Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Duy trì tăng trưởng kinh tế tích cực trong nhiều năm, Việt Nam gây ấn tượng và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư Trung Quốc.
Đây là nội dung được các đại biểu, doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư-Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Ma Cao (Trung Quốc) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông (CGCC), Phòng Thương mại Hong Kong (Trung Quốc)-Việt Nam (HKVCC), Liên minh Doanh nhân Vùng vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Ma Cao (Trung Quốc-GBA Alliance) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 17/12.
Ông Võ Văn Hoan-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, đặc biệt là với khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Ma Cao (Trung Quốc-GBA) tiếp tục ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch.
Hiện nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Về đầu tư, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới trong 7 tháng của năm 2024 với 540 dự án, có tổng vốn đăng ký đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước.
Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, giày da, may mặc...
Tuy nhiên, dòng vốn Trung Quốc hiện đang chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh... Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều dự án đầu tư từ Trung Quốc nhất với 731 dự án.
"Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt với mức tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,17% và đóng góp 27% vào ngân sách quốc gia. Quy mô dân số gần 10 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, thành phố là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho doanh nghiệp nước ngoài; trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc đến hợp tác, đầu tư kinh doanh," ông Võ Văn Hoan thông tin.
Bà Trần Thị Hải Yến-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cũng nhận xét, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhờ vào vị trí chiến lược, hạ tầng giao thông phát triển và lực lượng lao động dồi dào, khu vực này thu hút mạnh mẽ các dòng vốn FDI trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ logistics và năng lượng tái tạo.
Chính phủ Việt Nam cùng với các địa phương cũng tích cực triển khai nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tăng cường niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.
Đại biểu đoàn doanh nghiệp Trung Quốc tham gia diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Sự gia tăng về số lượng dự án và quy mô vốn FDI đã và đang tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực.
Với kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1970, ông Jonathan Choi - Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông (Trung Quốc)-Chủ tịch GBA Alliance cho biết, Tập đoàn Sunwar lựa chọn đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh-đô thị năng động nhất của Việt Nam.
Ngoài Sunwah, một số thành viên GBA cũng đã đầu tư và ấn tượng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam những năm qua. Lần này đoàn đại biểu Liên minh Doanh nhân Vùng Vịnh Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao (Trung Quốc) gồm 60 lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau đến Việt Nam để tìm hiểu môi trường kinh doanh và tìm kiếm cơ hội hợp tác cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư.
Theo ông Jonathan Choi, quan hệ kinh tế và thương mại giữa khu vực GBA và Việt Nam ngày càng trở nên gắn kết và Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng của GBA.
Thông qua Hong Kong (Trung Quốc)-trung tâm tài chính quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng và hiệu quả hơn trong việc tiếp cận thị trường GBA cũng như các khu vực khác tại Trung Quốc đại lục, đồng thời tận dụng các lợi thế như trung tâm tài chính toàn cầu, môi trường kinh tế tự do, hệ thống pháp luật vững mạnh và dịch vụ chuyên nghiệp của GBA.
“Tiềm năng hợp tác giữa GBA và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam vô cùng lớn. Điều này được hỗ trợ bởi nền tảng văn hóa phong phú, môi trường chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và hệ thống đào tạo nhân lực bài bản của Việt Nam. Bằng cách tận dụng lợi thế công nghệ của khu vực GBA và nguồn lao động năng động của Việt Nam, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc triển khai thêm nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất tiên tiến và công nghệ xanh, thúc đẩy nền kinh tế của cả hai bên hướng đến một tương lai đổi mới và phát triển bền vững”-ông Jonathan Choi nhấn mạnh.
Ông Jesse Choi, Đại diện Liên minh Doanh nhân Vùng vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Ma Cao (Trung Quốc) tại Việt Nam khẳng định, không chỉ tùm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, GBA Alliance đã và đang tận dụng thế mạnh về công nghệ, tài chính, sản xuất và đổi mới sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc và xây dựng quan hệ đối tác lâu dài.
Thời gian tới, GBA Alliance sẽ tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư-thương mại mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam những thông tin giá trị về xu hướng thị trường, chính sách cũng như cơ hội thúc đẩy đầu tư song phương.
Đồng thời, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác chiến lược; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển đô thị thông minh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường toàn cầu./.
(TTXVN/Vietnam+)