Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh vận tải có bước đột phá khi hàng loạt các mẫu xe nhắm đến phân khúc này được tung ra thị trường. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế của dòng xe này mới là yếu tố quyết định khiến các đơn vị kinh doanh vận tải rầm rộ chuyển đổi.
Tính bán xe xăng, chuyển sang xe điện
Là người chạy xe dịch vụ gần 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Hùng ở TP Chí Linh (Hải Dương) chia sẻ, so với xe điện, các chi phí đầu vào của xe chạy xăng dầu ngày càng gia tăng.
Xe điện kinh doanh vận tải xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố.
Với trung bình khoảng 15 cuốc xe chạy các tỉnh trong một tháng, trung bình anh Hùng mất khoảng 7 - 8 triệu đồng tiền xăng, trong khi chi phí cho xe điện chỉ bằng khoảng 1/3, thậm chí không mất tiền với các mẫu xe được miễn phí sạc.
"Một cuốc xe từ Chí Linh đi Hà Nội thông thường có giá trên dưới 1 triệu đồng thì với xe điện chỉ còn 600 - 700 nghìn đồng. Chi phí thấp, phương tiện mới khiến người dân chuộng loại xe này hơn, lượng khách của xe xăng giảm mạnh", anh Hùng nói và cho biết, đang tính bán xe xăng để chuyển sang xe điện.
Là doanh nghiệp vận tải lớn tại Hải Phòng, kinh doanh cả taxi và xe khách tuyến cố định, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết đang nghiên cứu chuyển đổi sang kinh doanh bằng xe điện.
"Hiện chúng tôi đang đàm phán với một số thương hiệu ô tô Trung Quốc để chuyển đổi đội xe taxi và xe dịch vụ đường dài", ông Hải nói và cho biết sẽ đàm phán với nhà cung cấp để lắp đặt các trạm sạc tại doanh nghiệp. Với các xe chạy tuyến dài hơn sẽ lắp đặt trạm sạc ở cả điểm đi và điểm đến.
13 doanh nghiệp taxi chuyển đổi 100% sang xe điện
Theo các chuyên gia, xu hướng kinh doanh vận tải bằng xe điện ngày càng được khẳng định nhờ hiệu quả của các doanh nghiệp vận tải lớn. Đơn cử có Xanh SM, hãng taxi công nghệ với toàn bộ đội xe là ô tô điện đi vào hoạt động từ tháng 4/2023.
Các dòng xe BYD cũng được nhiều doanh nghiệp nhắm đến phục vụ mục đích kinh doanh vận tải.
Báo cáo của Mordor Intelligence cho thấy, Xanh SM dẫn đầu thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam trong quý I/2025 với mức thị phần 39,85%, xếp trên Grab (35,57%) và bỏ xa các hãng còn lại.
Đầu tháng 4, liên minh taxi lớn nhất Hà Nội là G7 cũng công bố sẽ mua 899 ô tô điện VinFast VF 5 để triển khai dịch vụ taxi xanh tại các thành phố lớn từ nay đến hết năm 2025, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn 1 của chiến lược chuyển đổi xanh.
Hay Let's Go Taxi hiện có 600 xe điện Wuling Mini EV và Wuling Bingo, hoạt động tại 4 tỉnh thành với hơn 500.000 khách hàng thường xuyên.
Theo số liệu từ GSM, hiện có 13 doanh nghiệp taxi trên toàn quốc đã chuyển đổi 100% sang xe điện, gồm Lado, Bách Đại Dũng, Xanh Đông Bắc, Xanh Tây Bắc, Xanh Điện Biên, Hương Giang, Biển Xanh, Việt Đức, Nam Thắng, An Taxi, Taxi Yên Bái, Sen Hồng, và Bạn Uống Tôi Lái.
Không chỉ ô tô thuần điện mà xe hybrid cũng được lựa chọn để chuyển đổi. Tiêu biểu có doanh nghiệp lớn trong ngành dịch vụ taxi truyền thống là Vinasun. Tháng 6/2024, Vinasun nhận bàn giao 806 xe hybrid của Toyota, đồng thời dự kiến sẽ mua và đưa vào hoạt động 2.000 xe trong năm 2025.
Ở lĩnh vực giao hàng, một số đơn vị như Bưu điện Việt Nam, Ahamove hay Lazada Logistics đã chuyển đổi sang xe điện.
Ở mảng vận tải hành khách công cộng, nhiều địa phương đã đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện như Hà Nội (17 tuyến), TP.HCM (18 tuyến), Hải Phòng (2 tuyến), Phú Quốc, Nha Trang.
Doanh nghiệp ô tô "bắt sóng" thị trường
Đón đầu xu hướng chuyển dịch xanh, nhiều hãng xe cũng đã giới thiệu các mẫu ô tô điện dành riêng cho mục đích kinh doanh vận tải.
VinFast vừa ra mắt dòng xe buýt điện cỡ nhỏ EB 6 cùng phiên bản xe chuyên chở học sinh (school bus).
Đầu tháng 3, VinFast giới thiệu 4 dòng xe Minio Green, Herio Green, Nerio Green và Limo Green, có giá từ 269 - 749 triệu đồng, thuộc nhiều phân khúc từ xe 4 chỗ cỡ nhỏ đến xe đa dụng 7 chỗ.
Bước sang tháng 5, hãng tiếp tục giới thiệu mẫu xe tải điện cỡ nhỏ EC Van, hướng tới nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong quãng ngắn. Cùng đó là dòng xe buýt điện cỡ nhỏ EB 6, với cả phiên bản tùy biến để chuyên chở học sinh.
Mới đây, BYD công bố hợp tác cùng Grab Car triển khai chương trình khuyến khích các tài xế chuyển sang các mẫu xe điện của hãng, gồm M6, Atto 3, Dolphin và Seal. Theo đó, tài xế Grab Car khi mua xe sẽ được đảm bảo thu nhập 25 triệu đồng/tháng, và được kéo dài thời hạn bảo hành pin.
Đầu tháng 4, thương hiệu ô tô Trung Quốc Bestune hé lộ kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam vào quý III/2025 với mẫu NAT thuộc phân khúc MPV 5 chỗ, hướng tới đối tượng khách hàng chính là các công ty vận tải.
Trao đổi với PV, Giám đốc điều hành của hãng xe này cho biết, xu thế sử dụng xe điện kinh doanh vận tải tại Việt Nam đang tăng mạnh. Vì vậy ngoài việc phân phối các sản phẩm ô tô cho mục đích sử dụng hàng ngày của người dân, công ty sẽ hướng tới việc cung cấp các sản phẩm phù hợp với mục đích kinh doanh vận tải.
Để thúc đẩy xu thế này, công ty sẽ hỗ trợ trang bị hệ thống trụ sạc tại cơ sở của doanh nghiệp. Đây cũng là xu thế phù hợp và thuận lợi hơn so với việc bán sản phẩm cho khách dùng lẻ, vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận trạm sạc.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), xe điện có nhiều lợi thế trong việc kinh doanh dịch vụ vận tải. Những chi tiết cấu thành ô tô điện giảm đi rất nhiều so với xe xăng nên chi phí chăm sóc bảo dưỡng giảm nhiều, không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu. Bên cạnh đó, vì ít chi tiết cấu thành nên rủi ro của xe cũng ít hơn so với xe xăng truyền thống.
Tứ Đức