Cứ 10 hồ sơ thì 8 phải sửa
Theo Quyết định 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì dịch vụ viễn thông bao gồm cả dịch vụ di động mặt đất, cố định mặt đất, truy cập Internet và truyền hình trả tiền đều thuộc nhóm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, tính từ ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực (1/7/2024) đến hết tháng 4/2025, Ủy ban đã tiếp nhận tổng cộng 68 hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung trong lĩnh vực viễn thông. Đáng chú ý, chỉ có 5/68 hồ sơ, chiếm 7% được công nhận hoàn thành nghĩa vụ đăng ký. Phần còn lại, hơn 80% hồ sơ buộc phải sửa đổi, bổ sung do chưa phù hợp quy định pháp luật. Một tỷ lệ nhỏ khác, khoảng 9% bị trả lại hoặc doanh nghiệp chủ động rút vì không đúng đối tượng hoặc phạm vi.
Tỷ lệ kết quả hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu cung cấp dịch vụ viễn thông tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Ảnh: VCA
Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (được thông qua ngày 20/6/2023) đã quy định khoảng thời gian chuyển tiếp từ ngày 1/7 đến trước 31/12/2024 cho doanh nghiệp thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ đăng ký/đăng ký lại theo quy định của Luật mới.
Thực tế này cho thấy, dù đã có giai đoạn chuyển tiếp 6 tháng để chuẩn bị, nhưng mức độ chủ động, sự nghiêm túc trong nghiên cứu và thực thi pháp luật của không ít doanh nghiệp viễn thông vẫn còn hạn chế. Nhiều bộ hợp đồng mẫu bị đánh giá là lặp lỗi cơ bản, thiếu nội dung tối thiểu, mơ hồ trong đối tượng áp dụng và chưa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Theo phân tích của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, các lỗi thường gặp trong hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung về dịch vụ viễn thông có thể chia thành nhiều nhóm lớn như:
Nhóm đầu tiên là xác định sai đối tượng và phạm vi áp dụng, mục đích đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Nhiều doanh nghiệp khai báo trong đơn là hợp đồng cung cấp dịch vụ cho “người tiêu dùng”, nhưng nội dung hợp đồng lại áp dụng với đối tượng là doanh nghiệp, phục vụ cho mục đích kinh doanh, hoàn toàn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thậm chí, có hồ sơ ghi nhận đối tượng là “người tiêu dùng” nhưng lại kèm theo điều khoản “áp dụng riêng cho đơn vị vận hành tổng đài quảng cáo”,… một nghịch lý pháp lý không thể chấp nhận.
Nhóm thứ hai là thiếu nội dung bắt buộc. Đây là nhóm lỗi phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ rất cao trong số hồ sơ bị yêu cầu chỉnh sửa. Các hợp đồng không quy định rõ trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, bỏ qua thông tin về mức phí chi tiết, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh trong quá trình cung cấp dịch vụ, điều kiện chấm dứt hợp đồng hoặc các yếu tố bất khả kháng. Đặc biệt, nhiều bản hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục như thuê bao điện thoại, Internet cố định… không đề cập gì đến quyền chấm dứt hợp đồng của người tiêu dùng, một quyền được luật định rõ ràng trong Luật mới.
Một nhóm lỗi khác nằm ở hình thức trình bày và ngôn ngữ sử dụng. Không ít hợp đồng sử dụng những cụm từ chung chung như “dịch vụ khác do công ty cung cấp tùy từng thời điểm”, “theo yêu cầu của công ty”, “theo thông báo của bên cung cấp dịch vụ tại từng thời điểm”, “các loại phí, lệ phí khác có liên quan”,… khiến nội dung trở nên mơ hồ, khó hiểu. Một số hồ sơ còn vi phạm yêu cầu về cỡ chữ tối thiểu, hoặc trình bày bố cục rối rắm, không rõ ràng, đặc biệt ở phần phụ lục.
Điểm đáng lo ngại tiếp theo là vẫn tồn tại nhiều điều khoản bị cấm. Ví dụ như loại trừ hoàn toàn trách nhiệm của doanh nghiệp khi ngắt kết nối dịch vụ gây thiệt hại cho khách hàng; giới hạn thời gian khiếu nại chỉ trong vòng 3 ngày từ khi sự cố xảy ra; hoặc đưa ra mức phạt vi phạm bất lợi hơn cho người tiêu dùng. Những điều khoản như vậy không chỉ bị xem là vi phạm luật, mà còn tạo ra tâm lý bất an cho khách hàng khi giao kết hợp đồng.
Cùng với đó, nhiều hợp đồng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn như chưa làm rõ quyền và nghĩa vụ theo Luật Viễn thông, chưa tuân thủ đúng quy định của Nghị định về dịch vụ Internet, hoặc quy định mập mờ về điều kiện chấm dứt hợp đồng không phù hợp với Điều 22 Luật Viễn thông…
Cung cấp dịch vụ viễn thông là 1 trong 8 nhóm lĩnh vực thuộc Danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Làm gì để “qua cửa” thẩm định hợp đồng mẫu?
Để hoàn thành việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo khuyến nghị của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, điều trước tiên và bắt buộc đối với doanh nghiệp viễn thông là phải chủ động nghiên cứu kỹ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các văn bản liên quan, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Việc tuân thủ các quy định pháp lý không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc, mà còn là nền tảng để xây dựng mối quan hệ minh bạch, bền vững với người tiêu dùng. Hơn hết, những hợp đồng đã được đăng ký và công khai trên hệ thống của cơ quan chức năng sẽ trở thành cơ sở pháp lý đáng tin cậy khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại.
Doanh nghiệp cũng cần chú ý nâng cao chất lượng nội dung hợp đồng mẫu, không nên cắt xén hoặc sao chép máy móc từ các mẫu cũ. Một hợp đồng mẫu “chuẩn chỉ” phải thể hiện được đầy đủ nội dung pháp lý tối thiểu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời trình bày rõ ràng, minh bạch để dễ tiếp cận và hiểu.
Một điểm đáng lưu tâm là các điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng được liệt kê cụ thể tại Điều 25 của Luật cần được doanh nghiệp “thuộc lòng” và tuyệt đối không được đưa vào dự thảo. Việc vi phạm sẽ dẫn đến việc hồ sơ bị trả lại hoặc đình chỉ.
Cuối cùng, sự phối hợp tích cực với cơ quan thẩm định, cụ thể là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong việc tiếp nhận góp ý, chỉnh sửa nội dung, sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ đăng ký. Đây không chỉ là thủ tục pháp lý, mà còn là một cuộc sát hạch về năng lực quản trị pháp lý và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại mới.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, niềm tin người tiêu dùng chính là “vốn mềm” mà doanh nghiệp phải dày công vun đắp. Một bản hợp đồng mẫu được thiết kế chuẩn mực, minh bạch, tôn trọng quyền lợi khách hàng không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, mà còn là thông điệp về sự chuyên nghiệp và trách nhiệm.
Thực tế đã chỉ ra rằng, những rủi ro pháp lý trong lĩnh vực viễn thông từ khiếu nại dịch vụ, tranh chấp cước phí, đến việc bị xử phạt vì điều khoản bất lợi đều có thể bắt nguồn từ một bản hợp đồng mẫu viết cẩu thả, thiếu cập nhật. Trong khi đó, chỉ cần thay đổi góc nhìn, coi hợp đồng mẫu như một công cụ quản trị rủi ro và nâng cao uy tín, doanh nghiệp hoàn toàn có thể biến thách thức pháp lý thành lợi thế cạnh tranh.
Sự chuyển động của hệ thống pháp luật không còn chờ đợi. Và câu hỏi dành cho các doanh nghiệp viễn thông lúc này không còn là nên hay không nên đăng ký hợp đồng mẫu, mà là đã đủ nghiêm túc để làm đúng và làm sớm chưa.
Theo quy định tại Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, 8 nhóm lĩnh vực thuộc Danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm:
1. Cung cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt;
2. Cung cấp nước sinh hoạt;
3. Truyền hình trả tiền;
4. Dịch vụ viễn thông di động mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet);
5. Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ truy nhập Internet);
6. Vận chuyển hành khách đường hàng không;
7. Vận chuyển hành khách đường sắt;
8. Mua bán căn hộ chung cư.
Ngân Thương