DeepSeek bất ngờ bùng nổ trên thị trường AI toàn cầu vào tháng trước, làm chao đảo thị trường chứng khoán và đưa nhà sáng lập Lương Văn Phong trở thành cái tên nổi bật trên trường quốc tế. Các mô hình AI mới nhất của DeepSeek được cho là sánh ngang, thậm chí vượt trội hơn so với các đối thủ hàng đầu tại Mỹ, nhưng với mức đầu tư thấp hơn đáng kể.
Kể từ đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc từ các ngành khác nhau, bao gồm cả những thương hiệu lớn, đã nhanh chóng áp dụng DeepSeek, giữa lúc làn sóng tự hào dân tộc về thành công của ứng dụng AI nội địa ngày càng dâng cao.
Deepseek đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại quê nhà Trung Quốc. Ảnh : X
Ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom đã tích hợp mô hình AI của DeepSeek, chủ yếu vào dịch vụ đám mây. Các hãng smartphone hàng đầu như Huawei, Vivo và Oppo cũng không đứng ngoài cuộc.
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng gia nhập xu hướng này. Ứng dụng nhắn tin Weixin của Tencent, phiên bản nội địa của WeChat, đang thử nghiệm tính năng tìm kiếm bằng AI DeepSeek. Trong khi đó, Baidu thông báo sẽ tích hợp công cụ tìm kiếm và chatbot AI Ernie Bot với DeepSeek.
Ngành sản xuất ô tô Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội. Hơn một chục hãng xe, từ tập đoàn BYD đến startup Leapmotor, đã công bố kế hoạch phát triển các mẫu xe tích hợp AI DeepSeek.
Ít nhất 20 công ty môi giới và quản lý quỹ tại Trung Quốc đã bắt đầu ứng dụng DeepSeek vào hoạt động kinh doanh, có khả năng thay đổi cách họ nghiên cứu thị trường, quản lý rủi ro, đưa ra quyết định đầu tư và tương tác với khách hàng.
Không chỉ doanh nghiệp, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc cũng đang tận dụng AI.
Tại tỉnh Quảng Đông, các thành phố lớn như Thâm Quyến, Quảng Châu và Đông Quan đã tích hợp DeepSeek vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Nhiều địa phương khác cũng tổ chức các khóa đào tạo nhằm khai thác tiềm năng của AI để nâng cao hiệu suất công việc.
Tuy nhiên, một số động thái gần đây đã làm dấy lên lo ngại về tác động của AI đối với thị trường lao động.
Theo truyền thông địa phương, quận Phúc Điền (Thâm Quyến) đã triển khai một nhóm "công chức AI" đầu tiên dựa trên mô hình R1 của DeepSeek vào đầu tháng này. Những trợ lý AI này đảm nhận các công việc như xử lý tài liệu, cung cấp dịch vụ công, quản lý khẩn cấp và xúc tiến đầu tư.
Quan chức quận Phúc Điền cho biết hệ thống AI này giúp rút ngắn thời gian tạo nội dung cá nhân hóa từ 5 ngày xuống chỉ vài phút, giảm 90% thời gian thẩm định hồ sơ và đạt độ chính xác hơn 95% trong việc định dạng tài liệu.
Thông báo này nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. Trên Weibo, hashtag "Hỏi DeepSeek liệu công việc của tôi có bị thay thế không?" đã thu hút gần 7,2 triệu lượt xem tính đến ngày 20/2.
Cao Phong (theo CNA, CNBC, SCMP)