Chiều 28/11, lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ làm việc với đại diện Công ty TNHH CP tập đoàn China Gezhouba Group (CGGC) - thành viên tập đoàn xây dựng năng lượng Trung Quốc (CEEC) về đề xuất hợp tác phát triển dự án nhà máy đốt rác phát điện với công suất xử lý 400 – 600 tấn rác/ngày.
Tại buổi làm việc, phía CGGC trình bày các lĩnh vực hoạt động của công ty và mong muốn hợp tác với TP Cần Thơ phát triển dự án nhà máy đốt rác phát điện với vốn đầu tư khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng.
Nhà máy này có khả năng đốt 400 – 600 tấn rác mỗi ngày với công suất phát điện từ 8-10 MW, lượng điện tạo ra khoảng 64 triệu kWh/năm.
Đại diện CGGC cho biết, họ đã, đang đầu tư nhiều dự án ở Việt Nam như: Nhà máy nhiệt than Hải Dương (công suất 1.200 MW), dự án Điện gió Ninh Thuận và Bình Thuận (công suất 70 MW), nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng giai đoạn 1 (công suất 600 MW)...
Ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, thành phố đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giao thông, năng lượng… UBND TP đã ban hành danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư, trong đó có dự án xử lý chất thải rắn số 2 tại khu xử lý chất thải rắn ở huyện Thới Lai.
Ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.T
"Sở Công Thương được UBND TP Cần Thơ giao chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, UBND huyện Thới Lai giới thiệu với nhà đầu tư quan tâm đến dự án này. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ đề xuất đấu thầu chọn nhà đầu tư. Các đơn vị liên quan đang tiến hành các thủ tục về quy hoạch, đất đai, đấu thầu để tiến hành đấu thầu dự án theo quy định trong thời gian tới", ông Sử nói.
Vẫn theo ông Sử, Sở Công Thương sẽ trao đổi với các sở, ngành, đơn vị liên quan và tham mưu cho UBND TP để cung cấp thông tin về dự án cho nhà đầu tư quan tâm.
Đại CEEC tại Việt Nam. Ảnh: H.T
Cần Thơ hiện có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (nhà máy EB) và khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng (lò đốt rác Đông Thắng) ở huyện Cờ Đỏ của Công ty TNHH dịch vụ thương mại Minh Thông.
Nhà máy EB có công suất 400 tấn/ngày nhưng đang tiếp nhận tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình 525 tấn/ngày từ 5 quận, huyện của TP.
Lò đốt rác Đông Thắng có công suất 100 tấn/ngày, song đang tiếp nhận 120 tấn/ngày từ 4 quận, huyện. Trong khi đó, đến hết năm 2025, lò đốt rác này sẽ ngừng hoạt động do hết thời gian quy định theo chủ trương đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Cần Thơ gần 118.000 tấn, tương đương hơn 648 tấn/ngày. Nếu so với công suất của hai nhà máy trên, lượng rác dôi dư của Cần Thơ hiện nay khoảng 148 tấn/ngày.
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đang tồn đọng tại các bãi chôn lấp trên địa bàn khoảng 958.000 tấn.
Sở TN&MT đã có văn bản gửi UBND TP kiến nghị chỉ đạo UBND huyện Thới Lai lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thải rắn số 2 tại khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai.
Đề xuất này dựa trên cơ sở quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và theo quyết định của UBND TP phê duyệt đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai công suất xử lý năm 2020 khoảng 750 tấn/ngày đêm, đến năm 2030 khoảng 1.000 tấn/ngày đêm...
Hoài Thanh