Doanh nghiệp tư nhân đi tận đâu rồi, doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ 'năm sau cao hơn năm trước'

Doanh nghiệp tư nhân đi tận đâu rồi, doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ 'năm sau cao hơn năm trước'
2 giờ trướcBài gốc
Chiếc áo quá không chỉ quá chật
Phát biểu của ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội trong thảo luận tổ về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cuối tuần trước nặng vai “người thực thi”. Ông gọi cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước bây giờ không chỉ là “một cái áo đã quá chật”.
Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội.
“Nhiều người bảo, nếu anh muốn như doanh nghiệp tư nhân thì ra trực tiếp kinh doanh, đừng làm nhà nước nữa. Nhưng phải xác định rõ, doanh nghiệp nhà nước được hình thành với mục tiêu, có thể tham gia trong lĩnh vực thất bại thị trường, tư nhân không muốn đầu tư hoặc là công cụ để thực hiện các chính sách của nhà nước, làm những mục tiêu dài hạn; rất khác với doanh nghiệp tư nhân. Nhưng, tâm lý quản lý tài sản không phải là của mình thường là 'sợ làm sai' hoặc 'kiểm soát không chặt chẽ dẫn đến thất thoát, không đạt được mục tiêu' mới là vấn đề cần bàn khi nói về doanh nghiệp nhà nước”, vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank giãi bày.
Theo ông Ẩn, có thể thấy hệ quả của tâm lý này là các quy định trực tiếp vào quản lý từng hành vi của doanh nghiệp, phải quy định thẩm quyền của doanh nghiệp hẹp nhất để nhà nước quản lý, rất sợ buông ra…
"Với các quy định này, để an toàn, người tuân thủ chỉ cần cố gắng để kinh doanh năm sau cao hơn năm trước. Trong khi doanh nghiệp tư nhân đã đi đến tận đâu rồi mà doanh nghiêp nhà nước vẫn cứ năm sau cao hơn năm trước, vẫn đánh giá hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng nếu phá rào lại bị xử lý. Nhiều khi vì quản lý hành vi, cho rằng, cơ chế chặt chẽ, chắc sẽ không có vấn đề gì, nên chúng ta lại lơ là về chuyện kiểm tra, giám sát và ngăn chặn, tức là không quan tâm phòng ngừa”, ông Ẩn phân tích và nhắc đến giai đoạn không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bị xử lý do gây thất thoát vốn nhà nước...
Đề cập đến sự chặt chẽ của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69), GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu đoàn Hà Nội) nhắc đến 2 thực trạng rất đáng ngại.
Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước gần như mất quyền chủ động trong quyết định các hoạt động sản xuất - kinh doanh từ nguồn vốn doanh nghiệp cũng như kết quả doanh nghiệp làm ra.
Các cuộc thảo luận thảo luận về tăng vốn điều lệ cho Vietcombank theo tờ trình của Chính phủ trong kỳ họp này được đại biểu Cường nhắc đến chính là ví dụ điển hình.
“Tiền chúng ta đề nghị tăng vốn cho Vietcombank chính tiền Vietcombank kinh doanh có lãi để lại, nhưng phải trình Quốc hội để xin. Điều rất vô lý! Không giao quyền cho cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp nhà nước luôn bị nói xơ cứng, không hiệu quả, không năng động bằng tư nhân”, ông Cường làm rõ.
Thứ hai, đó là tuy quy định quản lý chặt, nhưng vẫn xảy ra thất thoát tài sản tiền vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước.
“Chúng ta nhìn thấy thời gian vừa qua một loạt các tập đoàn, tổng công ty bị đổ vỡ. Nhưng vấn đề là đổ vỡ rồi chúng ta mới có biện pháp, chứ không nắm được tình hình từ trước. Chặt, nhưng không rõ ràng trách nhiệm nên việc quy trách nhiệm, xử lý khó khăn. Tôi cho rằng, đây là điểm phải thay đổi trong quy định của Luật 69”, ông Cường phát biểu trong cuộc họp tổ cuối tuần trước về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo đại biểu Cường, sự lẫn lộn giữa quyền quản lý nhà nước, quản lý của đại diện chủ sở hữu và quản lý của doanh nghiệp cũng gây nên tình trạng không phân định trách nhiệm nên khó quy trách nhiệm khi cần…
Vẫn chưa được có phương án tháo gỡ
Tuy đồng thuận với đề xuất phải sửa Luật 69, GS.TS Hoàng Văn Cường lại không an tâm với nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp này, nhất là việc phân định rõ là quản lý vốn nhà nước vào doanh nghiệp là gì.
GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại cuộc thảo luận tổ về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đề xuất của đại biểu, Dự thảo Luật cần làm rõ một số ý.
Một là, làm rõ 4 nội dung liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư tiền của Nhà nước vào doanh nghiệp, gồm dùng ngân sách nhà nước để đầu tư, tăng vốn cho doanh nghiệp; tái cơ cấu phần vốn đó, gồm tăng thêm hoặc thoái vốn; mục tiêu của việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ gì; phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó, chứ không phải làm thay.
Hai là, phân định rất rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để tránh lẫn lộn chức năng.
“Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp mà Nhà nước đầu tư và kiểm tra xem doanh nghiệp có sử dụng đúng các quy định không, có biện ngăn chặn, có biện pháp để xử lý nếu thấy rủi ro. Đó là quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Còn người được giao đại diện tại doanh nghiệp, tức là cá nhân đó lại phải chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả để thực hiện được các mục tiêu cơ quan đại diện chủ sở hữu giao. Điều 11 của Dự thảo đang có sự lẫn lộn”, ông Cường nhận định.
Liên quan đến quyết định nhân sự, được quy định ở Điều 13 của Dự thảo, ông Cường cho rằng, cần theo nguyên tắc là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước sẽ có trách nhiệm cử một người đại diện cho mình tại doanh nghiệp. Còn người đại diện này được quyền tìm kiếm nhận sự để thực hiện nhiệm vụ được giao.
“Nếu đại diện chủ sở hữu Nhà nước tìm sai người, không đáp ứng công việc thì đại diện chủ sở hữu Nhà nước sẽ chịu hậu quả. Nhưng khi đã cử người đại diện tại doanh nghiệp, nhưng không giao cho họ quyền gì thì làm sao họ điều hành được bộ máy?”, ông Cường đặt vấn đề.
Vì vậy, ông đề xuất nên giao quyền đấy cho người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và họ sẽ thực thi quyền theo các nguyên tắc được thống nhất, ví dụ tuyển CEO thì tiêu chuẩn thế nào, phải đảm bảo quy định nào...
Tương tự, ông Cường đề nghị làm rõ trách nhiệm quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh, đang quy định tại Điều 14 của Dự thảo. Quan điểm của ông là chiến lược của doanh nghiệp đó phải do Nhà nước quyết định, vì khi thành lập doanh nghiệp nhà nước phải trả lời câu hỏi để làm gì; còn làm thế nào để thực hiện chiến lược đó, cụ thể kế hoạch xuất, kinh doanh ra sao là quyền của doanh nghiệp.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước có trách nhiệm giao một số chỉ tiêu về kế hoạch, ví dụ mục tiêu là bảo toàn vốn, nhưng bảo toàn thế nào, giũ nguyên hay tăng bao nhiêu phần trăm; hay hiểu thế nào về thực hiện các nhiệm vụ định hướng Nhà nước, tùy theo các ngành nghề chuyên biệt thì có chỉ tiêu riêng...
Đặc biệt, ông Cường cho rằng, việc giao quyền cho doanh nghiệp phải thống nhất. Điều 12 quy định doanh nghiệp tự quyết định tiền lương, nhưng đến khi phân phối lợi nhuận lại quy định chỉ được được trích tối đa là 3 tháng để vào quỹ lương thưởng.
“Doanh nghiệp kinh doanh lãi cũng chỉ trích 3 tháng mà doanh nghiệp kinh doanh kém cũng trích đủ 3 tháng, như vậy là bằng nhau không khác gì cả. Do vậy, tôi đề nghị phân phối lợi nhuận sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ, trích lập quỹ đầu tư phát triển, doanh nghiệp được quyền tự chủ lên kế hoạch trả lương”, ông Cương đề xuất.
Tương tự, ông Cương đề nghị giao lại quyền đầu tư cho doanh nghiệp khi sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, không thể áp dụng quy trình như đầu tư từ ngân sách.
“Doanh nghiệp phải là người quyết định, nhưng phải báo cáo với cơ quan đại diện chủ sở hữu về các kế hoạch đầu tư. Cơ quan này sẽ đánh giá, kiểm tra, nếu thấy rủi ro thì sẽ thổi còi…”, ông Cường làm rõ.
Chia sẻ nhiều ý kiến của ông Cường, song ông Ẩn cũng thừa nhận, không dễ thực thi nếu không có những thay đổi lớn, như phương án về nhân sự. "Cách này chắc sẽ rất khó, bởi vì quy trình, thủ tục để bổ nhiệm, xử lý một cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước cũng không khác gì đối với cơ quan quản lý nhà nước".
Đặc biệt, ông Ẩn chưa thấy rõ cơ chế để doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò tiên phong đi trước mở đường thực hiện, vẫn nghĩ rằng doanh nghiệp nhà nước chỉ cần đạt mục tiêu lợi nhuận thông thường.
“Cần phải bàn rất sâu để xác định cơ chế để doanh nghiệp nhà nước thực sự đi trước mở đường, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Nếu không, sẽ khó có được những doanh nghiệp làm được những vấn đề lớn, để đất nước phát triển và đi vào công nghiệp hiện đại”, ông Ẩn đề xuất.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình phát biểu tại Tổ 10 trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Phát biểu tại Tổ 10, đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình đề nghị cần rà soát, thiết kế lại cấu trúc của dự thảo luật.
Theo đó, dự thảo luật cần bám sát 3 nguyên tắc chính, cụ thể: không quy định lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác; xây dựng theo nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm và xác định đúng phạm vi điều chỉnh của luật, tránh chồng lấn, mâu thuẫn với các luật khác trong hệ thống pháp luật.
Cũng theo đại biểu, nhiều khái niệm trong luật không cần thiết vì đã được quy định rõ ràng trong các luật chuyên ngành khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Mặt khác, cần chú trọng đưa ra định nghĩa rõ ràng, chính xác các khái niệm mang tính then chốt trong dự thảo luật như "quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" và "vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp";...
Ngoài ra, ông Hiếu đề nghị Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ nên quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền của chủ sở hữu, không đi sâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các bộ, ngành có liên quan; nghiên cứu bổ sung một điều khoản về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.
Khánh Linh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-di-tan-dau-roi-doanh-nghiep-nha-nuoc-van-cu-nam-sau-cao-hon-nam-truoc-d230911.html