Doanh nghiệp tư nhân phải vượt qua vùng an toàn để bứt phá thành công

Doanh nghiệp tư nhân phải vượt qua vùng an toàn để bứt phá thành công
2 ngày trướcBài gốc
GS. Lâm Nghị Phu, Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới, Đại học Bắc Kinh khẳng định, bản chất của tăng trưởng hiện đại không nằm ở mức đầu tư hay tiêu dùng, mà ở khả năng “chuyển đổi cơ cấu liên tục trong công nghệ, ngành nghề và hạ tầng” nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí giao dịch. Tuy nhiên việc ứng dụng phải phù hợp với những ngành nghề mang lợi thế cạnh tranh của từng đất nước để phát huy tốt nhất tiềm lực.
LỜI GIẢI ĐỂ THOÁT BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH
Tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới” của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, dưới góc độ nghiên cứu về kinh tế học cấu trúc mới, cùng những kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm làm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, GS Lâm Nghị Phu bày tỏ niềm tin, công cuộc tìm kiếm sự thịnh vượng dẫu gian nan song cơ hội luôn chia đều cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.
GS Lâm dẫn chứng, hiện trên thế giới mới có khoảng 30/200 quốc gia thoát được bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cũng cần phải có sự thay đổi cơ cấu, chuyển mình để nâng cao thu nhập, giải phóng khỏi bẫy thu nhập trung bình. Bản chất của tăng trưởng thu nhập hiện đại là một quá trình chuyển đổi cơ cấu liên tục trong công nghệ và ngành nghề, nhằm nâng cao năng suất lao động, cùng với sự cải thiện về hạ tầng mềm và cứng trong nền kinh tế, nhằm giảm chi phí giao dịch.
Bẫy thu nhập thấp và bẫy thu nhập trung bình đều là hệ quả của việc không thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu một cách năng động, khiến các nước đang phát triển không thể tăng trưởng nhanh hơn các nước thu nhập cao.
GS Lâm Nghị Phu
Lời giải để thoát khỏi vấn đề này chính là các nhà hoạch định chính sách phải hiểu tường tận về các yếu tố phát triển của quốc gia cũng như xác định ra được các lợi thế so sánh tiềm ẩn. Điều đó cũng có nghĩa là hiểu được cấu trúc tài nguyên của một quốc gia và sự thay đổi của nó theo thời gian và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới phù hợp với lợi thế so sánh tiềm ẩn chính là bí quyết cho sự thịnh vượng.
GS Lâm Nghị Phu cho rằng, một nhà nước kiến tạo với vai trò điều phối chiến lược, sử dụng chính sách công nghiệp một cách linh hoạt và có mục tiêu rõ ràng, là chìa khóa để Việt Nam và các quốc gia thu nhập trung bình thoát khỏi trì trệ và vươn lên nhóm nước thu nhập cao.
Đối với chính tự thân các doanh nghiệp, GS Lâm cũng nhấn mạnh vai trò của phát triển ngành công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ. Đổi mới khoa học tiệm cận với các quốc gia phát triển cũng là cách để Việt Nam phát triển, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Dựa trên nền tảng những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh như dệt may, nông nghiệp… Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ nguồn nhân lực dồi dào, trẻ và tài năng thực hiện đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ để từ đó phát triển những ngành nghề mang tính chất nền tảng như vậy.
Cùng với đó, GS Lâm nhấn mạnh, đi cùng xu hướng phát triển toàn cầu, Việt Nam cũng cần ưu tiên phát triển những ngành nghề mang tính “nhảy vọt” như: trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, Bigdata, công nghệ quốc phòng… Với nguồn nhân lực trẻ và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, chắc chắn thì Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng năng động, thậm chí nhanh hơn các nước phát triển, GS Lâm bày tỏ sự tin tưởng.
DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN LÀ CHÌA KHÓA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Cả GS Lâm và các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm đều đồng tình với quan điểm khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh tăng trưởng hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ, trong số 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tương đương với doanh nghiệp lớn, chỉ 1,5%. Khoảng 97% còn lại có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Các chuyên gia đồng tình quan điểm khu vực kinh tế tư nhân có vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế
Ông phân tích, quy mô doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư vào đổi mới công nghệ, quản trị, nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, từ nội tại doanh nghiệp, cách thức quản trị của họ còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung vào lợi thế sẵn có từ trước như tài nguyên hay lao động giá rẻ. Đặc biệt, khối doanh nghiệp siêu nhỏ chủ yếu hướng tới việc đảm bảo sinh kế, chưa có tham vọng lớn.
Ngoài ra, TS Bình cũng chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân đang vấp phải. “Bước ra khỏi vùng an toàn để bứt phá, đó là bài toán đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Với tiềm lực tài chính ngày càng vững mạnh, họ hoàn toàn có khả năng khơi dậy ngọn lửa đổi mới sáng tạo và làm chủ công nghệ tiên tiến”, theo TS Lê Duy Bình.
Rào cản lớn nhất không nằm ở nguồn vốn, mà chính là ở cánh cửa tiếp cận vốn còn nhiều hạn chế, một môi trường kinh doanh ẩn chứa những bất định khó lường, và cả tâm lý e ngại rủi ro, níu chân doanh nghiệp trong "vùng an toàn" quen thuộc.
Thêm vào đó, khung pháp lý chưa thực sự kiến tạo một "sân chơi" bình đẳng và hỗ trợ, khi đâu đó vẫn còn bóng dáng tư duy quản lý nặng hơn đồng hành. Để khơi thông dòng chảy sáng tạo, hơn bao giờ hết, cần một cuộc "cách mạng" trong tư duy của chính các doanh nghiệp, song song với việc xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông cũng nhấn mạnh, vấn đề giáo dục cũng là một điểm nghẽn, khi kiến thức khoa học công nghệ hiện đại chưa thực sự "chạm" tới các startup, khiến họ khó lòng nắm bắt cơ hội trong những lĩnh vực mới và hiện thực hóa những ý tưởng đầy tiềm năng.
Về vấn đề giáo dục, ông Lâm Nghị Phu gợi mở, việc giáo dục đào tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ phải gắn liền với nhu cầu của chính các doanh nghiệp. “Tôi nghĩ rằng chính doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu của mình nhất, họ nên kết hợp với các trường đại học để có thể mở rộng các ngành học có lợi cho chính các doanh nghiệp. Tôi lấy ví dụ Đức là quốc gia đang làm rất tốt vấn đề này. Các trường ĐH đã làm việc rất chặt chẽ với doanh nghiệp nên họ nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc sử dụng chất lượng nhân lực”, GS Lâm thảo luận.
Chốt lại vấn đề, nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, GS Lâm thông tin, tại Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra 90% công việc làm mới cho người lao động, đóng góp 60% GDP nên Chính phủ đã và đang tạo điều kiện rất tốt cho khu vực này. Họ được tham gia đóng góp ý kiến vào các chiến lược và tiếp cận thuận lợi với những hỗ trợ từ nhà nước.
Trong phần trao đổi, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải coi khu vực tư nhân là chìa khóa cho tăng trưởng, do đó cần đặt ưu tiên cho các chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian tới, phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam cần được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều đó, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Bảo An
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-phai-vuot-qua-vung-an-toan-de-but-pha-thanh-cong-post559318.html