Doanh nghiệp Việt cần 'lột xác' để chinh phục thị trường nội địa

Doanh nghiệp Việt cần 'lột xác' để chinh phục thị trường nội địa
5 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp cần mở rộng, lên sàn và xây dựng thương hiệu để đón "sóng" tiêu dùng
Tiêu dùng nội địa "gánh" trọng trách lớn
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng ở mức từ 8% trong năm 2025, với kỳ vọng tiêu dùng nội địa đóng góp tỷ trọng chủ chốt, ước tính từ 60-65%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cần đạt mức tăng trưởng ấn tượng 12%.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đây là một thách thức không nhỏ. Thống kê trong 10 năm trở lại đây cho thấy, chưa năm nào chỉ số này vượt quá 9%, đặc biệt là giai đoạn dịch COVID-19 chứng kiến mức tăng trưởng rất thấp. Với mức tăng 9% của năm 2024, việc đạt được con số 12% đồng nghĩa với việc mỗi người dân và doanh nghiệp cần tăng chi tiêu gấp rưỡi so với năm trước.
Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhận định, tăng trưởng tiêu dùng nội địa có xu hướng đi lên song song với sự tăng trưởng của GDP. Minh chứng là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng từ gần 4,4 triệu tỷ đồng vào năm 2018 lên 6,39 triệu tỷ đồng vào năm 2024. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại trong những năm gần đây.
Bán lẻ vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm gần 80% tổng chi tiêu trong cơ cấu tiêu dùng nội địa ngày càng đa dạng. Đáng chú ý, tỷ trọng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã duy trì trên 50% GDP cả nước kể từ năm 2018, cho thấy vai trò then chốt của lĩnh vực này đối với tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến tác động của hàng rào thuế quan mới nhất từ Mỹ, ông Trần Anh Thắng cho rằng Eximbank không đánh giá thuế quan toàn cầu có tác động trực tiếp, nhưng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến giá cả, tâm lý chi tiêu và kỳ vọng thị trường. Theo ông, nếu vấn đề thuế quan được xử lý hiệu quả, đây có thể là cơ hội để thúc đẩy tiêu dùng nội địa và khẳng định vị thế của hàng hóa Việt Nam.
Vị chuyên gia này phân tích, việc hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan có thể tạo điều kiện cho hàng Việt được ưu tiên lựa chọn, từ đó kích thích tiêu dùng trong nước nếu nguồn cung và chất lượng được đảm bảo.
“Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa thông qua các chương trình khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt”, ông Thắng nhấn mạnh, đồng thời đề xuất các ngân hàng tăng cường cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi và Nhà nước có chính sách thuế hỗ trợ sản xuất trong nước.
Ông Thắng khuyến nghị cần đặc biệt chú trọng thúc đẩy cầu nội địa để củng cố trụ cột tăng trưởng bền vững. Hiện tại, chi tiêu của hộ gia đình chiếm tới 53-57% GDP Việt Nam, cho thấy vai trò động lực chính của cầu nội địa đối với tăng trưởng kinh tế. Tín dụng tiêu dùng được xem là đòn bẩy tài chính quan trọng, giúp các hộ gia đình có thể mua sắm, nâng cấp nhà cửa, phương tiện đi lại, đầu tư vào giáo dục… sớm hơn, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích sản xuất và các ngành dịch vụ khác.
Thực tế cho thấy, tín dụng và tiêu dùng có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Khi người dân tăng cường vay tiêu dùng để mua sắm hàng hóa và dịch vụ, các ngành như bán lẻ, điện tử, nội thất, du lịch, giáo dục và y tế đều được hưởng lợi trực tiếp.
Doanh nghiệp cần tự lực nâng tầm
Theo các chuyên gia, để tận dụng hiệu quả thị trường nội địa đầy tiềm năng với 100 triệu dân, doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu uy tín.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tính đến cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ với nhà đầu tư và nâng cao hình ảnh thương hiệu thông qua các hoạt động truyền thông cũng đóng vai trò then chốt.
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, ông Khánh cho rằng việc thu hút các thương hiệu Việt uy tín sẽ giúp tăng cường sự chú ý của người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Doanh nghiệp cũng cần đặt khách hàng làm trung tâm, nâng cao trải nghiệm mua sắm để tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường "sân nhà".
Cùng quan điểm, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng Việt Nam đang sở hữu một thị trường hấp dẫn nhưng chính sách thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức. GS. Nguyễn Mại nhận định, cách tiếp cận "ưu tiên hàng Việt Nam" theo kiểu cũ đã không còn phù hợp. Thay vào đó, cần khuyến khích sản xuất hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý phục vụ chính người tiêu dùng Việt.
"Ở Nhật Bản, hàng tốt nhất là người Nhật tiêu dùng. Đó là động lực để họ sản xuất tốt hơn nữa", GS. Nguyễn Mại dẫn chứng.
GS. Nguyễn Mại tin tưởng vào năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đủ sức thay thế hàng ngoại ở nhiều lĩnh vực như ô tô, xe máy, xây dựng, khách sạn... Để kích cầu tiêu dùng nội địa, cần nhấn mạnh vào những đặc thù của sản phẩm, dịch vụ trong nước.
GS. Nguyễn Mại đề xuất nhiều giải pháp để phát triển thị trường nội địa bền vững như đổi mới thể chế, luật pháp liên quan đến thị trường, đổi mới chính sách có liên quan đến thị trường. Các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu và dự báo thị trường. Doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng hình ảnh và thương hiệu mạnh mẽ và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu và tăng cường đầu tư vào R&D và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
GS. Nguyễn Mại khẳng định, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên không chỉ giúp thị trường trong nước trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hải Yến
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-viet-can-lot-xac-de-chinh-phuc-thi-truong-noi-dia-163414.html