Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam: Không phải doanh nghiệp nào cũng 'quá sốc'

Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam: Không phải doanh nghiệp nào cũng 'quá sốc'
15 giờ trướcBài gốc
Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là quá cao, ngay lập tức sẽ tác động rất lớn đến chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu của các DN trong nước, đặc biệt là các DN trong nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Nhiều DN mong muốn, Chính phủ cần tính toán tiếp tục đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế, từ đó hỗ trợ các DN.
Tăng cường chinh phục thị trường nội địa
Trước việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam trong đó có dệt may, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 (CTCP) cho biết, May 10 đang theo sát các chính sách của Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền Mỹ để kịp thời điều phối chiến lược kinh doanh cho phù hợp.
May 10 thực hiện đa dạng hóa thị trường ngoài Mỹ, như thị trường EU, thị trường Nhật Bản, Australia và một số thị trường khác
Thời gian qua, Chính phủ đã rất tích cực trong việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, từ đó các DN dệt may có cơ hội xuất khẩu sản phẩm dệt may sang nhiều thị trường khác ngoài Mỹ, nên DN cũng sẽ tận dụng tối đa những cơ hội từ các FTA mang lại.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump áp thuế đối ứng 46%, DN kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các DN dệt may, bằng những động thái kịp thời và cụ thể, như đàm phán để giảm tỷ lệ phần trăm thuế, vì với mức thuế đối ứng 46% như hiện nay là quá cao đối với các DN.
“Việc thực thi sắc thuế này sẽ khiến mặt bằng giá cả tăng dẫn đến lạm phát tăng khiến sức mua giảm, khi nhu cầu tiêu dùng giảm sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đơn hàng của DN. May 10 đang dự báo tỷ lệ đơn hàng có thể giảm tới 10% trong thời gian tới, nên kiến nghị Chính phủ trong các chính sách thuế và hải quan sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn cho các DN dệt may”, bà Thảo đề xuất.
Là DN có tới 60% lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bà Thảo cũng cho biết, do lường trước việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các sản phẩm dệt may, nên May 10 đã thực hiện đa dạng hóa thị trường ngoài Mỹ, như thị trường EU, thị trường Nhật Bản, Australia và một số thị trường khác.
Cùng với đó, May 10 còn đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu để giảm phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang theo dõi rất sát vấn đề nguồn gốc sản phẩm bông Tân Cương (Trung Quốc). Để đảm bảo cho sản phẩm xuất khẩu, May 10 đã liên tục theo dõi, cập nhật sát hơn nguồn gốc của nguyên phụ liệu.
“May 10 đẩy mạnh phong trào tiết kiệm trong mọi công đoạn sản xuất cũng như các hoạt động khác. Hiện nay, May 10 đang tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ mới, công nghệ cao tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất làm việc để đưa các sản phẩm đến với khách hàng có giá thành cạnh tranh nhất. Ngoài ra, May 10 cũng tăng cường đưa các sản phẩm chinh phục thị trường nội địa, nhằm đảm bảo cân bằng tỷ trọng giữa hàng hóa xuất khẩu và phân phối trong nước”, bà Thảo nói.
Có ảnh hưởng nhưng không đến mức quá "sốc"
Nhìn nhận về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa của Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng yếu của dệt may Việt Nam, nhưng Việt Nam lại không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, nên về cơ bản nền tảng thuế vốn đã có sẵn, không phải đến thời điểm này Mỹ mới áp thuế.
Tuy nhiên, cần nhìn vào bản chất của vấn đề, đó là dòng hàng dệt may Việt Nam sản xuất, xuất khẩu vào thị trường toàn cầu nói chung, Mỹ nói riêng là dòng trung và cao cấp. Xuất khẩu sản phẩm may mặc vào thị trường Mỹ hiện nay có mặt hàng đang chịu thuế 0%, có mặt hàng 7%, 12% hoặc như mặt hàng áo khoác là 27%.
Sản phẩm dệt may sẽ được áp thuế theo từng dòng hàng cụ thể
Trong khi bản thân các nhãn hàng hay các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường có tính chiến lược, lâu dài. Do đó trong thời gian tới, dù dòng thuế có biến đổi, xuất khẩu dệt may 2025 tuy có ảnh hưởng nhưng không đến mức quá "sốc". Điều các DN cần làm là tiếp tục đa dạng hóa thị trường cũng như mặt hàng xuất khẩu, không dành trọng tâm hay bị phụ thuộc quá lớn vào 1 thị trường.
“Mức thuế đối ứng 46% sẽ áp tổng quan các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, nên sắp tới họ sẽ có mức thuế chi tiết áp cho từng dòng hàng. Các nhãn hàng cũng sẽ đưa ra quan điểm của họ để không gây ảnh hưởng nhiều tới tổ chức sản xuất. Chính phủ hiện đang triển khai hàng loạt giải pháp, tiếp tục đàm phán để xem xét vận dụng, áp dụng các dòng thuế ra sao trong thời gian tới. Hiệp hội khuyến cáo các DN cần bình tĩnh chờ đợi sự đàm phán giữa hai chính phủ”, ông Giang cho biết.
Theo các chuyên gia, trước mức thuế đối ứng 46% từ Mỹ, các DN trực tiếp hoặc gián tiếp xuất khẩu đi Mỹ đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hệ lụy đi kèm sẽ tác động xấu đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như đến nền kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/my-ap-thue-46-voi-viet-nam-khong-phai-doanh-nghiep-nao-cung-qua-soc-post1189414.vov