Trong quá trính hội nhập kinh tế quốc tế, việc hiểu rõ và tuân thủ pháp luật cạnh tranh ngày càng trở nên quan trọng không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà cả các doanh nghiệp. Bởi Luật Cạnh tranh với đối tượng áp dụng đa dang ở phạm vi xuyên biên giới, mức xử phạt cao - lên đến 10% tổng doanh thu, hơn nữa quy trình xử lý và giải quyết vụ việc cạnh tranh rất phức tạp. Chính vì vậy, việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh.
Chia sẻ tại Hội nghị “Giới thiệu quy trình xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/12, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - cho biết, tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh đã được ban hành từ năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2018 với nhiều quy định mới. Đặc biệt, trong đó có nội dung liên quan đến hành lang pháp lý dành cho các hoạt động cạnh tranh như hành vi phản cạnh tranh.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, sự khác biệt được thể hiện như: Trước đây, Luật cạnh tranh năm 2004 các hành vi phản cạnh tranh được gom vào cùng 1 nội dung. Tuy nhiên, đối với Luật cạnh tranh năm 2018, vụ việc hạn chế cạnh tranh lại là vụ việc duy nhất được xử lý theo quy trình thông qua Hội đồng xử lý các vụ việc cạnh tranh. Trong khi đó, các vụ việc liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, hay tập trung kinh tế vẫn thuộc thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
“Đây là một điểm mới và là điểm đặc biệt của Luật Cạnh tranh năm 2018. Đồng thời với nỗ lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của hoạt động xử lý vụ việc cạnh tranh nói chung và các vụ việc hạn chế cạnh tranh nói riêng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã quyết định tổ chức buổi hội thảo này. Mục đích là giới thiệu về quy trình xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh và cũng là nơi để cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, tòa án, luật sư và các doanh nghiệp - những đối tượng trực tiếp liên quan đến các vụ việc này cùng trao đổi, thảo luận” - bà Quỳnh Anh nói.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu tại hội nghị
Đồng thời, bà mong muốn, không chỉ ở vai trò của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan hành chính bán tư pháp được giao nhiệm vụ đầu mối xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh, thành lập ra Hội đồng, mà ban tổ chức cũng mong muốn thu thập những thông tin quý giá, những kinh nghiệm từ tòa dân sự; từ các luật sư với những vụ bào chữa các vụ việc về hạn chế cạnh tranh; cả những khó khăn, mong đợi của doanh nghiệp với việc xử lý những vụ việc này. “Chúng tôi mong rằng sẽ mở ra một diễn đàn để các diễn giả cùng trao đổi và cùng tìm ra những giải pháp và từ đó hỗ trợ cho Ủy ban Cạnh tranh thực thi tốt nhiệm vụ của mình” - bà Nguyễn Quỳnh Anh bày tỏ.
Chia sẻ về phương pháp xác định cấu thành hành vi vi phạm quy định về hạn chế cạnh tranh, PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Anh - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội - cho biết, trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh gay gắt sẽ dẫn đến khuynh hướng các chủ thể kinh doanh thực hiện các hành vi làm giảm bớt tính cạnh tranh, làm cho thị trường trở thành hình thái thị trường độc quyền hoặc thị trường độc quyền nhóm, do đó sẽ làm giảm lựa chọn của người tiêu dùng và gây bất lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Anh, các hành vi hạn chế cạnh tranh này ở các nước trên thế giới đều bị kiểm soát bởi pháp luật cạnh tranh. Còn ở Việt Nam, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh được ghi nhận lần đầu tiên trong Luật Cạnh tranh 2004 và Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Hiện nay, hành vi hạn chế cạnh tranh được quy định tại Luật Cạnh tranh 2018, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019 và Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh và một số luật chuyên ngành như Luật Điện lực năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2012 và 2020, Luật Viễn thông năm 2023, vừa có hiệu lực từ 1/7/2024,…
“Dựa vào các quy định trong các văn bản pháp luật có thể hiểu hành vi vi phạm quy định về hạn chế cạnh tranh là hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện trái quy định của pháp luật cạnh tranh gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến hoạt động cạnh tranh lành mạnh và thị trường” - PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định.
Để xác định các yếu tố cấu thành của hành vi vi phạm quy định về hạn chế cạnh tranh, theo Giảng viên Đại học Luật Hà Nội, cần hiểu về khái niệm hành vi hạn chế cạnh tranh; biết phân loại hành này; đặc biệt là biết đến hậu quả pháp lý mà hành vi này mang lại.
Hội nghị “Giới thiệu quy trình xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh”
Từ thực tiễn tư vấn pháp luật, Luật sư Trần Đức - Trưởng Văn phòng Luật sư A&O Shearman - cho hay, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về pháp luật cạnh tranh nói chung và hành vi hạn chế cạnh tranh nói riêng đã có, nhưng vẫn còn hạn chế. “Nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đã có nhận thức về các hành vi này, tuy nhiên họ thường gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn kinh doanh” - Luật sư Trần Đức cho biết.
Nhắc lại kết quả khảo sát của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) năm 2022 đối với 355 doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật sư Trần Đức phân tích, có đến 16,34% doanh nghiệp “chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh”; 32,96% có nhận thức pháp luật cạnh tranh từ khá trở lên, nhưng chỉ có 17,8% trong số đó hiểu biết về các hành vi quy định tại luật.
Đáng chú ý, có từ 20 - 30% doanh nghiệp cho rằng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là “đúng” và được phép thực hiện; đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu đúng đạt 46,20%, 21,13% doanh nghiệp trả lời sai và 32,68% doanh nghiệp trả lời “không biết”,…
Để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tránh các vi phạm quy định về hạn chế cạnh tranh, Luật sư Trần Đức kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tự xác định hành vi hạn chế cạnh tranh.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường liên quan và số liệu tổng thị trường đối với từng thị trường liên quan. Cùng đó, là xây dựng cơ chế trao đổi giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với doanh nghiệp để tham vấn khi gặp vướng mắc trong việc tuân thủ.
Hoàng Lan