Doanh nghiệp xuất khẩu khai xuân đầy ắp đơn hàng

Doanh nghiệp xuất khẩu khai xuân đầy ắp đơn hàng
4 giờ trướcBài gốc
Khởi đầu năm mới đầy ắp đơn hàng
Ông Trần Đình Thăng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt - cho biết, ngày mùng 6 Tết các công nhân của doanh nghiệp sẽ đi làm trở lại để chuẩn bị cho đơn hàng sẽ được xuất khẩu 2 ngày sau đó sang thị trường Trung Đông.
Theo ông Thăng, điều may mắn đến thời điểm này doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu tới hết nửa năm 2025 nên lãnh đạo và người lao động khởi đầu năm mới rất phấn khởi. Năm nay, riêng thị trường Trung Đông, dự kiến mỗi tháng doanh nghiệp sẽ xuất khẩu khoảng 100.000 đôi dép với ít nhất 6 container 40 feet.
“Nhiều thị trường đang rất rộng mở, đặc biệt là các thị trường mới, thị trường ngách mà Việt Nam có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các doanh nghiệp giày dép cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu bởi sản phẩm giày dép made in Vietnam đang có uy tín trên thị trường quốc tế", ông Thăng bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầy ắp đơn hàng đến giữa năm 2025. Ảnh Như Ý.
Ông Vũ Ngọc Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) - chia sẻ, với tinh thần quyết tâm nỗ lực sản xuất để đáp ứng kịp đơn hàng, ngay từ những ngày đầu năm mới, doanh nghiệp sẽ huy động công nhân liên tục tăng ca.
Theo lãnh đạo Natexco, từ cuối năm 2024, xuất khẩu dệt may đã hồi phục tốt nên đến nay doanh nghiệp đã có đơn hàng tới tháng 4. Đây là sự khởi đầu tích cực của doanh nghiệp trong năm 2025. Đặc biệt, hiện doanh nghiệp đã tiết kiệm được 60% những khâu không mang lại giá trị trong sản xuất so với thời gian trước đó.
Những tín hiệu này giúp doanh nghiệp tự tin, chủ động hơn so với những năm trước. “Chúng tôi tự tin năm nay sẽ tăng trưởng khả quan hơn năm 2024. Hiện doanh nghiệp cũng đã chủ động khâu nguyên liệu, xanh hóa khâu sản xuất để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhập khẩu, kể cả những thị trường khó tính nhất", ông Tuấn chia sẻ.
Các doanh nghiệp thủy sản đang tất bật chuẩn bị các thủ tục để “khai xuân” những lô hàng mới. Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta - cho biết, người lao động của doanh nghiệp bắt đầu đi làm trở lại vào ngày mùng 6 Tết để chuẩn bị cho các đơn hàng lớn ngay mấy ngày sau đó.
“Doanh nghiệp huy động 100% công nhân quay trở lại làm việc để kịp sản xuất. Lô nào đủ nguyên liệu sẽ cho xuất khẩu ngay”, ông Lực nói đồng thời cho biết khó khăn nhất hiện nay là tôm nguyên liệu khan hiếm, giá cao do hết vụ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sao Ta hi vọng trong những ngày tới thời tiết ổn hơn, vụ nuôi chính khả quan, từ giữa quý II nguồn cung nguyên liệu sẽ có cải thiện để giúp ngành tôm có tiếp tục có năm bội thu.
Tận dụng những thị trường lợi thế từ FTA
Năm ngoái, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8%. Với kết quả này, Bộ Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng trên 10-12% so với năm 2024, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD...
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, năm 2025, môi trường quốc tế dự kiến có nhiều biến động ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, do đó việc ưu tiên đầu tư phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực và các thị trường trọng điểm, tiềm năng để tận dụng được lợi thế các FTA mà Việt Nam đang tham gia có vai trò rất quan trọng để duy trì tăng trưởng bền vững.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trước những đòi hỏi ngày càng cao từ các thị trường, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cần có sự thay đổi. Với những sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng công nghệ cao như điện tử, máy móc thiết bị… doanh nghiệp cần tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, qua đó thu hút đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu chất bán dẫn, hàng hóa môi trường...
Doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để khai thác các thị trường tiềm năng.
Các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày cần hướng tới mục tiêu đổi mới công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững của thị trường quốc tế.
Đặc biệt, các sản phẩm nông sản, thủy sản cần được đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn và phát triển bền vững.
Với gỗ và sản phẩm gỗ cần tập trung vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Về thị trường, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung khai thác các thị trường trọng điểm như EU, châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Phi, trong đó EU nổi bật với các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tại châu Á - Thái Bình Dương, các doanh nghiệp cần chú ý tới các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN. Khu vực Bắc Mỹ là Mỹ Canada, Mexico, đặc biệt là Trung Đông - châu Phi là những thị trường mới nổi với nhu cầu nhập khẩu hiện rất lớn.
Xuân Phong
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-khai-xuan-day-ap-don-hang-post1713849.tpo