Doanh thu SMS, thoại trên thế giới còn 8-10%, MobiFone vẫn 35% nên phải tìm cái mới để làm

Doanh thu SMS, thoại trên thế giới còn 8-10%, MobiFone vẫn 35% nên phải tìm cái mới để làm
4 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Tổng Công ty Viễn thông MobiFone - Ảnh: Mic.
Nhiều gợi mở giải pháp, đường hướng giúp MobiFone tìm ra hướng đi, mở rộng không gian phát triển trong bối cảnh các dịch vụ truyền thống như thoại, SMS đang ngày càng giảm sút về doanh thu và dịch vụ đã được chia sẻ tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mới đây. Cùng dự sự kiện còn có Thứ trưởng Phạm Đức Long, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, đại diện một số Cục Vụ liên quan của Bộ, theo nguồn tin từ Mic.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, theo số liệu thống kê của các nhà mạng trên thế giới, doanh thu từ SMS, thoại chỉ còn khoảng 8-10%, trong khi mảng dịch vụ này vẫn chiếm đến 35% trong tổng doanh thu của MobiFone. Do đó, đã đến lúc MobiFone phải đi tìm cái mới để làm, phải đổi mới sáng tạo, không thể phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ truyền thống.
Cơ quan quản lý nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không thể ban hành các chính sách ngăn cản sự phát triển của công nghệ, của các dịch vụ OTT. Nghị quyết về Chuyển đổi số của Chính phủ nói rõ: Những nhiệm vụ lớn, những dự án lớn, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu những công nghệ cốt lõi thì cần giao cho những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc của Bộ với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt MobiFone - Ảnh: Mic.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý MobiFone muốn phát triển, muốn tìm hướng đi cho mình thì hãy mạnh dạn, hãy xung phong nhận những việc không doanh nghiệp nào làm được chẳng hạn như: xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức Việt Nam, trợ lý ảo hỗ trợ tư pháp cho công dân Việt Nam. Nếu MobiFone dám nhận, Bộ sẽ giao ngay. Bộ sẽ đồng hành cùng MobiFone, hỗ trợ các cơ chế.
Hay một ví dụ nữa là TP.HCM, hiện nay bài toán khó chưa có lời giải là chống ngập, chống lụt trong quy hoạch thành phố và thành phố sẵn sàng đầu tư lớn nhằm giải quyết vấn đề này, tại sao MobiFone đứng ra nhận việc này, sử dụng giải pháp số, công nghệ số để giúp thành phố giải quyết. “Những dự án lớn như thế này thì vượt ngoài khả năng của những doanh nghiệp nhỏ vài ba chục người, đây chính là thế mạnh của những doanh nghiệp lớn như MobiFone”, bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ kinh nghiệm của nước Nga trong việc giao những dự án công nghệ lớn cho những doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp công nghệ, như một phần trả lời những băn khoăn của lãnh đạo MobiFone về việc tiềm lực công nghệ của MobiFone kém mà giờ đi làm những việc về công nghệ thì làm thế nào.
MobiFone cần phải hành động ngay lập tức để tìm kiếm các hướng đi mới, tìm không gian phát triển mới. Đã đến lúc quyết và làm nhanh. Trong thời điểm khó khăn, bất kỳ giải pháp nào cũng có thể là cơ hội phát triển, hãy tìm lối đi, tìm lối đi từ chính điểm yếu của mình, hãy biến điểm yếu trở thành điểm mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo Bộ trưởng Hùng, chính phủ Nga hiện đang giao cho các ngân hàng nghiên cứu AI, vì ngân hàng là lĩnh vực phải ứng dụng AI mới có thể tồn tại trong thế giới đang phát triển công nghệ mạnh mẽ, thứ hai là vì ngân hàng có nguồn vốn lớn, sẵn sàng đầu tư cho công nghệ. Ngoài ra, Nga còn giao cho các công ty điện nghiên cứu về công nghệ tính toán lượng tử (quantum computing).
Ở Việt Nam, ông Hùng tiếp tục dẫn chứng, một điển hình là Tập đoàn Vin Group vốn không phải là một doanh nghiệp công nghệ nhưng hiện nay đang làm xe điện, đang đầu tư nhiều cho lĩnh vực công nghệ. Điều đó cho thấy, không phải cứ doanh nghiệp công nghệ mới làm được công nghệ. Những doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ lại chính là những doanh nghiệp phi công nghệ. Đó chính là trường hợp của Amazon, lĩnh vực kinh doanh chính là bán sách, nhưng nay là một ông lớn trong lĩnh vực đám mây.
Elon Musk – ông chủ của Tesla, SpaceX vốn xuất thân là một lập trình viên nay lấn sân sang vệ tinh, pin mặt trời, xe điện… cũng là một trường hợp tương tự.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sức mạnh của MobiFone không phải nằm ở công nghệ mà là có dám nhận việc hay không, dám chấp nhận thách thức, dám dấn thân hay không.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh để tìm đường thoát ra khỏi khó khăn hiện nay, MobiFone cần thay đổi tư duy, dũng cảm thử nghiệm những hướng đi mới, đặc biệt là những lĩnh vực chưa ai dám làm, hãy biến sự trì trệ của mình trở thành điểm mạnh.
Bộ trưởng đưa ra ví dụ về Nokia, công ty đã chuyển đổi mạnh mẽ với ngành kinh doanh ban đầu chỉ là cung cấp thiết bị di động và cố định thì nay doanh thu chủ yếu đến từ mảng Monetisation, tức là giúp đỡ, hỗ trợ các nhà mạng viễn thông tìm ra dòng tiền mới, nguồn doanh thu mới.
Lãnh đạo MobiFone chia sẻ tại buổi làm việc - Ảnh: Mic.
Nokia đã cải tiến thiết bị, hệ thống của mình, cho phép nhà mạng coding (lập trình) trên đó, phát triển các công cụ cho phép nhà mạng tạo ra dịch vụ mới, mở mạng cho các doanh nghiệp khác phát triển dịch vụ. Như vậy, Nokia đã mở rộng không gian phát triển cho mình bằng cách tập trung vào việc tạo ra các công cụ giúp các nhà mạng khác phát triển dịch vụ mới.
Hay mô hình của thủ đô Helsinki (Phần Lan) mà MobiFone cũng có thể học hỏi, theo Bộ trưởng. Thủ đô Helsinki luôn nằm ở vị trí số một trong các bảng xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo, về chính phủ số, chính phủ điện tử. Bí quyết thành công của Helsinki chính là tư duy của chính quyền thủ đô, biến Helsinki trở thành một "testbed" cho các giải pháp công nghệ sáng tạo.
“MobiFone có thể áp dụng mô hình này tại Việt Nam, biến mình trở thành một "testbed" cho các công nghệ mới, mở cửa hợp tác với các đối tác để thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông nói và cho rằng nếu muốn tự mình sáng tạo thì phải thật xuất sắc sáng tạo. Nếu không hãy ngồi im, tạo điều kiện cho người khác sáng tạo trên lưng mình, trên mạng lưới của mình.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Phạm Đức Long thúc giục MobiFone nhanh chóng triển khai 5G, bởi đây không chỉ là câu chuyện về công nghệ, mà là câu chuyện thương hiệu, câu chuyện cạnh tranh, chậm trễ có thể mất cơ hội trên thị trường vào tay đối thủ cạnh tranh. Theo Thứ trưởng Long, hiện nay, 5G, IOC… là xu thế công nghệ, là con đường phải đi. Nếu cứ đem ra bàn thì chỉ có bàn lùi. Hãy mạnh mẽ quyết định, dấn thân mà đi thì mới thấy đường, mới tìm ra cơ hội phát triển cho mình. VNPT, Viettel cũng đã làm như vậy và tìm ra đường đi cho mình.
Trước các gợi mở và chia sẻ của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty MobiFone, cho biết trong thời gian tới, MobiFone sẽ tập trung đổi mới, bứt phá, phải đi và tìm những công việc độc đáo tạo ra doanh thu mới. Ban lãnh đạo MobiFone sẽ nỗ lực hết mình để đưa MobiFone vượt qua khó khăn, tìm ra hướng đi mới, mô hình mới, phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Hà Giang
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/doanh-thu-sms-thoai-tren-the-gioi-con-8-10-mobifone-van-35-nen-phai-tim-cai-moi-de-lam.htm