Doanh nghiệp vật liệu chủ động đối sách trước diễn biến thị trường

Doanh nghiệp vật liệu chủ động đối sách trước diễn biến thị trường
3 giờ trướcBài gốc
Chủ động ứng phó từ sớm
Theo nhận định của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), trước làn sóng siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách thương mại từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước đã chuyển từ thế bị động sang chủ động bằng cách đầu tư bài bản, chuẩn hóa toàn diện và xây dựng năng lực thích ứng linh hoạt.
Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng chủ động giải pháp để thích nghi với thị trường và tiêu chuẩn quốc tế.
Công ty CP Gỗ An Cường là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và nội thất đã phải đối mặt trực tiếp với các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường lớn.
Theo ông Ngụy Thanh Vĩ, giám đốc đối ngoại của doanh nghiệp này, các quy định từ Mỹ, EU không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh.
Để ứng phó, công ty đã chuyển sang chính sách bán hàng FOB (là một điều khoản giao hàng quy định trách nhiệm giữa người mua và người bán trong giao dịch quốc tế), cung cấp sản phẩm với mức giá cạnh tranh và chuyển giao chi phí vận chuyển cho đối tác hoặc bên thứ ba. Cách tiếp cận này giúp giảm bớt gánh nặng trách nhiệm và rủi ro liên quan đến logistics, đồng thời duy trì sức cạnh tranh về giá.
Công ty đã sớm ý thức được vấn đề đảm bảo các tiêu chí về môi trường, từ việc đạt chứng nhận Green Label - tiêu chuẩn môi trường uy tín cách đây gần 20 năm trước. Để có được tiêu chuẩn này, công ty đã phải đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9001 về quản trị chất lượng và ISO 14001 về quản lý môi trường.
"Ngoài việc đáp ứng những tiêu chuẩn, An Cường còn chủ động xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển bền vững, như kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải", ông Vĩ cho biết thêm.
Còn đối với Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ (Amy Grupo), doanh nghiệp này chọn cách tiếp cận toàn diện để bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng số hóa, định hướng tích hợp AI và AI Agent để nâng cao sức lao động; đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ các thị trường lớn; quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế với các chứng chỉ tiêu chuẩn toàn cầu...
Theo ông Trần Tuấn Đại, Phó Chủ tịch Amy Grupo, doanh nghiệp cũng chủ động giảm thiểu ảnh hưởng từ các chính sách và quy định kỹ thuật quốc tế thông qua ba cấp độ phòng ngừa.
Cấp độ 1 là nghiên cứu pháp luật và tuân thủ trước các hàng rào kỹ thuật công khai theo WTO hoặc hiệp định thương mại tự do. Cấp độ 2 là tham gia phòng vệ thương mại. Cuối cùng là phối hợp với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài để kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu, bảo vệ thị trường nội địa.
Cải tiến chất lượng là yếu tố then chốt
Các chuyên gia nhận định, để có thể thích ứng trước những chính sách thuế quan, cũng như các yêu cầu về kỹ thuật từ những thị trường lớn; song song với việc chuẩn bị trước các tiêu chuẩn kỹ thuật, các doanh nghiệp cần tiên phong trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển vật liệu xây dựng xanh, hướng tới sự bền vững và bảo vệ môi trường.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường.
Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, các sản phẩm vật liệu xây dựng nước ta phần lớn mới chỉ đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu để được lưu hành trên thị trường. Vẫn còn thiếu vắng những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh vượt trội.
"Khi chất lượng được nâng lên, giá trị sản phẩm sẽ tăng theo, từ đó giúp doanh nghiệp tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững", ông Sâm nhấn mạnh.
Theo ông, để thúc đẩy tiến trình nâng cao chất lượng, cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố then chốt. Đó là hệ thống chính sách quản lý mang tính định hướng và tạo động lực; sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đầu tư cải tiến sản phẩm; ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như độ phát triển của lĩnh vực vật liệu xây dựng trong nước.
Các doanh nghiệp cũng cần khai thác tối đa tiềm năng thị trường trong nước, nơi vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước để kiến nghị xây dựng những chính sách phù hợp, thúc đẩy tiêu thụ nội địa để ổn định đầu ra; Tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tiếp cận những thị trường tiềm năng, đặc biệt là các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ hay hạn chế xuất khẩu.
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng lạc quan hơn nhờ chính sách điều hành vĩ mô
Kỳ vọng tăng trưởng thị trường vật liệu trong nước
Giá vật liệu xây dựng tháng 4/2025 biến động ra sao?
Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ chủ động xây dựng các giải pháp, công nghệ thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp ngành Xây dựng đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ thông minh; đổi mới mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh tiên tiến, hiện đại; ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu phát thải thải thấp, thân thiện môi trường.
Theo Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Nguyễn Quang Hiệp, hiện đã có nhiều nhiều văn bản pháp luật được ban hành, nhằm phát triển vật liệu xây dựng xanh, vật liệu sinh thái. Ngày càng nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tiến Hào
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-chu-dong-doi-sach-truoc-dien-bien-thi-truong-192250504105345176.htm