Doanh nghiệp Việt làm được gì ở các dự án đường sắt tỉ USD?

Doanh nghiệp Việt làm được gì ở các dự án đường sắt tỉ USD?
19 giờ trướcBài gốc
Theo khảo sát mới đây của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp (DN) lớn về xây dựng và lắp ráp trong nước đều muốn tham gia vào các dự án đường sắt hiện đại. Tuy nhiên, họ cần Nhà nước có những chính sách hỗ trợ về vay vốn, miễn thuế và cam kết đầu ra cho sản phẩm…
Ông ĐỖ MẠNH CƯỜNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Fecon:
Đưa chuyên gia, kỹ sư… đi “khoác áo công nhân”
Để xác định được DN đầu tư được gì trước tiên Nhà nước phải cho “đầu bài”. Tức là với năng lực DN hiện tại, Nhà nước cần DN đáp ứng cái gì thì chúng tôi hoàn toàn có thể đầu tư làm việc đó.
Với mảng đường sắt đô thị, Fecon dành thời gian 10 năm để đầu tư. Từ năm 2014, DN đã đưa các chuyên gia, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ ra nước ngoài học tập, thậm chí là đi “khoác áo công nhân” để có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, gần đây DN mới được tham gia xây dựng một tuyến metro trong nước nhưng vẫn là nhà thầu phụ. Trong khi đó, DN lại đi thuê các công ty nước ngoài làm nhà thầu phụ cho mình ở các khâu quan trọng. Vì vậy, Nhà nước cần tạo hành lang để các DN Việt Nam có thể tiếp cận công việc với vai trò chủ đạo, thay vì nhà thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài.
Thêm vào đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để DN trong nước tiếp cận cơ chế về vay vốn ưu đãi, cơ chế chỉ định thầu và đặt hàng cho các nhà thầu cũng như nhà sản xuất Việt Nam. Đặc biệt cần phải bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các công nghệ để họ tự tin đầu tư. Tôi tin với một thị trường đủ lớn và một chính sách hợp lý thì các DN trong nước sẵn sàng đầu tư. Còn về phần mình, chúng tôi có thể làm được đó là nền móng, công nghệ xử lý đất yếu, tạo tính kỹ thuật của công trình đường sắt…
Ông PHẠM TRƯỜNG TÙNG, Giám đốc cao cấp kỹ thuật - công nghệ Công ty CP Công nghiệp Thaco:
Nhà nước cần cam kết đầu ra
Chúng tôi hoàn toàn có thể tham gia sản xuất toa xe và các linh kiện quan trọng. Tuy nhiên, DN muốn được Nhà nước chỉ định thầu và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Thêm vào đó, DN đề xuất được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai. Cụ thể, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất các sản phẩm công nghiệp đường sắt; áp dụng ưu đãi đầu tư theo dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao… Chúng tôi xác định việc chuyển giao công nghệ không phải là rào cản mà chính là cơ hội để DN tiếp thu, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến trên thế giới vào thực tiễn sản xuất trong nước…
Dự báo việc đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, gồm cả đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị sẽ mang đến thị trường xây dựng khoảng 89 tỉ USD. Ảnh minh họa: AI
Ông LÊ QUANG HIẾU, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel):
Xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển công nghệ
Viettel sẵn sàng tham gia vào khâu hệ thống thông tin đường sắt. Tuy nhiên, Chính phủ cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ từ các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 193/2025 về đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy việc làm chủ khoa học công nghệ đòi hỏi phải có cơ sở thử nghiệm (testlab) hoặc môi trường thực tế để nghiên cứu, tích hợp. Chẳng hạn, Nhật Bản có tuyến đường sắt thử nghiệm dài 40 km, trong khi Trung Quốc đầu tư hẳn một khu vực chuyên biệt để các DN chạy thử nghiệm.
Tại Việt Nam, thời gian qua, Viettel đã hợp tác với các trường ĐH để xây dựng các phòng thí nghiệm, phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, khối lượng công việc trong lĩnh vực đường sắt là rất lớn, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ hơn. Do đó, Nhà nước cần sớm xây dựng quỹ khoa học công nghệ để hỗ trợ DN trong nước tham gia nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng đến làm chủ công nghệ và chế tạo các hệ thống thiết bị công nghệ cao chuyên ngành…
Ông TRẦN ANH THÁI, Chủ tịch Công ty CP Hệ thống kỹ thuật ứng dụng (ATS Jsc):
Tự tin làm được ngay với giá cạnh tranh
Chúng tôi tự tin cam kết trong năm nay Việt Nam có thể làm chủ 100% từ thiết kế, xây dựng, trạm biến áp, đường dây, hệ thống điều khiển, bảo vệ, kiểm soát... để cung cấp điện cho toàn ngành đường sắt, bao gồm cả đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
Dù DN chưa từng phát triển phần mềm thu thập, xử lý dữ liệu và kiểm soát lịch trình cho ngành đường sắt nhưng với năng lực sẵn có, chúng tôi hoàn toàn có thể nghiên cứu và phát triển các phần mềm này trong vòng 1-2 năm với điều kiện có sự cam kết và đặt hàng từ Nhà nước.
Đường sắt tốc độ cao đạt vận tốc 350 km/giờ nhưng trong lĩnh vực điện, DN đã xử lý dữ liệu với tốc độ lên tới 300.000 km/giây, tương đương tốc độ ánh sáng. Điều này có nghĩa là chúng tôi có khả năng xử lý dữ liệu với độ phân giải ở mức micro giây và có thể xử lý tới 3 triệu điểm tín hiệu trong thời gian thực. Đây là năng lực mà rất ít DN trên thế giới có thể đạt được…
Doanh nghiệp phải cung cấp sản phẩm cạnh tranh
Kinh nghiệm từ Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc là các nước không tự phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao mà thông qua chuyển giao công nghệ cho thấy trong nước không nhất thiết phải làm chủ toàn bộ. Ngay cả Trung Quốc đến nay một số chi tiết vẫn phải nhập khẩu.
Chúng ta lấy sân chơi này để làm, để cống hiến, để DN Việt Nam làm chủ trên sân nhà và khi DN đã làm là phải có lợi nhuận. Ngược lại, DN cũng phải cung cấp sản phẩm giá cạnh tranh, không thể quá đắt so với sản phẩm nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy
Ông NGUYỄN VIỆT THẮNG, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát:
Hòa Phát sẽ có sản phẩm ray đầu tiên vào năm 2027
Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư dự án sản xuất ray, dự kiến đến cuối năm 2027 sẽ có sản phẩm ray đầu tiên. Hiện Nhà máy Dung Quất đang sản xuất khoảng 320.000 tấn thép ứng lực phục vụ xây dựng cầu, đường, tà vẹt đường sắt mỗi năm. Loại thép này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như cọc bê tông ứng lực, dầm cầu, đường cao tốc, hệ thống cừ dự ứng lực và đặc biệt là tà vẹt bê tông sử dụng trong đường sắt tốc độ cao.
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ đặt hàng DN thực hiện để có đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại ray cho các loại hình đường sắt, cho phép DN tham gia sâu cùng với các bộ phận kỹ thuật để sản xuất sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo chất lượng cao.
Ông HỒ SỸ HÒA, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính:
Vào việc ngay và không mất thời gian
Hiện các DN ngành xây dựng Việt Nam hầu như đã làm chủ hoàn toàn công nghệ, biện pháp, thiết bị thi công hạng mục hầm, cầu. Điều các DN đang chờ đợi hiện nay là Nhà nước cũng cần ban hành chính sách và cơ chế phù hợp để đảm bảo 100% các hạng mục từ dưới ray trở xuống được giao cho DN trong nước thực hiện, đồng thời có sự chuyển giao rõ ràng về thiết kế, tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu. Nhà nước cũng cần nghiên cứu và áp dụng mô hình chỉ định tổng thầu EPC đối với các gói thầu quy mô lớn nhằm tối ưu hóa chi phí và kiểm soát chất lượng.
Về phía DN mình, tôi khẳng định nếu được giao các hạng mục cầu, hầm sẽ vào việc ngay và không mất thời gian tí nào.
Đã liên kết với Trung Quốc sản xuất đầu máy, toa xe
Ông Hoàng Năng Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết thời gian qua đơn vị đã tự chủ và liên kết với các DN Trung Quốc sản xuất một số linh kiện đầu máy, toa xe.
Vì vậy, DN tự tin sẽ tự chủ thiết kế, chế tạo sản xuất toa xe hàng với tốc độ thiết kế 120 km/giờ trừ bộ trục bánh xe, van hãm... Đối với toa xe khách sản xuất nội địa hóa dự kiến đạt 80% trừ lò xo không khí, van hãm, bộ trục bánh xe. Thiết kế, chế tạo được giá chuyển hướng, bệ xe, thành xe…
Với dự án tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế lớn hơn 200 km/giờ, VNR cho biết sẽ làm chủ công nghệ bảo trì hạ tầng đường sắt. Làm chủ công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ phương tiện. Sản xuất giá chuyển hướng, bệ xe, thùng xe, nội thất, cửa hông lên xuống...
VIẾT LONG
Nguồn PLO : https://plo.vn/doanh-nghiep-viet-lam-duoc-gi-o-cac-du-an-duong-sat-ti-usd-post842440.html