Doanh nhân phải làm gì để được gỡ lệnh tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế?

Doanh nhân phải làm gì để được gỡ lệnh tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế?
10 giờ trướcBài gốc
Cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc.
Theo Tổng cục Thuế, gần đây nhiều cá nhân khi biết được thông tin về các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế của cơ quan thuế, nhất là các quy định về tạm hoãn xuất cảnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã tự giác nộp những khoản thuế nợ từ nhiều năm trước đó. Nhiều doanh nghiệp cũng tập trung thu xếp nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế nhằm được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
Nhờ đó, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng trong tổng số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng từ 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh, đó là chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do người nộp thuế chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh.
NHIỀU DOANH NHÂN ĐƯỢC GỠ LỆNH HOÃN XUẤT CẢNH
Dù việc thu nợ thuế từ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nợ thuế song cơ quan thuế nhận được không ít ý kiến trái chiều từ biện pháp cưỡng chế này. Các ý kiến phản ánh rằng chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế gặp khó khăn tài chính nhất thời.
Chia sẻ với phóng viên VnEconomy, lãnh đạo nhiều công ty tư vấn thuế trong và ngoài nước cho rằng với những doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh là điều cần thiết, bởi lo ngại lãnh đạo doanh nghiệp bỏ trốn ra nước ngoài để xù nợ thuế hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
Công ty rơi vào tình trạng vắng chủ, nhiều tài sản đã tẩu tán trong khi nhà xưởng, máy móc đã thế chấp tại ngân hàng khiến cơ quan thuế rất khó đòi nợ thuế của doanh nghiệp. Trường hợp này diễn ra khá phổ biến khi tính đến giữa tháng 8/2024, cơ quan thuế thống kê có 10.829 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 6.894 tỷ đồng.
Dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần điều chỉnh phù hợp hơn và có thêm cơ chế về việc cảnh báo với các cá nhân, doanh nghiệp đang nợ thuế.
Để được hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, lãnh đạo các công ty tư vấn thuế này cho rằng đầu tiên, doanh nghiệp phải tìm cách xoay xở, cân đối tài chính để nộp đủ tiền thuế đang nợ ngân sách nhà nước.
Chia sẻ gần đây, bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ quản lý nợ (Tổng cục Thuế), cho biết trường hợp người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc, kể từ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
"Cơ quan thuế cần có cần thời gian để kiểm tra lại chứng từ của người nộp thuế, sau đó mới ban hành thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh và chuyển cho cơ quan xuất nhập cảnh. Các đơn vị nợ thuế cần chủ động hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để không ảnh hưởng đến công việc và hoạt động kinh doanh của mình".
Bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ quản lý nợ (Tổng cục Thuế).
Bên cạnh đó, một biện pháp khác là doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận với cơ quan thuế với điều kiện có sự bảo lãnh của ngân hàng.
Ngay sau khi có văn bản bảo lãnh của ngân hàng, cục thuế địa phương sẽ thông báo bỏ biện pháp tạm dừng xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Vừa qua, Cục Thuế tỉnh Bình Định có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh với hàng loạt người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp.
Đơn cử, ông Hồ Huy, người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Mai Linh Bình Định; ông Lê Đức Phi, người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Ngân Thịnh; bà Nguyễn Thị Hồng Tiến, đại diện Công ty TNHH Xây dựng Tiến Long... được hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh do đã nộp đủ số thuế nợ theo quyết định.
Hay ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways cam kết trả nợ thuế theo lộ trình và được ngân hàng bảo lãnh nghĩa vụ trả dần nợ thuế hàng tháng. Cục Thuế tỉnh Bình Định ngay lập tức ban hành văn bản chính thức hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với lãnh đạo hãng hàng không này.
Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, cục thuế tỉnh và Bamboo Airways có buổi làm việc trực tiếp để tìm biện pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến nợ thuế, trên tinh thần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thành công đề án tái cấu trúc toàn diện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian Bamboo Airways thực hiện trả dần nợ thuế theo đúng cam kết, Cục Thuế tỉnh Bình Định không áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế khác, tạo điều kiện cho hãng ổn định hoạt động, tái cấu trúc thành công và phát triển hiệu quả.
NGÂN HÀNG NỘP THAY KHI DOANH NGHIỆP KHÔNG TRẢ NỢ THUẾ ĐÚNG HẠN
Về quy định nộp dần tiền thuế nợ, tại khoản 5 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 nêu rõ: “5... được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền thuế nợ được thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định số lần nộp dần và hồ sơ, thủ tục về nộp dần tiền thuế nợ.”
Về trình tự giải quyết hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, theo Điều 66 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021, người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị nộp dần tiền thuế nợ theo quy định gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ gồm: văn bản đề nghị theo mẫu số 01/NDAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này; thư bảo lãnh theo đúng quy định của pháp luật về bảo lãnh và bắt buộc phải có nội dung cam kết về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nộp thay cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không thực hiện đúng thời hạn nộp dần tiền thuế nợ; quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (nếu có)..."
Căn cứ các quy định nêu trên, để được nộp dần tiền thuế nợ, các doanh nghiệp nợ thuế phải lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
Trong đó phải có thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được xem xét xử lý nộp dần tiền thuế nợ theo đúng thẩm quyền quy định.
Trường hợp doanh nghiệp không hoàn thiện được hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ thì cơ quan thuế thực hiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ánh Tuyết
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/doanh-nhan-phai-lam-gi-de-duoc-go-lenh-tam-hoan-xuat-canh-vi-no-thue.htm