm phát sinh gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, lấy ví dụ về vấn đề hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cần có dấu hợp quy và cần phải công bố hợp quy, trong khi các nước khác không có quy định này.
Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Để đáp ứng yêu cầu của Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác phải sản xuất theo kiểu “cá biệt”, dẫn đến phát sinh chi phí, xuất hiện thêm điều khoản trong hợp đồng nhập khẩu. Các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải lấy mẫu phân tích kiểm tra để công bố hợp quy, làm phát sinh chi phí, thời gian và chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
“Hàng hóa Việt Nam chưa phải xuất sắc nhất thế giới nhưng một mình chúng ta làm như vậy. Ngay cả đối với những mặt hàng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước thông quan, thì thông thường cũng chỉ áp dụng theo phương thức xác xuất, để lấy mẫu không vượt quá 5% số lô hàng nhập khẩu”, ông Dương chia sẻ tại Hội thảo “Một số tồn tại bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức.
Còn trong lĩnh vực sản xuất phân bón, ông Hà Huy San, đại diện Công ty Phân lân Ninh Bình, cho hay các phòng thử nghiệm phân bón khác nhau được Cục Bảo vệ thực vật chỉ định, khi phân tích cùng một mẫu phân bón, lại cho kết quả rất khác nhau. Một số trường hợp phản ánh không đúng chất lượng phân bón thực tế.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý phân bón địa phương lại chỉ căn cứ vào một số kết quả thử nghiệm không đúng để xử phạt hành chính, xử lý yêu cầu thu hồi, gây thiệt hại kinh tế và uy tín chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất.
Hội thảo “Một số tồn tại bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm”. Ảnh: Nhung Bùi.
Sửa luật trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính
Tại hội thảo, các chuyên gia đều đồng ý rằng cả hai bộ luật đều ban hành đã lâu, cần sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn; thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
Nếu muốn việc sửa đổi đạt hiệu quả, Nhà nước, cơ quan chủ trì xây dựng 2 luật này phải xác định, đây là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sức sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, cần có sự nghiên cứu, tham khảo thật sự nghiêm túc những quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa của các nước phát triển, các nước có tiềm năng thị trường với Việt Nam để vận dụng.
“Đây là thời vận tốt, để Việt Nam có được thể chế pháp luật và chính sách phát triển tốt nhất, nâng tầm chất lượng, sức cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Cơ quan chủ trì soạn thảo rất cần sự khách quan và tranh thủ rộng rãi ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học ở trong, ngoài nước, nhất là của các hiệp hội ngành hàng”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh.
Phía các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đề xuất bỏ bớt quy định công bố hợp quy tại cả 2 bộ luật. Trong thời gian chờ các luật được sửa đổi, các cơ quan quản lý cần xem xét bỏ bớt các chỉ tiêu kỹ thuật không có nguy cơ (dựa trên kết quả trong hơn 10 năm thực hiện Luật), đồng thời có thể bổ sung những chỉ tiêu mới "có nguy cơ hơn" vào quy chuẩn để quy định có hiệu quả hơn.
Nhung Bùi