Đồng NDT của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Lượng tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng ngày càng tăng, cùng với sự gia tăng những giao dịch hoán đổi tiền tệ, cho thấy các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc đang dự tính rằng họ có thể đổi USD sang NDT với tỷ giá tốt hơn nếu họ chờ đợi.
Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) cho thấy, tiền gửi bằng ngoại tệ đã tăng 137,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, hay 19% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 990,1 tỷ USD vào cuối tháng Năm. Tính toán của hãng tin Reuters cho thấy tỷ lệ chuyển đổi – một thước đo mức độ sẵn sàng bán USD để lấy NDT của các hộ gia đình và doanh nghiệp – đã giảm xuống.
Lo ngại bỏ lỡ lợi nhuận tiềm năng từ việc đồng NDT mất giá, thay vì bán USD để mua NDT, các công ty xuất khẩu đã chuyển sang những giao dịch hoán đổi tiền tệ để tạm thời có được đồng NDT. Theo dữ liệu từ các cơ quan quản lý, những ngân hàng thương mại đã thực hiện các giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá 277,5 tỷ USD thay mặt cho khách hàng của họ trong khoảng thời gian từ tháng 1-5, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc dự đoán đồng NDT sẽ giảm giá so với đồng USD đi ngược lại xu hướng sụt giảm trên diện rộng của đồng USD so với hầu hết các loại tiền tệ khác. Dự đoán này chủ yếu là vì những nỗ lực của PBoC nhằm giữ ổn định đồng nội tệ và thậm chí là khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn.
Điều này cũng cho thấy PBoC đang ở trong một tình thế khó xử. Một biến động đột ngột của đồng NDT, dù là tăng hay giảm, cũng có thể châm ngòi cho một làn sóng bán ra hàng tỷ USD của các doanh nghiệp và hộ gia đình, nhằm mục đích chốt lời ở mức tỷ giá tốt hơn hoặc để ngăn chặn thua lỗ.
Kể từ tháng Năm, PBoC đã điều hành tỷ giá tham chiếu hàng ngày để cho thấy họ không mong muốn đồng NDT tăng giá quá mạnh.
PBoC cũng phát tín hiệu sẵn sàng cho các nhà đầu tư ở đại lục chuyển một phần tiền từ các thị trường có lợi suất thấp ở đây sang cổ phiếu và trái phiếu ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Một số nhà phân tích cho rằng động thái này nhằm tạo ra áp lực bán đối với đồng NDT.
Đồng NDT của Trung Quốc chỉ tăng 1,5% so với đồng USD kể từ ngày 2/4, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng. Trong cùng thời gian, các đồng tiền như baht Thái, won Hàn Quốc đã tăng từ 6% đến 14%.
Bà Eugenia Victorino, người đứng đầu bộ phận chiến lược châu Á tại SEB, nhận định rằng trong bối cảnh có nhiều rủi ro từ các chính sách thương mại của Mỹ, Trung Quốc cần duy trì một đồng tiền có tính cạnh tranh cao so với những thị trường khác ngoài Mỹ.
Hoạt động tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đã bất ngờ tăng vọt trong tháng 5/2025 khi nền kinh tế nước này vượt qua giai đoạn biến động về thuế quan. Doanh số bán lẻ tháng 5/2025 tăng 6,4%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/2023 và vượt mọi dự báo. Con số này đã giúp bù đắp cho sự giảm tốc của sản lượng công nghiệp, vốn chỉ tăng 5,8%, thấp hơn mức dự báo trung bình trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg với các nhà phân tích.
Sức tiêu dùng tăng mạnh bất ngờ có thể giúp các nhà hoạch định chính sách nhẹ nhõm phần nào. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, áp lực giảm phát và những lo ngại về thất nghiệp – những yếu tố đang đè nặng lên niềm tin của các hộ gia đình.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng khoảng 5% cho năm 2024, Chính phủ Trung Quốc trước đó đã xác định việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một ưu tiên trong năm nay. Chính phủ cũng đã đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu trong năm nay, qua đó cung cấp nguồn vốn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và Liên đoàn Vận chuyển và mua sắm Trung Quốc đã công bố chỉ số PMI tháng 6/2025. Theo đó, chỉ số PMI của ngành sản xuất, chỉ số hoạt động kinh doanh ngành dịch vụ phi sản xuất và chỉ số tổng hợp PMI lần lượt đạt 49,7, 50,5 và 50,7, đều có sự tăng trưởng nhẹ so với tháng trước, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng.
Trong tháng 6/2025, chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc tăng lên 49,7, với 11 trong tổng số 21 ngành sản xuất được khảo sát có chỉ số PMI tăng trên 50, cho thấy sự mở rộng trong các hoạt động sản xuất. Chỉ số sản xuất và đơn đặt hàng mới đều đạt mức 51,0 và 50,2, cho thấy sản xuất gia tăng và nhu cầu thị trường cải thiện. Cụ thể, các ngành như thực phẩm, đồ uống, thiết bị chuyên dụng đã có mức sản xuất và đơn đặt hàng ổn định trong hai tháng liên tiếp.
Đáng chú ý, chỉ số giá cả cũng có sự phục hồi. Chỉ số giá nguyên liệu chính và giá xuất xưởng lần lượt đạt 48,4 và 46,2, tăng so với tháng trước, phản ánh sự cải thiện trong giá cả thị trường. Trong đó, ngành dầu mỏ, than và các nhiên liệu khác có mức tăng giá rõ rệt do ảnh hưởng của sự tăng giá dầu quốc tế gần đây.
Khánh Ly/Bnews/vnanet.vn