Doanh nhân tư nhân tiên phong áp dụng công nghệ mới, tạo động lực phát triển kinh tế

Doanh nhân tư nhân tiên phong áp dụng công nghệ mới, tạo động lực phát triển kinh tế
5 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại buổi gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chiều ngày 11/10, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho biết, sau 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đến nay chúng ta đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Bên cạnh vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.
“ Khu vực kinh tế tư nhân đã xuất hiện một số tập đoàn lớn, có tiềm lực mạnh, trình độ công nghệ, năng lực quản trị tiên tiến, có thương hiệu quốc gia và uy tín quốc tế, dũng cảm vươn ra cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”, ông Điều nói.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Theo đó, Việt Nam đang bước vào một thời kỳ đặc biệt với những thay đổi lớn lao về công nghệ. Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo không chỉ là xu thế mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.
“Chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng công nghệ, mà thực chất là một cuộc cách mạng toàn diện nhằm thay đổi thể chế để quan hệ sản xuất tiến kịp với lực lượng sản xuất số. Để thực hiện được điều này, không chỉ cần sự đồng hành từ phía Chính phủ, mà còn cần sự chủ động và sáng tạo từ cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nhân tư nhân là những người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế”, ông Chính nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã đưa ra 6 kiến nghị cụ thể gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các cấp lãnh đạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Đó là hỗ cần có các chính sách hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ nắm bắt cơ hội từ công nghệ mới; tập trung vào việc đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số và trí tuệ nhân tạo; đổi mới thể chế để phù hợp với nền kinh tế số.
Đồng thời, hỗ trợ tài chính và hợp tác công nghệ: Tăng cường tiếp cận vốn và hỗ trợ tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu; tin tưởng và giao trọng trách cho doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Hoài Anh
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/doanh-nhan-tu-nhan-tien-phong-ap-dung-cong-nghe-moi-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te/20241011101430813