Doanh nghiệp tư nhân cam kết phát huy mạnh mẽ vai trò, sứ mệnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp tư nhân cam kết phát huy mạnh mẽ vai trò, sứ mệnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
8 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu, doanh nghiệp dự hội nghị. (Ảnh trong bài: VGP).
“Làm gì thì cũng cố gắng đóng góp vào tăng trưởng”
Là một trong những doanh nghiệp tư nhân tiên phong cam kết sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò, sứ mệnh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2025 cũng như những năm tiếp theo, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải nhấn mạnh rằng: “THACO đang làm gì thì cũng cố gắng đóng góp vào tăng trưởng”.
Cũng theo ông Trần Bá Dương, THACO đã có được những nền tảng nhất định trong các ngành đang hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra.
“Với lực lượng kỹ sư, cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu - phát triển sản phẩm cũng như hợp tác quốc tế, THACO cam kết sẽ thực hiện chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và thể hiện rằng, sản phẩm này có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Chúng tôi cũng hứa sẽ hợp tác, đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng các thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm”, ông Dương cam kết.
Tương tự, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh rằng, với mục tiêu tăng trưởng 8%, trong đó khu vực tư nhân đóng góp 60%. Lúc đó, mỗi doanh nghiệp sẽ là đóng vai trò là một tế bào của nền kinh tế và Hòa Phát cũng như vậy. Chính vì vậy, Hòa Phát cam kết tăng trưởng 15% mỗi năm, hưởng ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số của đất nước giai đoạn 2025 - 2030.
Tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cũng cho rằng, trong những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững. Điển hình là Vinfast, một dự án kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.
“Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Đồng thời, Vingroup cam kết sẽ đóng vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước. Với sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có cơ hội vươn xa, góp phần xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng xanh và bền vững”, ông Quang nêu rõ.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Holdings: Mong cơ chế mua bán điện trực tiếp sớm đi vào thực tiễn
Là một trong những tập đoàn kinh doanh kinh tế tư nhân có lịch sử phát triển hơn 45 năm, chúng tôi luôn đặt mục tiêu đầu tư kinh doanh vì sự phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho cộng đồng. Đối với các dự án năng lượng mặt trời, chúng tôi kiến nghị cần đầu tư hệ thống pin tích trữ để bảo đảm tối ưu vận hành và bảo đảm không bị quá tải của hệ thống. Nghị định 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được ban hành từ tháng 7/2024, nhưng vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn chi tiết, cũng như quy định cụ thể về các loại phí liên quan. Do đó, chúng tôi mong Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để Nghị định 80 nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp tiếp cận năng lượng sạch và nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường: Tháo gỡ cơ chế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư
Muốn làm việc lớn thì chúng ta phải có ý tưởng, phải có mục tiêu dự án, phải tổ chức thực hiện tốt… Chúng tôi quyết tâm xây dựng công trình văn hóa mang tính tầm cỡ quốc tế, để chúng ta sánh vai với các nước. Trước đây, Tràng An và Tam Chúc không hề có thương hiệu, thì bây giờ chúng ta có nhiều công trình có giá trị thương hiệu. Chúng ta cần bàn để có cơ chế, chính sách, giao cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Với đường sắt cao tốc, đường giao thông, chúng ta phải có ý tưởng trước. Chúng ta phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng mới cho vay tiền. Như với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10 nghìn tỷ đồng thì ngoài vốn tự có thì phải vay thêm ngân hàng. Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư văn hóa nên không phải vay tiền, không phụ thuộc ngân hàng. Bây giờ quan trọng nhất là có cơ chế.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: Đầu tiên phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ
Vào thời điểm này, cả nước hào hứng, có niềm hy vọng to lớn là Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ là một quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh, đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Chính thời điểm này khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ. Để làm được điều đó, đầu tiên phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ. Bởi, khi nghiên cứu thấy mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị “parapol đi lên”, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên. Đồng thời, khẩn trương "bình dân AI vụ". Cách nhanh nhất có thể là đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. Và điều này cần Nhà nước phát huy vai trò, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: Đề nghị xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp
Trong năm 2024, chúng ta đạt tăng trưởng GDP trên 7%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đề nghị tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất.
Doanh nghiệp được giảm tiền thuê đất rất phấn khởi nhưng tiền thuế thu nhập lại tăng lên cho nên doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng và các Phó Thủ tướng xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, không chỉ trong 6 tháng mà cho cả năm. Còn doanh nghiệp nào được giảm thì cần xét rất kỹ, nếu không xứng đáng thì cũng không được hỗ trợ. Đây thực sự là một điều khích lệ rất thiết thực cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải: Cần hoàn thiện cơ chế, pháp lý phù hợp cho hoạt động của doanh nghiệp
Theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo hành công trình cấp 1 trở lên là 24 tháng (2 năm). Nhưng Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất được bảo hành 10 năm. Trong trường hợp này, Tập đoàn đề xuất khi nhà thầu tự nguyện cam kết bảo hành 10 năm thì chủ đầu tư chỉ giữ lại khoản bảo lãnh trong 2 năm, không cần giữ lại khoản bảo lãnh 10 năm, để tránh đọng vốn của nhà thầu.
Về vấn đề này, xin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, hoàn thiện cơ chế, pháp lý phù hợp để doanh nghiệp có thể tăng thời gian bảo hành. Vì khi doanh nghiệp đăng ký gói bảo hành 10 năm thì có thể yên tâm hơn trong đầu tư, áp dụng công nghệ cao, bảo dưỡng.
Anh Vũ
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-cam-ket-phat-huy-manh-me-vai-tro-su-menh-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post539475.html