Doanh nghiệp 'tay ngang' ồ ạt trở lại đường đua bất động sản

Doanh nghiệp 'tay ngang' ồ ạt trở lại đường đua bất động sản
15 giờ trướcBài gốc
Trung tuần tháng 3 vừa qua, tại đại hội cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen Group Lê Phước Vũ hé lộ kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng, nội thất, đồng thời tái nhập “đường đua” bất động sản với dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái.
“Tay chơi” trở lại
Dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái được triển khai từ năm 2016 trên khu đất diện tích 1,5 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 1.200 tỷ đồng, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan.
Thực tế, trong nhiều năm qua, Hoa Sen là một trong những tên tuổi liên tục thể hiện tham vọng với lĩnh vực bất động sản. Minh chứng, “ông lớn” ngành tôn mạ từng thông qua nghị quyết góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn chuyên đầu tư vào địa ốc.
Hoa Sen Sài Gòn được giới thiệu sẽ hướng tới các bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở. Tuy nhiên, quá trình lấn sân bất động sản của HSG vẫn gặp phải vô vàn trắc trở và chưa có quá nhiều dấu ấn.
Doanh nghiệp lấn sân bất động sản có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rủi ro.
Tương tự, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra mới đây, việc Hóa chất Đức Giang (DGC) có ý định làm dự án bất động sản trở thành chủ đề nóng. Công ty dự kiến đầu tư một dự án gồm 1.000 căn chung cư và 60 căn nhà liền kề thấp tầng tại Long Biên, Hà Nội.
Trong khi đó, cách đây 2 tuần, CTCP Đô thị FPT Đà Nẵng - FPT City (thành viên Tập đoàn FPT) tổ chức lễ khởi công dự án FPT Plaza 4 với tổng mức đầu tư 2.790 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2022-2023, FPT đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 tòa nhà chung cư FPT Plaza 1 và 2 với gần 1.300 căn hộ.
Xa hơn, trong tháng 2/2025, CTCP Phát triển đầu tư - Xây dựng Bách Giang - DCI (một thành viên của Tây Giang Group - hoạt động đầu tư đa ngành, với lĩnh vực cốt lõi là khai thác khoáng sản) đã khởi công Khu đô thị phía Đông tại xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Dự án có diện tích quy hoạch gần 50 ha, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 18.300 cư dân. Trong đó, diện tích dành cho đất ở hơn 17 ha, đất cho nhà ở xã hội khoảng 15.000 m2...
Cũng tại Hưng Yên, CTCP Yên Sơn - một doanh nghiệp chuyên về nội thất, chính thức lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc ra mắt dự án Majestic City (huyện Mỹ Hào) với quy mô 768 lô đất cùng khối cao tầng với 740 căn hộ chung cư và 280 căn nhà ở xã hội.
Miếng bánh không dễ ăn
Một điểm đáng chú ý trong làn sóng “lấn sân” sang bất động sản thời gian qua là bên cạnh những doanh nghiệp thép hay xây dựng có thể tận dụng lợi thế của chính mình để nắm bắt cơ hội thị trường, thì cũng có những cái tên trái ngành hoàn toàn như nội thất, hóa chất... tham gia vào cuộc chơi.
Việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản không phải là mới trên thị trường, bởi thực tế là khi đã đủ lớn mạnh trong lĩnh vực của mình, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang bất động sản với hấp lực từ những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Anh Trần Trung Đức, một nhà quan sát chuyên về bất động sản, chia sẻ trong thời hoàng kim, khi tình trạng “đền bù rẻ mạt, bán giá trên trời” còn phổ biến, thì chuyện doanh nghiệp làm bất động sản thu “1 vốn 4 lời” là không quá phóng đại.
Lấy ví dụ, tại một dự án phải đền bù 100ha đất lúa, với giá trung bình 200.000/m2. Sau 2 năm, doanh nghiệp mở bán với giá 20 triệu/m2. Chênh lệch là 100 lần. Tuy nhiên, để tính ra lợi nhuận, cần trừ các khoản chi phí khác.
Cụ thể, với giá bán chỉ 20 triệu đồng/m2, sau khi trừ đi diện tích giao thông, diện tích các công trình công cộng, cây xanh, mặt nước, rồi cả 20% nhà ở xã hội…, diện tích đất bán ròng đạt khoảng 35ha. Kết quả, doanh nghiệp thu về khoảng 7.000 tỷ đồng.
Doanh thu 7.000 tỷ đồng, theo anh Đức, sẽ rất khó thu về “một cục” mà sẽ thu trong 2-3 năm. Trong số này, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục chi cho đường sá, tiện ích, khoảng 1.500 tỷ đồng; tiền sử dụng đất, khoảng 1.000-3.000 tỷ đồng; các loại chi phí khác như môi giới, quản lý…
“Như vậy, với 1 dự án quy mô 100 ha tiến độ 3 năm, trong thời kỳ hoàng kim, doanh nghiệp có thể thu về trên dưới 2.000 tỷ đồng. Một con số rõ ràng là vô cùng hấp dẫn dù có nhiều biến số. Hiện tại, mọi thứ không còn dễ dàng với bảng giá đất mới, khuôn khổ pháp lý cũng chặt chẽ hơn, nhưng lợi nhuận vẫn là lý do nhiều ông lớn ngoài ngành luôn nhăm nhe vào bất động sản”, anh Đức phân tích.
Tiềm năng là hiện hữu, tuy nhiên, cơ hội lớn thì rủi ro nhiều. Những thất bại của loạt tên tuổi từng lấn sân bất động sản trong quá khứ chứng minh điều này. Có thể kể đến các trường hợp như Nam Việt (ANV), Thủy sản Sài Gòn (SSN), Hùng Vương (HVG) đã từng "ngậm trái đắng".
Điển hình, HVG - doanh nghiệp gắn liền với danh xưng "vua cá tra" Hùng Vương, từng đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu thủy sản, với doanh thu vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, cũng đã phải gác lại giấc mơ bất động sản của mình khi thị trường gặp khó.
Một tên tuổi khác cũng từng “vỡ mộng” khi đầu tư vào bất động sản là Taxi Mai Linh. Theo tìm hiểu, Mai Linh không tham gia đầu tư bất động sản đơn thuần, mà đầu tư nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải.
Để triển khai, Mai Linh huy động 500 tỷ đồng nhàn rỗi của khoảng 800 cá nhân, với lãi suất 18-25%/năm, chủ yếu vay ngắn hạn 1-2 năm. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, gánh nặng từ nhà đất đã bủa vây doanh nghiệp vận tải này.
Ông Phan Xuân Cần, chuyên gia tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án, các doanh nghiệp có thể đang ở một lĩnh vực khác, tham gia vào đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, bất động sản hiện không dành cho tất cả các nhà đầu tư. Đối với những doanh nghiệp mới, nên hết sức thận trọng.
Trong khi đó PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, đánh giá trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp muốn đầu tư vào bất động sản cần thận trọng nghiên cứu kỹ thực trạng, đánh giá nhu cầu, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải, rơi vào khủng hoảng thừa. Bỏ 1 đồng vốn ra phải đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.
Hưng Nguyên
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-tay-ngang-o-at-tro-lai-duong-dua-bat-dong-san-1105951.html