Sản phẩm thép cuộn do Công ty thép Hyundai sản xuất. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc đang tìm cách giảm thiểu tác động từ chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ bằng cách chuyển dịch đầu tư sang Mỹ và phát triển sản phẩm có giá trị cao.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng Một, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục áp đặt các mức thuế mới đối với nhiều đối tác thương mại, trong đó có việc áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ ngày 12/3 và dự kiến áp thêm thuế đối ứng với từng quốc gia từ ngày 2/4 theo giờ Mỹ.
Trước bối cảnh đó, Hyundai Steel Co. và POSCO Holdings, hai nhà sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc, đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Cụ thể, Hyundai Steel công bố kế hoạch đầu tư 5,8 tỷ USD xây dựng một nhà máy thép tích hợp sử dụng lò hồ quang điện tại bang Louisiana của Mỹ.
Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2029 với công suất 2,7 triệu tấn thép mỗi năm. Lượng thép này sẽ được cung cấp cho các công ty liên kết như Hyundai Motor Co. và Kia Corp., cũng như các hãng sản xuất ôtô khác tại thị trường Mỹ.
Một quan chức của Hyundai Steel xác nhận công ty sẽ cung cấp thép cho các mẫu xe chiến lược của Hyundai và Kia sản xuất tại Mỹ, đồng thời mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất ôtô tại Mỹ Latinh và châu Âu.
Nếu dự án hoàn thành, đây sẽ là nhà máy thép đầu tiên của Hyundai Steel bên ngoài Hàn Quốc và là nằm trong chiến lược lớn của tập đoàn Hyundai Motor đầu tư 21 tỷ USD tại Mỹ nhằm ứng phó với chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
Trong khi đó, POSCO Holdings cũng đang xem xét đầu tư vào các quy trình sản xuất thép "thượng nguồn" tại Mỹ và Ấn Độ. Chủ tịch tập đoàn Chang In-hwa nhấn mạnh yếu tố quan trọng của việc đầu tư vào các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao.
Hiện, POSCO chưa đưa ra quyết định về kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ mà đang tập trung cho việc phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và cải tiến công nghệ để hạ chi phí sản xuất và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Tại thị trường Ấn Độ, POSCO đã ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn JSW Group từ tháng 10/2023 về việc xây dựng một nhà máy thép tích hợp có công suất 5 triệu tấn/năm.
Hiện, POSCO đã có nhà máy thép tích hợp tại Indonesia, các nhà máy thép cán nguội tại Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, cùng một nhà máy thép cho sản xuất ôtô tại Mexico.
Lâu nay, các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc đã gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng dư cung và giá thép giảm.
Việc Mỹ áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu càng làm gia tăng áp lực lên các công ty này, khiến giá thép của Hàn Quốc trở nên kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ của Mỹ như United States Steel Corp.
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump từ 2017-2021, Hàn Quốc được miễn thuế xuất khẩu thép sang Mỹ nhờ tuân thủ hạn ngạch 2,63 triệu tấn mỗi năm, tương đương 70% lượng thép xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ trong giai đoạn 2015-2017.
Tuy nhiên, hạn ngạch này đã bị hủy bỏ ngay khi Mỹ áp thuế 25% lên tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào tháng trước.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ (ITA), năm 2023, Hàn Quốc xuất khẩu thép lớn thứ 4 vào Mỹ, chiếm 9% (khoảng 2,9 tỷ USD) tổng lượng thép nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đứng thứ 4 về xuất khẩu nhôm, chiếm 4% tổng nhập khẩu nhôm của Mỹ./.
(TTXVN/Vietnam+)