Doanh nghiệp Việt xoay xở trước rào cản thuế Mỹ

Doanh nghiệp Việt xoay xở trước rào cản thuế Mỹ
một ngày trướcBài gốc
Các doanh nghiệp đang chủ động tìm phương án để thích ứng trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam. Ảnh Hoàng Anh
Giảm thuế, tăng nhập khẩu hàng Mỹ
“Tín hiệu rất vui đối với cộng đồng doanh nghiệp”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định về cuộc điện đàm giữaTổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald J. Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ tối 4/4/2025.
Tại cuộc điện đàm Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ; đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước cuộc điện đàm, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam lên đến 46%.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường chính sách công và quản lý Fullbright cũng cho rằng Việt Nam có thể xem xét giảm thuế với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ từ mức trung bình khoảng 9,4% – 9,7% hiện nay, thậm chí giảm về mức 0% với một số mặt hàng.
Mặc dù việc giảm thuế chưa thể áp dụng ngay lập tức nhưng hành động này sẽ thể sự thiện chí của Việt Nam trong việc giảm rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Mỹ vào thị trường Việt Nam.
Một giải pháp nữa được vị chuyên gia đến từ trường Fullbright đề xuất là tăng nhập khẩu từ Mỹ những mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu như máy móc công nghệ cao, hiện đại để thay thế cho công nghệ lỗi thời đang sử dụng. Ông nhìn nhận đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và tiếp cận công nghệ tiên tiến từ Mỹ.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa giải pháp này, cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước về về nguồn vốn và lãi suất. “Chẳng hạn như việc cung ứng vốn tín dụng như thế nào, chính sách ưu đãi ra sao để giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng nhập khẩu, từ đó góp phần giảm mức thâm hụt cán cân thương mại”, ông Tuấn nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Long Sơn, doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến điều xuất khẩu cho biết, Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam khiến doanh nghiệp ngành điều rơi vào thế bị động, lúng túng.
Ông Sơn cho biết doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp cụ thể mà đang tiếp nhận thông tin từ phía đối tác và chờ kết quả đàm phán giữa hai nước.
Tuy nhiên, ông Sơn đề xuất Việt Nam nên giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại hạt nông sản của Mỹ như hạnh nhân, hạt dẻ cười… Những sản phẩm này trước đây chịu mức thuế 15%, sau đó được điều chỉnh xuống 5% khi nhập vào Việt Nam, nhưng hoàn toàn có thể hạ xuống 0%.
Theo công bố từ phía Mỹ, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nước này đạt 136,6 tỷ USD, ngược lại Việt Nam mua hàng hóa từ Mỹ là 13,1 tỷ USD. Mỹ bị thâm hụt thương mại 123,5 tỷ USD, tương ứng tỷ lệ 90%. Trên cơ sở đó, Mỹ lựa chọn áp mức thuế đối ứng một nửa tỷ lệ thâm hụt, tức 46%.
Đàm phán với đối tác cũ, tìm thị trường mới
Những doanh nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu từ 50% trở lên vào thị trường Mỹ như Secoin đã ngay lập tức thay đổi kế hoạch bằng cách kích hoạt phương án dự phòng để đàm phán với các đối tác cũ tại những thị trường tiềm năng như EU, Nhật Bản, Trung Đông.
“Ngoài đàm phán với các đối tác cũ tại Úc, Nhật Bản, Secoin còn tìm kiếm thêm khách hàng mới tại những thị trường này. Các đối tác trong chuỗi cung ứng tại đây sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Secoin cho biết tại sự kiện “Thuế đối ứng của Mỹ, đánh giá tác động và giải pháp cho doanh nghiệp” do Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO) tổ chức.
Ông Nguyễn Hoài Linh, chuyên gia nghiên cứu và phân tích tại Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), việc đa dạng hóa thị trường không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Tại thị trường Mỹ, các tiêu chuẩn về chất lượng hay yêu cầu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) không quá khắt khe nên phần lớn doanh nghiệp Việt, từ lớn đến nhỏ đều có khả năng đáp ứng.
Các thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu có tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn nên không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được đầy đủ các quy định và yêu cầu.
Những doanh nghiệp lớn có đủ nguồn lực để thuê chuyên gia tư vấn hoặc thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, điều này là một thách thức lớn do hạn chế về tài chính và nhân lực.
“Việc xây dựng một cổng thông tin chính thức từ phía Chính phủ để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định của thị trường châu Âu, Nhật Bản là vô cùng cần thiết”,ông Linh nói.
Mặc dù việc chuyển đổi hay đa dạng hóa thị trường là cả một quá trình dài và đầy thử thách nhưng theo ông Linh, nhưng là giải pháp sống còn buộc phải triển khai trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang có nhiều biến động.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, chủ động phản ánh các vấn đề phát sinh để có thể kịp thời đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả trong thời gian tới.
Quỳnh Anh
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/doanh-nghiep-viet-xoay-xo-truoc-rao-can-thue-my-d39624.html