Doanh nghiệp tận dụng 'thời gian vàng' điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Doanh nghiệp tận dụng 'thời gian vàng' điều chỉnh chiến lược kinh doanh
2 ngày trướcBài gốc
Các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc hoàn thành đơn hàng đang dang dở để kịp giao ra cảng. Ảnh minh họa
Chạy nước rút hoàn tất các đơn hàng và tìm thêm thị trường
Khi Hoa Kỳ công bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với các nước, đưa mức thuế về 10%, nhiều doanh nghiệp bày tỏ vui mừng vì hoàn toàn phù hợp với kiến nghị của các doanh nghiệp trước đó. Các doanh nghiệp này cũng ngay lập tức có kế hoạch “tận dụng” thời gian để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex, ngay khi nhận tin Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày, công ty đã họp triển khai cho toàn bộ nhân viên trong hệ thống tổ chức thu mua nguyên liệu. Nhà máy vận hành hết công suất trên tinh thần "làm ngày, làm đêm" để đáp ứng các đơn hàng đã ký và những hợp đồng bị trì hoãn giao hàng trong thời gian qua. Trước mắt tập trung giải quyết nhanh gọn các hợp đồng này trong thời gian 90 ngày; nếu có hợp đồng mới cũng phải bảo đảm tiến độ giao hàng sớm trong giai đoạn này.
Để tận dụng thời gian này, bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp thủy sản cũng như cộng đồng trong chuỗi cung ứng cân nhắc kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, tranh thủ giai đoạn 90 ngày thuế quan 10% đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp tính tới phương án chuyển hướng và đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua các hiệp định thương mại tự do… để giảm phụ thuộc lớn vào một thị trường nào đó.
Tương tự, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc hoàn thành đơn hàng đang dang dở, đẩy nhanh hơn để kịp giao ra cảng. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các đơn hàng quý II không có nhiều thay đổi nhưng đơn hàng từ quý III của đơn vị xuất đi Mỹ đã được đưa vào tình trạng xem xét... Khu vực sản xuất nhanh chóng hoàn thiện các đơn hàng đã chắc chắn, còn bộ phận kinh doanh đã phải lên hai giải pháp cấp bách, tìm nhà cung cấp nguyên liệu với chi phí rẻ hơn và giảm biên độ lợi nhuận để cạnh tranh được với các đối thủ như Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã và đang nỗ lực chuyển hướng thị trường và tranh thủ thuế nhập khẩu gỗ giảm để nhập và xuất sang các nước khác; đặc biệt chú trọng phân khúc cao cấp bởi đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng cho biết, ngay khi có thông tin Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng vào ngày 10/4, khách hàng đã thúc doanh nghiệp dệt may đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới. Các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã chủ động xây dựng giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II/2025…
"Đo, đếm" sát với thực tiễn
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày với một số đối tác trong đó có Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho rằng, Việt Nam, trong thời điểm này, đang đứng trước một “khoảng lặng quý giá” - không chỉ là cơ hội xuất khẩu, mà là cơ hội để khẳng định năng lực tự cường của nền kinh tế. Để nắm bắt cơ hội ấy, điều kiện tiên quyết không phải là giá lao động rẻ, mà là khả năng tư duy chiến lược, quản trị rủi ro, và nâng cấp vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chứng minh vai trò đối tác thương mại đáng tin cậy có tư duy chiến lược
Theo các chuyên gia, giai đoạn “trì hoãn 90 ngày thuế quan 10%” không chỉ là thời gian chạy đua về sản lượng xuất khẩu, mà còn là lúc Việt Nam cần chứng minh vai trò một đối tác thương mại có trách nhiệm, đáng tin cậy và có tư duy chiến lược.
Với Việt Nam, ông Huy cho rằng, điều này mở ra một khung thời gian quý báu để tăng tốc xuất khẩu trong các ngành có thế mạnh: Dệt may, điện tử, nội thất, nông nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ các quốc gia đang bị áp thuế hoặc có rủi ro địa chính trị cao; tái cơ cấu chuỗi cung ứng nội địa để giảm phụ thuộc vào một số thị trường đầu vào truyền thống.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhận định, đối với việc hoãn áp thuế đối ứng, doanh nghiệp sẽ không phải chịu thêm gánh nặng chi phí và không bị xáo trộn kế hoạch kinh doanh ngay lập tức. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng bởi "tạm hoãn" không đồng nghĩa với việc "bãi bỏ hoàn toàn" và các rủi ro sau này vẫn tiềm ẩn. Lệnh tạm hoãn áp thuế đối ứng giúp doanh nghiệp có "thời gian vàng" để chuẩn bị và điều chỉnh chiến lược.
Các doanh nghiệp hiểu rõ nguy cơ về phòng vệ thương mại chưa hẳn chấm dứt, nên tiếp tục mong chờ sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng, củng cố nội lực để sẵn sàng ứng phó khi rủi ro tiếp diễn. Đồng thời cũng mong muốn các cấp, ngành kịp thời cập nhật thông tin chính thức khi có thay đổi về chính sách để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị; có kênh tư vấn, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan tới thuế.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, trong 3 tháng tới, cần linh hoạt, tăng tốc sản xuất và xuất khẩu, tận dụng thời gian miễn thuế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ, tối ưu hóa chi phí và doanh thu. Đàm phán với đối tác Hoa Kỳ ký kết thêm hợp đồng, chốt giá và cam kết giao hàng trong giai đoạn chưa bị áp thuế. Tối ưu logistics và chuỗi cung ứng, tận dụng giá cước vận tải hiện hành, chuẩn bị hàng hóa nhanh, linh hoạt hơn trong giao nhận.
Về lâu dài, tái cấu trúc sản phẩm và định vị thương hiệu, tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, ít bị cạnh tranh về giá; tăng cường năng lực nội tại bằng cách đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, kiểm soát chất lượng và chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu…
Việt Nam - châu Âu hợp tác trên nhiều lĩnh vực tiềm năng
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam ông Julien Guerrier gợi ý, châu Âu và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Mỹ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Thời gian tới, hai bên có thể tiếp tục hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng như phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo và chất bán dẫn.
Ông Julien Guerrier cũng kỳ vọng các chuyến thăm sắp tới của Ủy viên Thương mại EU Maroš Šefčovič, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới Việt Nam, cũng như việc nâng cấp quan hệ châu Âu - Việt Nam, sẽ là những cột mốc quan trọng để hai bên cùng nhau vạch ra con đường phát triển trong tương lai.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là nền tảng vững chắc cho quan hệ kinh tế giữa hai bên, đã có hiệu lực gần năm năm, cần tận dụng tối đa EVFTA để gia tăng giá trị trong quan hệ thương mại và đầu tư.
Cũng theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ngay khi Hoa Kỳ thông báo mức thuế đối ứng với Việt Nam, chưa có thành viên nào thông báo sẽ đóng cửa nhà máy tại Việt Nam.
Nguyên Phương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-tan-dung-thoi-gian-vang-dieu-chinh-chien-luoc-kinh-doanh-174645-174645.html