“Mai” đang là phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam
Xô đổ nhiều kỷ lục
Mùa Tết 2023, khi Nhà bà Nữ đạt doanh thu hơn 459 tỷ đồng, không ít chuyên gia và cả các nhà làm phim đều đặt câu hỏi: Đến khi nào mới có một phim Việt phá vỡ kỷ lục? Nhưng, chỉ sau hơn một năm, không chỉ có 1 mà đến 2 phim đã xô đổ kỷ lục này một cách đầy ấn tượng.
Mùa Tết 2024, cũng chính Trấn Thành đã vượt qua bản thân khi phim Mai đạt mốc doanh thu hơn 551 tỷ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Sau đó không lâu, dịp lễ 30/4 và 1/5, Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải cũng soán ngôi Nhà bà Nữ để giữ vị trí số 2 với 482,7 tỷ đồng. Tính tổng doanh thu riêng hai bộ phim này đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Năm 2024 có thể xem là một năm được mùa trăm tỷ của điện ảnh Việt. Bởi liên tiếp sau đó, hàng loạt bộ phim đã báo tin thắng lớn. Tính riêng trong tháng 8, phòng vé Việt có thêm 2 bộ phim góp mặt vào "câu lạc bộ phim trăm tỷ", gồm: Làm giàu với ma (128 tỷ đồng), Ma da (hơn 127 tỷ đồng)...
Nếu tính mở rộng ra, phải kể đến trường hợp Quỷ cẩu dù ra mắt vào cuối năm 2023 nhưng doanh thu đa phần rơi vào năm 2024 với hơn 108 tỷ đồng. Hai tác phẩm Cám và Gặp lại chị bầu, dù doanh thu phòng vé trong nước chỉ hơn 90 tỷ đồng nhưng theo nhà sản xuất, cộng với doanh thu chiếu tại các thị trường nước ngoài và bán cho các nền tảng trực tuyến, 2 tác phẩm này đều vượt mốc doanh thu trăm tỷ.
Ngoài ra, không thể không kể đến một số bộ phim cũng đạt điểm từ hòa vốn đến có lời như: Cô dâu hào môn (73 tỷ đồng), Linh miêu: Quỷ nhập tràng (73 tỷ đồng, vẫn đang chiếu tại rạp).
Nếu nhìn bức tranh tổng thể của thị trường phòng vé Việt trong năm 2024 thì không thể không nhắc đến một ngoại lệ: Bộ phim Đào, phở và piano. Tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn đạt doanh thu gần 21 tỷ đồng và tạo nên "cơn sốt" trong mùa Tết vừa qua.
Đây được xem là một hiện tượng đầy thú vị, bởi đã rất lâu mới có một bộ phim được thực hiện hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước, thuộc đề tài lịch sử Cách mạng ra rạp và được khán giả đón nhận.
Thống kê của Box Office Vietnam, đơn vị quan sát và thống kê phòng vé độc lập, tính đến đầu tháng 12 năm nay, tổng doanh thu phòng vé phim Việt đạt 4.400 tỷ đồng, vượt con số từng lập đỉnh năm 2019 với hơn 4.100 tỷ đồng.
Ngoài các tựa phim Việt "ăn khách", phim ngoại cũng có nhiều tác phẩm cán mốc doanh thu trăm tỷ đồng như: Exhuma: Quật mộ trùng ma (212,1 tỷ đồng), Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu (147,5 tỷ đồng), Kungfu Panda 4 (136,4 tỷ đồng), Conan: Ngôi sao 5 cánh một triệu đô (119,3 tỷ đồng)…
Phim “Lật mặt 7” tiệm cận doanh thu gần 500 tỷ đồng
Chưa hết âu lo
Tính đến hết tháng 11, đã có 25 phim Việt ra mắt trong năm 2024. Cộng với 3 phim lên kế hoạch phát hành vào tháng 12 là: Công tử Bạc Liêu, Chị dâu, Kính vạn hoa, toàn thị trường có chưa đầy 30 phim trình làng khán giả. Con số này tương đương với năm 2023 nhưng chỉ bằng khoảng 2/3 so với năm 2019.
Bên cạnh những thành công chung của thị trường như kể trên, Điện ảnh Việt vẫn đang ở giai đoạn bấp bênh.
"Chúng ta không thể thấy 1-2 bộ phim được vài trăm tỷ đồng mà lại tưởng là toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng. Thực tế, hầu hết các bộ phim đều đang lỗ ròng", ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vừa qua.
Thực tế, hơn một nửa số phim ra mắt trong năm nay rơi vào cảnh thất thu phòng vé, thậm chí doanh thu chạm đáy. Cá biệt, có không ít phim doanh thu còn chưa đến 1 tỷ đồng như: Domino - Lối thoát cuối cùng (gần 600 triệu đồng), Đóa hoa mong manh (hơn 400 triệu đồng) hay thấp kỷ lục như Biệt đội hotgirl, chỉ thu về hơn 67 triệu đồng.
Điều đáng tiếc, không ít bộ phim được đầu tư lớn, đề tài mới mẻ, chất lượng khá ổn so với mặt bằng chung của thị trường như Móng vuốt hay Sáng đèn cũng chỉ dừng ở mức doanh thu 3-4 tỷ đồng.
Ngay cả với một bộ phim doanh thu thấp đã được dự báo từ trước như Cu li không bao giờ khóc nhưng con số chưa đạt 1 tỷ đồng vẫn khiến giới làm nghề chạnh lòng. Thị trường tiếp tục cho thấy biên độ dao động về doanh thu, tức là khoảng cách lỗ - lãi đang rất lớn.
Những sự thất bại này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của các đơn vị sản xuất, phát hành thời gian tới trong bối cảnh việc kêu gọi kinh phí cho các dự án ngày càng nhiều thách thức.
Không ít nhà làm phim thừa nhận, trong bối cảnh hiện tại, hòa vốn cũng đã có thể coi là một thành công với phim Việt. Lý do là bởi kinh phí sản xuất phim đang ngày càng bị đội lên.
Dù không nhiều nhà sản xuất tiết lộ con số kinh phí cụ thể nhưng riêng trong năm 2024, nhìn vào quy mô dự án, mức độ đầu tư cho các khâu từ bối cảnh, phục trang, kỹ xảo… hay thời gian quay phim liên tục bị thay đổi, kéo dài sẽ thấy không ít phim được đầu tư 30-40 tỷ đồng, thậm chí cao hơn.
Đạo diễn Charlie Nguyễn từng chia sẻ, để đạt điểm hòa vốn, phải lấy kinh phí nhân với 2,5 lần, tức là phim đầu tư 20 tỷ đồng, doanh thu phải đạt 50 tỷ đồng mới không lỗ. Trong khi đó, hiện nay kinh phí 1 triệu USD (khoảng 25 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí marketing) là con số kinh phí sản xuất trung bình với một bộ phim Việt.
Quốc hội vừa thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó mức thuế suất đối với dịch vụ điện ảnh tăng từ 5% lên 10% sẽ khiến gánh nặng toàn ngành, từ các đơn vị sản xuất cho đến phát hành và kinh doanh rạp chiếu càng nặng nề”.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS
Do đó, mức doanh thu hơn 44 tỷ đồng của Ngày xưa có một chuyện tình, hơn 40 tỷ đồng của Hai muối hay hơn 26 tỷ đồng của Cái giá của hạnh phúc chỉ góp phần làm giảm bớt thiệt hại cho các nhà đầu tư, sản xuất. Huống hồ với các phim chỉ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, nghĩa là nhà đầu tư, sản xuất phim gần như mất trắng.
Một khía cạnh khác, tổng doanh thu phòng vé đã vượt năm 2019 nhưng theo các đơn vị kinh doanh rạp chiếu, thị trường chưa hoàn toàn hồi phục như thời điểm trước dịch Covid-19. Ngoài những khó khăn hiện hữu liên quan đến chi phí thuê mặt bằng, điện, nước… những sự thay đổi thói quen trong việc hưởng thụ và sử dụng dịch vụ điện ảnh của khán giả đang tác động không nhỏ.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, cho rằng kinh doanh ở lĩnh vực văn hóa có rất nhiều đặc thù, thách thức và tính rủi ro cao. Hiện nay, để lôi kéo và tạo thói quen cho khán giả đến rạp là điều không đơn giản.
Minh Khôi