Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt: Nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt: Nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn
13 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt đang phải gồng mình trước hàng loạt rào cản. (Ảnh minh họa: VGP)
Loay hoay trong “mê trận” thủ tục và chi phí...
Theo TS Phạm Ngọc Lang - Phó Viện trưởng Viện Doanh Trí, những “nút thắt” lớn mà DN XNK đang phải đối mặt, cụ thể: Từ thị trường quốc tế: Hàng rào kỹ thuật ngày càng phức tạp (không chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn chất lượng hay an toàn thực phẩm, nhiều thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản còn yêu cầu DN phải tuân thủ các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và quyền lao động); Gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại (nhiều mặt hàng của Việt Nam đang bị điều tra chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ); Cùng với đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với chi phí logistics và biến động toàn cầu do những bất ổn về chính trị khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận chuyển và bảo hiểm tăng vọt làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt.
Trong nước, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà (dù đã có cải cách, nhiều DN vẫn mất thời gian và chi phí vì thủ tục chồng chéo, kiểm tra tràn lan); Khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng - GTGT (việc phải chứng minh nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt với ngành nông - lâm - thủy sản, đang khiến nhiều DN bị “kẹt vốn”); một số chính sách thiếu ổn định (khi có quy định mới được ban hành mà không có lộ trình rõ ràng hay lấy ý kiến DN, họ rất dễ rơi vào thế bị động, bị xáo trộn trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh)...
Từ thực tế hoạt động kinh doanh của DN mình, ông Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Công ty CP Naturweg Việt Nam phản ánh: “Khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động nhập khẩu (NK) là việc thiếu hướng dẫn rõ ràng, thống nhất giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành đối với một số nhóm hàng hóa. Ví dụ, với các sản phẩm hóa chất tẩy rửa gia dụng mà DN chúng tôi đang NK, hiện có sự chồng chéo trong cách áp dụng các văn bản pháp lý giữa các Bộ, ngành khác nhau. Điều này khiến cơ quan hải quan, dù rất nỗ lực hỗ trợ DN, vẫn gặp khó trong việc ra quyết định thông quan. Việc này ảnh hưởng lớn đến nguồn hàng, dòng tiền, tiến độ kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN”.
Mặt khác, ông Thành cho biết, hiện nay tiềm năng xuất khẩu (XK) sản phẩm từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ là rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững tại các thị trường khó tính (như EU) thì yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, yếu tố hữu cơ hay chứng chỉ quốc tế là rất nghiêm ngặt. Đây là thách thức không nhỏ với phần lớn DN trong nước. Do đó, cần có sự đồng hành giữa các cơ quan chức năng, Hiệp hội ngành hàng, DN và người sản xuất để cùng xây dựng chuỗi cung ứng đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật - đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cần các chính sách thực tế!
Bà Cao Thị Vân Điểm - Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị y học vật liệu sinh học; Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế (TBYT) Việt Nam cũng phản ánh, hiện rất nhiều DN gặp vướng mắc tại cửa khẩu hải quan. Cụ thể, việc tên hàng hóa NK Việt Nam chưa có Bộ danh pháp về TBYT đồng nhất với các nước trên thế giới, hoặc các quy định khác nhau nên nhiều khi cơ quan hải quan yêu cầu DN phải xin Bộ Y tế xác nhận đó là TBYT hay không phải TBYT, gây cản trở và kéo dài thời gian nhận hàng.
Việt Nam cũng chưa có nhiều tiêu chuẩn đánh giá và các phòng thử nghiệm để đánh giá chất lượng của hàng hóa XNK khi có tranh chấp các bên nên rất khó giải quyết. Lúc thực hiện dự án, DN không được hoàn thuế mua sắm máy móc thiết bị sản xuất chưa có ở Việt Nam, trong khi DN phải đầu tư gần 20 tỷ đồng nên đành phải đưa vào giá vốn để khấu hao trên sản phẩm làm giá thành sản phẩm tăng cao.
TS Phạm Ngọc Lang - Phó Viện trưởng Viện Doanh Trí.
Để vượt sóng vươn xa, Phó Viện trưởng Viện Doanh Trí Phạm Ngọc Lang cho rằng, DN cần chủ động và cải tổ mạnh mẽ. Theo đó, nên nắm bắt tiêu chuẩn quốc tế từ sớm, đừng để đến khi thị trường “đóng cửa” mới loay hoay tìm lối ra. Việc cập nhật và chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu về “xanh hóa”, minh bạch hóa hay chống cưỡng bức lao động cần bắt đầu ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa toàn diện: Từ thị trường đầu ra, sản phẩm đến nhà cung cấp - sự phụ thuộc quá lớn luôn tiềm ẩn rủi ro.
Do đó, cần mở rộng sang các thị trường tiềm năng, phát triển sản phẩm có giá trị cao và xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt; Đầu tư công nghệ và chuyển đổi số; Phát triển nguồn nhân lực: Đội ngũ nhân sự phải được trang bị kỹ năng chuyên môn lẫn ngoại ngữ và tư duy hội nhập để tham gia sân chơi toàn cầu; Tăng cường liên kết ngành: Khi đi cùng nhau, DN có thể tạo nên chuỗi giá trị mạnh mẽ hơn, dễ thương lượng hơn và cùng nhau vượt qua những rào cản thương mại khó khăn.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính: Ưu tiên chuyển từ kiểm tra trước sang hậu kiểm, ứng dụng nguyên tắc quản lý rủi ro hiệu quả. Giao dịch XNK nên được số hóa, tập trung xử lý qua một đầu mối duy nhất; Gỡ vướng về thuế, nhất là hoàn thuế GTGT: Cần có hướng dẫn rõ ràng theo từng nhóm ngành để DN dễ thực hiện; Tăng khả năng cảnh báo sớm và hỗ trợ pháp lý: Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động nắm bắt thông tin, báo động sớm và hỗ trợ DN khi cần tranh tụng hay giải quyết rào cản kỹ thuật; Tham vấn DN trong hoạch định chính sách: Chính sách cần có tầm nhìn dài hạn, được xây dựng dựa trên phản hồi thực chất từ DN và Hiệp hội ngành nghề; Hỗ trợ chuyển đổi xanh: Đặc biệt là DN nhỏ và vừa cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ và nhân lực để thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững toàn cầu.
Ông Nguyễn Chí Thành.
Ông Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Công ty CP Naturweg Việt Nam: “Chúng tôi rất mong Nhà nước và các cơ quan chức năng có thể tăng cường phối hợp liên ngành trong việc ban hành và hướng dẫn thực thi các văn bản pháp lý, đặc biệt là với các mặt hàng chịu sự quản lý chuyên ngành. Đồng thời, cần có cơ chế phản hồi, giải đáp nhanh và minh bạch cho các thắc mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, để tránh tình trạng DN phải chờ đợi kéo dài”.
Đ.Trang - V.Hương
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-viet-no-luc-tim-giai-phap-thao-go-kho-khan-84748.html