Doanh nhân, doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số

Doanh nhân, doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số
3 giờ trướcBài gốc
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gửi lời chúc tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, tiếp tục nỗ lực tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nhân phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo để phát triển lớn mạnh, bền vững, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của quốc gia.
Trong bài phỏng vấn với Người Đưa Tin (NĐT) nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong công cuộc phát triển kinh tế số, chuyển đổi số thì lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ là nhân tố quyết định sự thành công.
Kỷ nguyên mới của đất nước
NĐT: Thưa Bộ trưởng, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị xác định kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong nhiều thập niên tới. Bộ trưởng có đánh giá thế nào về đóng góp của động lực tăng trưởng mới này trong thời gian qua?
Bộtrưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong bài viết gần đây nhân kỉ niệm ngày Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới chính là chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Đây là xu hướng chung của thế giới, của thời đại.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI).
Để đổi mới, tăng tốc và tạo động lực cốt lõi cho mọi nền kinh tế phát triển chính là dựa vào nền kinh tế số. Những thành tựu phát triển của thế giới trong thập kỷ qua phải kể đến những tác động quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây, block chain, robot, băng thông rộng 5G/6G, vệ tinh cỡ nhỏ/tầm thấp, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hydrogen…
Việt Nam chúng ta cũng nằm trong cùng bối cảnh chung này, kinh tế số, chuyển đổi số đã hiện hữu vào trong mọi khía cạnh của nền kinh tế - xã hội đất nước, bao gồm sự chuyển dịch của các doanh nghiệp sang mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo; sự chuyển dịch trong dịch vụ công trên các nền tảng số từ trung ương tới địa phương; sự chuyển dịch từ hành vi tới hành động của từng người dân.
Chúng ta có thể thấy sự bùng nổ trong thương mại điện tử trong thị trường nội địa cũng như vươn ra thị trường quốc tế; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới dựa trên các nền tảng số, hệ sinh thái số; các giải pháp số được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và quản trị; việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong một số lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cáo, chế biến chế tạo … là những minh chứng cho việc đóng góp của chuyển đổi số, kinh tế số.
NĐT: Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Đảng ta đưa ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỉ trọng khoảng 20% GDP, đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP. Bộ trưởng có kỳ vọng gì về khả năng đạt được mục tiêu tiêu trên?
Bộtrưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trung bình tỉ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP các năm 2020 - 2023 đạt khoảng 12,62% và năm 2023 là 12,33%. Trong đó, ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,42% (chiếm 60,19%); số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 39,81%).
Vì vậy, theo xu hướng hiện này, việc đạt mục tiêu kinh tế số đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP là có cơ sở. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này thì chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa.
Vai trò của doanh nghiệp công nghệ là vô cùng quan trọng
NĐT: Muốn kinh tế số phát triển cần có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ có năng động, xông xáo. Bộ trưởng có nhận định như thế nào về đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực công nghệ hiện nay?
Bộtrưởng Nguyễn Chí Dũng: Nguồn nhân lực của đất nước ta luôn luôn là nhân tố cốt lõi để dẫn tới thành công hiện nay cũng như trong tương lai. Trong công cuộc phát triển kinh tế số, chuyển đổi số thì lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ là nhân tố quyết định sự thành công.
Chúng ta luôn tự hào về khả năng sáng tạo của người Việt Nam ta, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp, doanh nhân công nghệ trong thời gian qua cũng đã đạt được một số thành tựu đáng kể, ví dụ sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực như hạ tầng viễn thông, Internet, IoT, Chính phủ số và hạ tầng đám mây dữ liệu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham quan gian hàng tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (Ảnh: NIC).
Để tiếp tục thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng phát triển và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới nhằm phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó, Nghị quyết số 41 cũng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế gắn với 2 quá trình chuyển đổi quan trọng của đất nước trong thời gian tới, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Đặc biệt cần có chính sách đột phá để hình thành phát triển các doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Do đó, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ là vô cùng quan trọng để có thể đạt được yêu cầu mà Bộ Chính trị đề ra. Với những doanh nghiệp tiêu biểu và năng động như Viettel, VNPT, Vinfast… cũng như rất nhiều các doanh nghiệp công nghệ khác, tôi tin rằng đây sẽ là khu vực phát triển năng động trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước (Ảnh VGP).
NĐT: Các chuyên gia đánh giá, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, kinh tế số là kinh phí và nguồn nhân lực, và quá trình đó rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Trung Quốc, Đức, Singapore, Malaysia… thì hầu hết các nước đều dành nguồn lực lớn để thúc đẩy chuyển đổi số.
Vì vậy, Việt Nam cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước để không chỉ huy động từ ngân sách mà còn thu hút từ các khu vực tư nhân, các quỹ cũng như kêu gọi sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn tham gia vào quá trình này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những giải pháp cốt lõi để dẫn đến thành công đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Đặc biệt đối với DNNVV, start-up thì việc phát triển nguồn nhân lực cao gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chương trình đào tạo; kết nối DNNVV với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI; thúc đẩy các viện, trường đầu tư vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng rất chú trọng vào công tác này, chẳng hạn các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV. Hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bố trí Ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho DNNVV theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó khoảng 40% dành cho hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Đồng thời Bộ cũng đôn đốc các địa phương ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Đây là thay đổi lớn về tư duy trong công tác hỗ trợ cho DNNVV có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, ngày 21/9/2024 Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1017 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", với mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân.
Quyết định cũng đặt mục tiêu có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Doanh nhân, doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số (Ảnh: NIC).
Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số
NĐT: Mặc dù chuyển đổi số, kinh tế số là cơ hội lớn để Việt Nam cất cánh, nhưng cũng cần nhìn nhận rằng chuyển đổi số không hề dễ dàng và còn nhiều thách thức. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất giải pháp gì để thúc đẩy kinh tế số phát triển toàn diện hơn?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Chính phủ cần triển khai một loạt các giải pháp.
Thứ nhất, phát triển hạ tầng số và nền tảng kết nối số quốc gia, cùng với việc phát triển nguồn nhân lực số. Đây là yếu tố nền tảng, tạo ra cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động có đủ kỹ năng để khai thác, vận hành và phát triển các ứng dụng số trên toàn quốc, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao về công nghệ số nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế.
Thứ hai, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận tài nguyên số, tài nguyên mở và dữ liệu mở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận, khai thác và ứng dụng các dữ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc phát triển các nền tảng dữ liệu mở và thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra hệ sinh thái số đa dạng và minh bạch hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tạo điều kiện thuận lợi và các chính sách khuyến khích để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước (Ảnh: MPI).
Thứ ba, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.Chính phủ cần triển khai các chính sách tài chính khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ mới.
Phát triển các trung tâm hỗ trợ cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và tạo ra môi trường thử nghiệm cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, chuyển đổi số cũng cần gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, với sự chú trọng vào việc sử dụng nguồn lực hiệu quả và áp dụng công nghệ xanh.
Thứ tư, có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ 4.0. Chính phủ, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi và các chính sách khuyến khích để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, Internet vạn vật (IoT) và các ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là nền tảng giúp đất nước phát triển những lĩnh vực mới, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với vai trò là cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng như một loạt các hoạt động thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn mang tính đột phá và sang tạo.
Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số, đồng thời cũng huy động các nguồn lực để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững.
NĐT: Cảm ơn Bộ trưởng đã chia sẻ!
Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep-la-nhan-to-quyet-dinh-su-thanh-cong-cua-chuyen-doi-so-204241011101929396.htm