Doanh nhân Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh: Mang niềm tin mãnh liệt của người lính trên thương trường

Doanh nhân Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh: Mang niềm tin mãnh liệt của người lính trên thương trường
14 giờ trướcBài gốc
Kể từ tháng 7/2025, ấn phẩm Tinh hoa Việt của Báo Đại đoàn kết có mặt trên các chuyến xe taxi của Mai Linh trên toàn quốc. Nói về sự hợp tác giữa báo Đại đoàn kết và Tập đoàn Mai Linh, doanh nhân Hồ Huy cho rằng là sự hợp tác những những người lính trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và những người lính trên mặt trận kinh tế.
Mai Linh là hãng taxi lâu đời nhất tại Việt Nam, hiện sở hữu mạng lưới hoạt động khắp cả nước.
Không cầm súng nhưng tôi vẫn mang tinh thần người lính
Doanh nhân Hồ Huy nhập ngũ ngày 19/5/1972 – đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, khi mới 16 tuổi. Khát khao được cầm súng ra mặt trận chiến đấu giành độc lập, chàng thanh niên Hồ Huy đã khai tăng tuổi. Vào bộ đội ông được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 649, Trung đoàn 14, quân huấn luyện của Tỉnh đội Thanh Hóa. Đến ngày 19/8/1972, ông chính thức bổ sung ra chiến trường Quảng Trị, chiến đấu tại Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 68, Sư đoàn 304A.
“Không có con đường tắt. Từng viên gạch đều được đặt bằng mồ hôi và niềm tin. Tôi tuyển người, đào tạo lái xe như huấn luyện chiến sĩ. Tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên nền tảng kỷ luật – trách nhiệm – gắn kết. Nếu đội ngũ tốt, văn hóa mạnh, thì khó khăn nào cũng vượt qua.”
(Doanh nhân Hồ Huy)
Chiến trường là nơi, mà như ông tâm sự, ông học được bài học lớn nhất: ý chí sắt đá – lòng trung thành tuyệt đối – tinh thần không bỏ cuộc. “Những phẩm chất ấy theo tôi cả đời, giúp tôi dựng xây nên Mai Linh sau này.” – ông Hồ Huy chia sẻ.
Kết thúc chiến tranh, học tập ở nước ngoài rồi trở về khởi nghiệp trong ngành vận tải, nhưng cả cuộc đời ông chưa bao giờ nghĩ mình đã rời xa binh nghiệp.
“Tôi không còn cầm súng, nhưng tôi vẫn mang tinh thần người lính. Năm 1989, tôi khởi nghiệp với 500 USD, 2 chiếc xe thuê và một bàn dịch vụ du lịch. Đến năm 1993, Mai Linh ra đời tại kiết nhỏ ở 46 Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh), chỉ với hai chiếc Renault và Mercedes cũ. Tôi tin nếu tổ chức tốt, có tinh thần kỷ luật, thì sẽ làm được những điều lớn.”
Từ vài chiếc xe ban đầu, Mai Linh ngày hôm nay đã có 20 nghìn chiếc xe và 30 nghìn cán bộ nhân viên. Đó là cả một chặng đường đầy nỗ lực cố gắng, với tinh thần và niềm tin mãnh liệt của người lính về sự thành công.
Tôi không phải đại gia, tôi làm nhiệm vụ của người lính sau chiến tranh
PV: Thưa ông, xã hội thường định kiến về hình ảnh “đại gia” sang trọng, khó tiếp xúc. Vậy hình ảnh doanh nhân Hồ Huy nên được hình dung như thế nào?
Doanh nhân Hồ Huy.
- Tôi không phải đại gia, tôi không làm gì khác ngoài nhiệm vụ của một người lính sau chiến tranh. Nếu các anh chị nhà báo là những người lính làm nhiệm vụ tư tưởng, văn hóa thì tôi là người lính trên mặt trận kinh tế.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, được biết Mai Linh cũng đang tự tái cấu trúc, thưa ông?
Thưa ông, sự hợp tác giữa Báo Đại đoàn kết và Tập đoàn Mai Linh ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào?
Chiến lược hợp tác giữa Báo Đại đoàn kết và Tập đoàn Mai Linh là phù hợp với xu thế của thời đại. Các anh chị có ngòi bút, còn bàn tay của chúng tôi là viên gạch để xây dựng nền kinh tế, góp phần cùng với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước phát triển đất nước hùng cường.
- Cùng với tinh thần sắp xếp 34 tỉnh thành và thực hiện bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp của đất nước, Mai Linh đang quyết liệt tự sắp xếp, đổi mới hệ thống. Mai Linh đã trải qua những giai đoạn thách thức nhất, cần phải chuyển mình sắp xếp lại. Chúng tôi cũng mang tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng. Từ 64 ban điều hành của Mai Linh trong cả nước đang được sắp xếp lại thành 34 ban điều hành. Cả nước trước đây có tới 68 tổng đài, chúng tôi sẽ sắp xếp lại chỉ còn 2 tổng đài điều hành cho cả hệ thống trong cả nước. Chắc chắn lần sắp xếp này sẽ giúp Mai Linh tinh gọn để được vận hành hiệu quả hơn.
Năm nay tôi 70 tuổi, tôi có niềm tin vào văn hóa Mai Linh đã được xây dựng trong bao nhiêu năm qua. Từ những câu chuyện cảm động như người lái xe taxi cách đây mấy chục năm nhặt được 20 nghìn đô la trên xe khách hàng để quên đã tìm để trả lại. Mà phải nhớ rằng thời điểm đó 70 nghìn đô la mua được 20 ha đất ở TP HCM. Đến rất nhiều điều kỳ diệu Mai Linh đã làm được sau này.
Doanh nhân Hồ Huy trao quà cho trẻ em.
Ông có thể nói về những điều kỳ diệu đó?
- Mỗi cán bộ nhân viên của Mai Linh từ những người làm thuê ban đầu bây giờ đã trở thành nhà đầu tư, người làm chủ, có xe, có nhà, có cổ phần ở Mai Linh. Mai Linh đã đào tạo cho vận tải nước nhà những thương hiệu vận tải khác. Mai Linh đã viết lên những câu chuyện diệu kỳ của Mai Linh như xóa được nạn cơm tù (dù rằng để làm việc ấy Mai Linh đã chi phí 400 tỷ); xóa được nạn xe dù bến cóc, lái xe bắt chẹt khách hàng…Cùng với đó là hàng trăm em bé được sinh ra trên taxi Mai Linh, cụ thể là đến nay đã có 279 em bé được sinh ra trên taxi Mai Linh. Người ta gọi taxi để đến bệnh viện, đến nhà hộ sinh, nhưng chưa kịp đến nơi thì em bé đã muốn ra đời. Lái xe Mai Linh được đào tạo để có kỹ năng giúp đỡ sản phụ kịp thời. Thực sự đó là những sự kỳ diệu của cuộc sống mà không quy đổi ra được thành tiền bạc. Mai Linh tự hào về điều đó.
Hai năm đại dịch COVID-19 là cuộc chiến thời bình cam go nhất. 15.000 lái xe của Mai Linh từng là F0, nhưng vẫn xung phong tham gia “Biệt đội cấp cứu” của TP Hồ Chí Minh. Họ được Thành ủy, Chủ tịch thành phố trao danh hiệu “những chiến binh dũng cảm cứu người”.
Tôi xem đó là khoảnh khắc thiêng liêng nhất, tinh thần người lính trỗi dậy mạnh mẽ. Trong chiến tranh, tôi từng sống sót nhờ đồng đội hy sinh. Đại dịch cũng vậy, hàng chục nghìn người Việt Nam không may mắn qua khỏi. Tôi được sống, thì phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin và tình yêu mà đồng bào đã gửi lại.
Đó có phải là lý do để dù đã có những lúc Mai Linh gặp khó khăn, khủng hoảng nhưng vẫn đủ niềm tin vượt qua.
Mai Linh đã có những giai đoạn khủng hoảng, nhưng nó là sự thăng trầm, nó không phải là sự rơi vỡ. Bởi vì chúng tôi có tinh thần của những người lính, không chùn bước, không nản lòng.
Ông có niềm tin gì vào thành công của Mai Linh nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới, sau sắp xếp chuyển mình như ông vừa chia sẻ?
- Tôi tin vào sự thấu hiểu của người lao động và tôi tin doanh nghiệp Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ. Chúng tôi đang tái cấu trúc để phát triển trở lại, vì như Bác Hồ đã nói: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.
Tôi là lính, sinh ra để phục vụ. Và tôi hiểu, một doanh nghiệp chỉ bền khi nó đứng trên đôi chân của cộng đồng. Tập đoàn Mai Linh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho xã hội: tặng trâu cho nông dân nghèo, áo ấm cho trẻ vùng cao, đưa cựu chiến binh về chiến trường xưa... Đó là cách tôi tri ân đất nước.
Tôi tự hào vì những chiếc taxi màu xanh Mai Linh vẫn lăn bánh khắp nẻo đường đất nước. Chúng chuyên chở không chỉ hành khách, mà cả niềm tin – lòng tận tụy – tinh thần phụng sự. Mai Linh không chỉ lớn về quy mô, mà còn sâu sắc về đạo đức kinh doanh.
Làm doanh nhân là làm người lính thời bình. Hãy dùng trái tim nóng và cái đầu tỉnh táo. Đừng mải mê lợi nhuận ngắn hạn mà quên gốc rễ. Người lính không bỏ cuộc giữa trận đánh, doanh nhân cũng đừng dừng bước giữa thương trường. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là di sản, đó là kim chỉ nam cho tương lai.
Thời cơ để doanh nghiệp đổi mới, bứt phá
Việc sáp nhập các địa phương cấp tỉnh và xã, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả với cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng gắn với đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hiện đại hóa toàn diện lực lượng sản xuất, đồng thời xác lập quan hệ sản xuất phù hợp, sẽ tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp hoạt động.
Lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh xác định, đây là cơ hội rất thuận lợi để các doanh nghiệp nghiên cứu chuyển đổi mô hình, mở ra không gian lớn để tái cấu trúc nội bộ, tinh gọn tổ chức, đầu tư vào nền tảng công nghệ số, chuyển đổi xanh và tối ưu hóa chi phí vận hành. Những yếu tố này sẽ là lợi thế quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc, khai thác triệt để tiềm năng từ các thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Từ nhận thức trên, Ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh đã tiến hành tái cấu trúc bộ máy và đổi mới cơ chế hoạt động của Tập đoàn. Theo đó, Tập đoàn Mai Linh sáp nhập các đơn vị, chi nhánh trên cả nước, giảm tối đa ban điều hành và nhân sự văn phòng, giúp tiết kiệm vài tỷ đồng/tháng. Cùng với đó, Tập đoàn ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành bảo đảm nhanh gọn, khoa học; đầu tư mới hàng trăm xe điện theo mục tiêu phát triển xanh, hiện đại, văn minh và bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, bộ máy hành chính mới sau sáp nhập, tinh gọn sẽ có nhiều đổi mới mang tính đột phá, thực chất; các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được phân quyền, phân nhiệm rõ ràng, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; có cơ chế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hiện đại nhằm xử lý công việc nhanh chóng, khoa học, hợp lý để bảo đảm tính hiệu lực - hiệu quả - chuyên nghiệp trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng
hệ thống đánh giá hiệu quả công việc (KPI) của cán bộ, công chức, viên chức một cách minh bạch, chặt chẽ; không để "kẽ hở" cho tiêu cực, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, làm cản trở sự phát triển của đất nước.
Cẩm Thúy
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/doanh-nhan-ho-huy-chu-tich-tap-doan-mai-linh-mang-niem-tin-manh-liet-cua-nguoi-linh-tren-thuong-truong-10311042.html