Doanh nghiệp vẫn 'nặng gánh' với định giá đất

Doanh nghiệp vẫn 'nặng gánh' với định giá đất
4 giờ trướcBài gốc
Dự án Lotus Residence của Công ty Anh Tuấn vẫn chưa được định giá đất nên chưa thể triển khai
Hệ lụy từ việc chậm định giá đất
Năm 2022, Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch và cấp phép xây dựng một dự án chung cư tại TP. Dĩ An (Bình Dương). Sau đó, chủ đầu tư được ngân hàng hỗ trợ vốn để triển khai dự án. Tuy nhiên, dù đã xây dựng đến tầng thứ 10, doanh nghiệp vẫn chưa thể nộp nghĩa vụ tài chính về đất do Sở Tài nguyên và Môi trường chưa hoàn tất quá trình thẩm định. Điều này khiến Công ty Phú Đông chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định, gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.
Không chỉ Công ty Phú Đông gặp tình cảnh này, mà một tập đoàn chuyên phát triển căn hộ tầm trung tại Bình Dương cũng gặp khó khăn tương tự. Dù được cấp phép xây dựng từ năm 2023, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được quyết định nộp tiền sử dụng đất.
Lãnh đạo đơn vị này cho biết, có dự án đã xây dựng hơn 20 tầng, nhưng vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục tài chính về đất đai. Việc này khiến doanh nghiệp không thể xác định được giá bán căn hộ, đồng thời chưa thể nộp hồ sơ lên Sở Công thương để xin chấp thuận mở bán và ký hợp đồng với khách hàng. Khi không đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng, doanh nghiệp rơi vào tình trạng chịu áp lực tài chính nghiêm trọng.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính là yếu tố then chốt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển bền vững và thu hút dòng vốn đầu tư hiệu quả.
Các dự án như PiCity Sky Park của Tập đoàn Pi Group (TP. Dĩ An); A&T Sky Garden do Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Kỹ thuật A&T Việt Nam làm chủ đầu tư cũng gặp khó khăn trong quá trình định giá đất.
Tình trạng này còn diễn ra tại TP.HCM và Long An. Dự án Khu dân cư Phú Thuận (Lotus Residence) tại quận 7, TP.HCM đã hoàn tất các thủ tục pháp lý từ năm 2015 như phê duyệt quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư và thẩm định thiết kế cơ sở. Song đến nay, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn vẫn chưa thể triển khai do chưa được nộp tiền sử dụng đất.
Theo ông Dương Tuấn Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn, vào thời điểm giao đất, TP.HCM chưa xác định được mức tiền sử dụng đất, khiến doanh nghiệp không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính. Dù đã nhiều lần nộp hồ sơ lên các cơ quan chức năng để xin giải quyết, đến nay dự án vẫn chưa có tiến triển.
“Dự án bị đắp chiếu trong nhiều năm, những lô đất trị giá hàng trăm tỷ đồng chỉ để cỏ mọc, gây lãng phí lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải gánh lãi suất ngân hàng cao. Điều mong mỏi nhất của chúng tôi lúc này là cơ quan chức năng sớm có quyết định cụ thể về nghĩa vụ tài chính để dự án được triển khai đúng cam kết”, ông Tú chia sẻ.
Tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy thị trường
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn đầu tư (Savills Việt Nam) cho rằng, việc tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính sẽ là chìa khóa thúc đẩy thị trường bất động sản, bởi hiện nay, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều trở ngại do thủ tục phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà phát triển trong nước, mà còn tác động lớn đến những nhà đầu tư quốc tế khi tham gia thị trường Việt Nam. Thủ tục phức tạp, kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà lên cao.
Vị chuyên gia này đề xuất, cần một lộ trình cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, thay vì các biện pháp ngắn hạn như phản ứng trước biến động của thị trường chứng khoán hay giá vàng. Một trong những giải pháp quan trọng là tinh giản bộ máy hành chính, giúp giảm chi phí. Điều này ngoài việc hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung trong quá trình thực hiện các thủ tục cần thiết.
“Đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách pháp lý chính là yếu tố then chốt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và thu hút dòng vốn đầu tư hiệu quả”, ông Khương khẳng định.
Các doanh nghiệp đều hy vọng, trong thời gian tới, những vấn đề pháp lý có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc cải cách thủ tục hành chính, rút gọn quy trình xử lý hồ sơ từ nhiều cửa xuống một cửa sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ và hạn chế tình trạng quan liêu, chồng chéo trong quản lý.
“Nhà nước cần hợp nhất và đồng bộ hóa các quy định pháp lý, đảm bảo dự án chỉ phải qua một quy trình phê duyệt nhanh gọn. Điều này sẽ giúp giảm thời gian, đồng thời giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp”, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành kiến nghị.
Cùng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Phú Đông Group chia sẻ, cái khó cơ bản hiện nay là dự án thiếu hồ sơ pháp lý, dẫn đến việc không thể triển khai, chi phí không ngừng bị đội lên và doanh nghiệp cũng không xoay xở được dòng tiền khi ngân hàng luôn đòi hỏi dự án phải hoàn thiện pháp lý mới cho vay. Do vậy, muốn gỡ khó cho thị trường, gốc rễ vẫn là tháo gỡ về thủ tục pháp lý cho dự án.
“Với dự án mới, đang hoàn tất thủ tục phê duyệt và chưa đóng tiền sử dụng đất, cơ quan quản lý nhà nước nên chốt thời điểm và phương pháp tính với doanh nghiệp để họ tính toán được chi phí và hiệu quả của dự án”, ông Phúc nói thêm.
Việt Dũng
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/batdongsan/doanh-nghiep-van-nang-ganh-voi-dinh-gia-dat-d248634.html