Doanh nghiệp Việt chủ động 'ứng phó' trước chính sách thuế mới của Hoa Kỳ

Doanh nghiệp Việt chủ động 'ứng phó' trước chính sách thuế mới của Hoa Kỳ
một ngày trướcBài gốc
Tiền lệ chưa từng có
Ngày 02/4/2025 (theo giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam lên tới 46%. Dù chính sách này đang được tạm hoãn 90 ngày nhưng đã và đang tạo áp lực đáng kể lên các chính phủ, doanh nghiệp đa quốc gia và các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng ngày 18/4, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ rệt.
"Việc duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn và đây là tình huống chưa từng có tiền lệ và rất hiếm khi xảy ra." - Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gỗ, điện tử, dệt may...
Nếu chính sách thuế đối ứng được triển khai, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu.
Chuyên gia hiến kế
Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực, trong đó nhiều mặt hàng trọng điểm của Việt Nam không nằm trong danh sách miễn trừ, trong khi các đối thủ trong khu vực lại được hưởng thuế suất thấp hơn.
Chính sách đối ứng của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu mà còn tác động dây chuyển “domino” đến cả hệ sinh thái liên quan như nhà cung ứng nguyên liệu, đơn vị gia công, logistics, tài chính… Kéo theo đó là chi phí sản xuất tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ là những thách thức lớn cho toàn ngành.
Từ những tác động mà chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể gây ra, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng: Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả hơn nữa 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng thị trường sang các khu vực ít rủi ro hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường nội địa, xác định đây là một trong những trụ đỡ vững chắc để giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng trong bối cảnh hiện nay.
Hơn nữa, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác song phương với Hoa Kỳ, khẳng định chúng ta là đối tác đáng tin cậy, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh – sạch; thậm chí nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ.
Để gia tăng khả năng cạnh tranh, sẵn sàng ứng phó với các biến động toàn cầu, chúng ta cũng cần nâng cao năng lực thể chế và cơ sở hạ tầng; cải thiện hệ thống logistics và chất lượng nguồn nhân lực.
Toàn cảnh Hội thảo
Cùng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI cũng khuyến nghị: Trước mắt, các doanh nghiệp nên theo dõi sát các động thái chính sách của Hoa Kỳ trong 90 ngày tạm hoãn, đồng thời chủ động phối hợp, đàm phán với đối tác để tranh thủ xuất hàng sớm.
Về lâu dài, cần tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn; tận dụng các FTA thế hệ mới; cải tiến mô hình sản xuất theo hướng bền vững; xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh./.
Bích Ngọc
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/doanh-nghiep-viet-chu-dong-ung-pho-truoc-chinh-sach-thue-moi-cua-hoa-ky.html?source=cat-84