Doanh nghiệp tôn mạ đầu tư nâng cấp sản phẩm

Doanh nghiệp tôn mạ đầu tư nâng cấp sản phẩm
12 giờ trướcBài gốc
Tập đoàn Hoa Sen đang tập trung phát triển chuỗi Hoa Sen Home (Ảnh: Lê Toàn)
Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp sản phẩm
Hiếm khi doanh nghiệp tôn mạ gặp nhiều khó khăn như hiện nay, khi không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ và phải tìm thị trường thay thế, bao gồm cả thị trường nội địa.
Với những khó lường của thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp tôn mạ quay trở lại thị trường nội địa để tận dụng thời điểm Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, thực hiện nhiều cải cách, tháo gỡ pháp lý thúc đẩy hoạt động xây dựng trong nước. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp lớn trong ngành đồng loạt quay lại thị trường nội địa, nên áp lực cạnh tranh gia tăng, đặc biệt với các đại lý phân phối.
Đối mặt với bài toán đầu ra, các doanh nghiệp tôn mạ lớn đang có những bước đi chiến lược, hướng tới nâng cấp sản phẩm. Trong đó, động thái mới nhất là chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng xây dựng thêm nhà máy, hướng tới nâng cấp sản phẩm.
Đối mặt với bài toán đầu ra, các doanh nghiệp tôn mạ lớn đang có những bước đi chiến lược, hướng tới nâng cấp sản phẩm.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG) đã hai lần tăng vốn đầu tư Dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ từ 4.500 tỷ đồng lên 6.200 tỷ đồng (tăng thêm 1.700 tỷ đồng). Dự án này được chia làm 2 giai đoạn và dự kiến thực hiện đến năm 2027.
Điểm đáng lưu ý là, nhà máy mới dự kiến sản xuất thép điện từ silic ứng dụng trong động cơ điện, ô tô, máy biến áp… Các dòng sản của nhà máy là phẩm chất lượng cao, nhắm đến các phân khúc cao cấp vốn có mức độ cạnh tranh không quá gay gắt, như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô, cơ khí phụ trợ, điện gia dụng…
Dự án đang được triển khai xây dựng trên quy mô 32,7 ha, giai đoạn I dự kiến có công suất mạ 400.000 tấn/năm (dự kiến 60% xuất khẩu và sẽ nâng lên 80% sau 5 năm vận hành). Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2026 và dự kiến chạy hết công suất từ năm 2027.
Theo tìm hiểu, Thép Nam Kim đang sở hữu dây chuyền tẩy gỉ với công suất 1 triệu tấn/năm; dây chuyền cán nguội với công suất 1 triệu tấn/năm; dây chuyền mạ lạnh, mạ kẽm hoặc mạ zinmag là 1,2 triệu tấn/năm và dây chuyền mạ màu với công suất 180.000 tấn/năm.
Với việc nâng vốn đầu tư, nâng cấp sản phẩm, Thép Nam Kim đang hướng tới sản phẩm ứng dụng trong các sản phẩm điện tử gia dụng, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô và các ngành cơ khí phụ trợ khác, mở rộng phân khúc cao hơn cho thị trường xây dựng. Đây là phân khúc nâng cấp so với dòng sản phẩm hiện hữu và Công ty đang liên tục nâng vốn đầu tư để triển khai dự án.
Thực tế, tháng 2/2025, Thép Nam Kim chào bán toàn bộ hơn 131,6 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.579,7 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền huy động để đầu tư Dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ.
Theo tính toán ban đầu, cơ cấu vốn đầu tư dự án trên là 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay.
Như vậy, theo ước tính vốn đầu tư mới điều chỉnh lên 6.200 tỷ đồng, Thép Nam Kim sẽ cần 1.860 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 4.340 tỷ đồng vốn vay để đảm bảo nguồn vốn triển khai toàn bộ hai giai đoạn của Dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ.
Thêm nữa, cùng với quá trình đầu tư nhà máy mới, từ cuối năm 2023 đến ngày 31/3/2025, tổng nợ vay của Thép Nam Kim tăng thêm 982,6 tỷ đồng, lên 5.750,3 tỷ đồng, bằng 76,5% vốn chủ sở hữu (tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của ngành là 86%).
Có thể thấy, trong ngắn hạn, dư nợ vay tăng cao khi huy động lên tới 4.340 tỷ đồng, dẫn tới áp lực chi phí tài chính khi dự án đi vào vận hành và các chi phí khấu hao nhà máy mới.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã GDA) cũng đang lên kế hoạch đầu tư nhà máy thép lá mạ (nhà máy số 4) để tăng công suất thép lá mạ thêm 1,2 triệu tấn/năm, dự kiến khởi công vào cuối năm 2025. Trong đó, sản phẩm của nhà máy mới đáp ứng cho nhiều ngành, như xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô...
Mở rộng hệ thống phân phối
Trái ngược với hai doanh nghiệp tôn mạ trên, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) lại chọn hướng đi khác khi tập trung mở rộng chuỗi phân phối Hoa Sen Home. Theo đó, Công ty lên kế hoạch mở rộng từ 120 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2024 lên 300 cửa hàng vào năm 2030, tập trung nguồn vốn khoảng 6.000 tỷ đồng để mở rộng chuỗi Hoa Sen Home (giải ngân 1.060 tỷ đồng năm 2025; 1.560 tỷ đồng năm 2026…) để đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân chuỗi giai đoạn 2024 - 2030 là 16,3%/năm (doanh thu dự kiến tăng từ 13.343 tỷ đồng lên 33.000 tỷ đồng trong giai đoạn này).
Với tham vọng mở rộng chuỗi cửa hàng Hoa Sen Home, đặc biệt là các cửa hàng quy mô lớn, đồng thời nhập khẩu thêm các dòng sản phẩm nội thất, vật liệu xây dựng vào kinh doanh, đòi hỏi Hoa Sen phải đầu tư thêm nhiều nguồn vốn.
Bên cạnh lĩnh vực thương mại vật liệu xây dựng, Hoa Sen cũng hé lộ kế hoạch phát triển khu đô thị quy mô 600 - 700 ha tại Long Thành (Đồng Nai) để tận dụng chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng sân bay quốc tế, cảng nước sâu và các tuyến cao tốc, đồng thời tận dụng nguồn vật liệu xây dựng giá thấp của Công ty để phát triển dự án quy mô lớn.
Với nhu cầu vốn lớn cho việc phát triển chuỗi Hoa Sen Home, đồng thời chuẩn bị nguồn lực tham gia dự án bất động sản quy mô lớn tại Long Thành và đặc biệt dự báo thị trường tôn thép đang bước vào chu kỳ đi xuống, Hoa Sen đang thể hiện bước đi khác biệt với các doanh nghiệp trong ngành.
Duy Bắc
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/doanh-nghiep-ton-ma-dau-tu-nang-cap-san-pham-d336418.html