Doanh nghiệp xuất khẩu trước lệnh áp thuế mới của Mỹ

Doanh nghiệp xuất khẩu trước lệnh áp thuế mới của Mỹ
9 ngày trướcBài gốc
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Da giầy Huế
Nỗi lo từ doanh nghiệp
Những ngày đầu tháng 4, tại hai nhà máy của Công ty CP Thiên An Phú, không khí sản xuất vẫn diễn ra sôi động. Khoảng 2.000 công nhân đang chạy đua với tiến độ để hoàn tất các đơn hàng xuất qua thị trường Mỹ đã ký trước đó.
Dù tình hình đơn hàng hiện tại khá tích cực, song ông Phạm Gia Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty không khỏi lo lắng. “Đơn hàng của công ty vẫn ổn định đến tháng 7, nhưng nếu Mỹ áp thuế 46%, khách hàng có thể hủy đơn bất kỳ lúc nào. Hiện nay, các DN đang phải cạnh tranh rất sát sao về giá, chỉ chênh lệch vài cent cũng đủ để mất lợi thế. Nếu thuế mới được áp dụng, chi phí tăng lên tính theo tỷ giá USD, thì giá bán sẽ đội lên rất nhiều khiến khách hàng do dự hoặc giảm đơn hàng”, ông Định giải thích.
Dù vậy, ông Phạm Gia Định vẫn bày tỏ niềm tin vào khả năng đàm phán của lãnh đạo Đảng và Nhà nước và hy vọng vào những tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán. Ông cho biết, hiện DN đang theo dõi sát tình hình, bám sát và mở rộng tệp khách hàng; phân tích, đánh giá về thách thức, cơ hội để có kịch bản ứng phó phù hợp.
Ông Nguyễn Xuân Tịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Da giầy Huế bày tỏ sự lo lắng khi DN chuẩn bị xuất khẩu hai lô hàng lớn sang Mỹ trong tháng 4 và tháng 5 tới. “Nếu mức thuế mới được áp dụng trùng với thời điểm xuất hàng, DN có thể đối mặt với nguy cơ thua lỗ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh,” ông Tịnh cho biết.
Theo ông Tịnh, trong giai đoạn hậu COVID-19, DN từng bước phục hồi và ổn định sản xuất. Chính sách thương mại mới từ phía Mỹ đang tạo không ít áp lực cho DN. “Việc tìm kiếm thị trường thay thế, đặc biệt là các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như châu Âu không hề đơn giản. Việc tái cấu trúc hay chuyển hướng xuất khẩu cũng cần thời gian, nguồn lực và kế hoạch phù hợp,” ông Tịnh phân tích.
Không chỉ các DN xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ lo bị ảnh hưởng, những DN có chuỗi cung ứng liên quan hoặc xuất khẩu gián tiếp cũng lo lắng phải chịu tác động dây chuyền. Tại Công ty TNHH MTV Hanex, đơn vị chuyên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Tổng Giám đốc tập đoàn chủ quản từ Hàn Quốc vừa có chuyến thăm nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Bà Đặng Thị Thanh An, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “Dù không xuất trực tiếp sang Mỹ, nhưng việc Mỹ siết chặt nhập khẩu từ Việt Nam sẽ khiến các DN đa quốc gia điều chỉnh chuỗi cung ứng, kéo theo nguy cơ giảm đơn hàng ở các thị trường liên quan. Công ty đang tìm cách mở rộng đối tác để ổn định sản xuất”.
Tương tự, đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Huế cho rằng, dù DN tập trung xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và Úc, nhưng chính sách thuế mới của Mỹ có thể gián tiếp ảnh hưởng đến chi phí logistics, tâm lý đối tác và khả năng cạnh tranh chung. “Một số đối tác có thể chuyển hướng sang các nước có quan hệ thương mại thuận lợi hơn với Mỹ có thể khiến đơn hàng của công ty bị đẩy vào thế khó,” đại diện công ty nhận định.
Công nhân Công ty CP Da giầy Huế đang sản xuất
Chủ động ứng phó
Trước diễn biến mới này, các DN tại Huế đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp chủ động để ứng phó. Ông Nguyễn Văn Phong, thành viên HĐQT Công ty CP Dệt may Huế cho hay: “Hiện chưa biết chính xác những mặt hàng nào chịu mức thuế 46%, nên DN chưa có phương án cụ thể. Về lâu dài, công ty phải tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, cải tiến công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường”.
Kinh nghiệm từ giai đoạn khó khăn của hai năm trước đã giúp nhiều DN rút ra những bài học cần thiết. “Khi đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng vì lạm phát, chúng tôi đã duy trì sản xuất bằng cách tiết kiệm chi phí, nhận đơn hàng nhỏ, tìm thị trường ngách và giữ chân lao động bằng mọi giá. Giai đoạn này cũng cần một chiến lược tương tự, nhưng chủ động và bài bản hơn,” ông Phong chia sẻ.
Những năm gần đây, Công ty CP Phát triển Thủy sản Huế đã chủ động mở rộng thị phần trong nước, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu. Chiến lược này bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, đồng thời giúp DN từng bước đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, song song với việc chờ đợi đàm phán, DN cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và linh hoạt chuyển đổi kênh xuất khẩu. Đặc biệt, cần tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường và tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia lớn. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực quản trị cũng là hướng đi cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Trước những thách thức hiện tại, Hiệp hội DN thành phố đã chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại và ghi nhận ý kiến của các DN bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, Hiệp hội tổng hợp kiến nghị và đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm có chính sách hỗ trợ kịp thời và sát thực tế.
Tại cuộc họp tối 7/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp dụng mức thuế 46% trong ít nhất 45 ngày, nhằm tạo điều kiện cho hai bên đàm phán và chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc tạm hoãn này nhằm hướng tới thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo cân bằng, bền vững và có lợi cho cả hai bên, đồng thời không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chính phủ cũng thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi sát tình hình và đề xuất giải pháp kịp thời. Việt Nam đồng thời đề xuất đưa thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0% và mong Mỹ áp thuế tương tự đối với hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo mở rộng tín dụng ưu đãi, giãn nợ, giảm lãi suất, giãn/hoãn thuế và tiền thuê đất cho DN bị ảnh hưởng; giảm thủ tục hoàn thuế VAT và xem xét tiếp tục giảm thuế VAT trong thời gian tới.
Bài, ảnh: HẢI THUẬN
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/kinh-te/doanh-nghiep-xuat-khau-truoc-lenh-ap-thue-moi-cua-my-152390.html