Doanh nghiệp rối với hướng dẫn xuất hóa đơn thu nhập từ lãi tiết kiệm

Doanh nghiệp rối với hướng dẫn xuất hóa đơn thu nhập từ lãi tiết kiệm
2 giờ trướcBài gốc
Mới đây, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định, Cục thuế địa phương này đã ban hành Công văn số 3332/CTBDI-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm.
Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Bình Định cho rằng, căn cứ theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP (tại Khoản 1 Điều 4 và Khoản 2 Điều 9); đồng thời căn cứ theo Khoản 8 Điều 4 Thông tư hợp nhất số 21/VNHN-BTC thì “khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của doanh nghiệp được xem là hoạt động cho vay riêng lẻ của người nộp thuế không phải tổ chức tín dụng”.
“Do vậy, lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn được xác định là doanh thu thuộc dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng”. Tuy nhiên, “doanh nghiệp có gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn cho ngân hàng và được trả lãi định kỳ hàng quý thì công ty phải lập hóa đơn cho ngân hàng đối với dịch vụ gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn”. “Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm ngân hàng phải trả lãi cho đơn vị theo hợp đồng”.
Cùng với việc hướng dẫn xuất hóa đơn như trên, tại văn bản đang nêu, Cục Thuế tỉnh Bình Định cũng hướng dẫn doanh nghiệp phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào áp dụng theo các quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư hợp nhất số 21/VNHN-BTC.
Nhiều nội dung hướng dẫn chính sách thuế của Cơ quan Thuế thiếu đồng nhất khiến doanh nghiệp lúng túng trong thực thi pháp luật về thuế
Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Cục Thuế tỉnh Bình Định hướng dẫn doanh nghiệp xuất hóa đơn cho khoản thu nhập từ tiền lãi gửi tiết kiệm có kỳ hạn như nội dung tại Công văn số 3332/CTBDI-TTHT là không đúng với các quy định hiện hành và các hướng dẫn của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).
Cụ thể, từ tháng 9/2017 Tổng cục Thuế đã có văn bản trả lời các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề hóa đơn đối với thu nhập từ lãi gửi tiết kiệm ngân hàng.
Theo đó, tại Công văn số 4085/TCT-DNL, Tổng cục Thuế cho rằng, tiền mặt thu từ việc bán chứng khoán và thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng được xếp vào “khoản thu tài chính khác” trong các quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Vì thế doanh nghiệp không phải phát hành hóa đơn đối với khoản thu tài chính này.
Việc Cục Thuế tỉnh Bình Định ban hành Công văn số 3332/CTBDI-TTHT theo ông Thức sẽ khiến cho cộng đồng doanh nghiệp lúng túng vì không biết có cần xuất hóa đơn cho các khoản thu nhập từ lãi tiết kiệm hay không. Nếu xuất theo hướng dẫn của Cục Thuế địa phương thì sai với quy định của pháp luật và hướng dẫn trước đó của Tổng cục Thuế. Chưa kể rằng, khi xuất hóa đơn cho các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến việc phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp bị thay đổi, rủi ro khi đối soát hồ sơ kế toán thuế. Trong khi đó, nếu không làm theo hướng dẫn của Cục Thuế, có thể sẽ dẫn tới bị phạt hành chính liên quan đến chấp hành pháp luật về thuế.
Theo dõi trên các diễn đàn của doanh nghiệp cho thấy, phản ánh chung của các doanh nghiệp là không đồng tình với các hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Bình Định tại Công văn số 3332/CTBDI-TTHT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay ngành Thuế tỉnh này vẫn chưa có động thái sửa đổi đối với các nội dung hướng dẫn này.
Cũng liên quan đến hướng dẫn xuất hóa đơn đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, vừa qua, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 25950/CTBDU-TTHT hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn cho khoản thu nhập từ lãi gửi tiết kiệm tương tự như hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, sau khi công văn này được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương phản ứng gay gắt, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản mới (Công văn 25992/CTBDU-TTHT) bãi bỏ Công văn 25950 đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp không phải lập hóa đơn cho khoản thu nhập từ tiền lãi gửi tiết kiệm ngân hàng theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Thạch Bình
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-roi-voi-huong-dan-xuat-hoa-don-thu-nhap-tu-lai-tiet-kiem-156359.html