Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ
9 giờ trướcBài gốc
Phát biểu khai mạc, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với thặng dư thương mại tăng mạnh trong 5 năm qua đạt gần 106 tỷ USD năm 2024. Trước các biện pháp thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ, Việt Nam đang chủ động đàm phán nhằm xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, bền vững, đồng thời kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, đẩy mạnh hợp tác đầu tư và giao thương song phương.
Đại biểu có ý kiến tại hội thảo.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Sơn Trần (Đại học SUNY Cobleskill) cho biết Hoa Kỳ đang chuyển hướng từ tự do thương mại sang thương mại chiến lược, với trọng tâm là an ninh quốc gia và công nghiệp. Tiến sĩ Sơn Trần khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ nghiêm quy định về xuất xứ, nâng cấp chuỗi giá trị, đầu tư thương hiệu và tích cực tham gia đối thoại chính sách.
Cụ thể, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, bao gồm việc củng cố tài liệu chuỗi cung ứng, đảm bảo ghi nhãn xuất xứ minh bạch và sớm áp dụng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và EU. Nâng cấp chuỗi giá trị, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất gia công (OEM) sang mô hình nhà sản xuất thương hiệu gốc (OBM), đầu tư vào xây dựng thương hiệu, đổi mới và sở hữu cơ sở khách hàng. Tăng cường sự tham gia, chủ động làm việc với các hiệp hội thương mại và nhà hoạch định chính sách, tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách và chứng tỏ Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy.
Việt Nam cần xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia và ngành mạnh mẽ. Việc này rất quan trọng vì bối cảnh thuế quan và giám sát quốc tế hiện tại đòi hỏi mức độ tin cậy và truy xuất nguồn gốc cao hơn. Chiến lược thương hiệu cần chuyển đổi hình ảnh từ một nhà sản xuất chi phí thấp sang một nhà cung ứng thay thế đáng tin cậy, có khả năng cung cấp các mặt hàng đặc sản độc đáo có giá trị cao như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản và thủy sản. Ở cấp độ ngành, cần xây dựng thương hiệu tập thể dựa trên các giá trị cốt lõi là chất lượng, tính bền vững, sự tuân thủ và niềm tin.
Ông Mohammed Selia, Giám đốc điều hành Công ty FulfillPlus chia sẻ các lưu ý cụ thể theo từng ngành hàng về thuế suất, quy định nhãn mác, khai báo hải quan và tiêu chuẩn kỹ thuật. Một yếu tố cơ bản mà các nhà xuất khẩu cần nắm vững là thuế nhập khẩu Hoa Kỳ, vốn được thanh toán khi thông quan tại cảng nhập và xác định dựa trên mã HTS, giá trị khai báo cùng với xuất xứ của hàng hóa. Điều đáng lưu ý là Việt Nam hiện chưa có FTA nào với Hoa Kỳ. Đối với từng ngành hàng cụ thể, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ông Mohammed Selia khuyến nghị doanh nghiệp nên duy trì hàng tồn kho tại Mỹ để giao hàng nhanh hơn và nâng cao sự hài lòng của khách hàng, đầu tư vào chất lượng sản phẩm, bao bì hấp dẫn, xây dựng thương hiệu và hợp tác với các đối tác logistics uy tín để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bà Cao Thị Phi Vân cho biết, thông qua hội thảo, ITPC mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật chính sách, định hình chiến lược kinh doanh phù hợp, giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội tại thị trường Hoa Kỳ.
Nguyễn Cảnh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet-nam-can-chu-dong-ung-pho-voi-thue-doi-ung-cua-hoa-ky-i767797/