GS, TS. Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì diễn đàn. Ảnh: N.Lộc
Theo đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và đưa ra các chủ trương, định hướng để thúc đẩy lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Đáng chú ý là: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045… đều khẳng định: Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Xác định vai trò quan trọng của du lịch nông nghiệp, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch giàu tiềm năng này.
Trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng, vai trò của cán bộ khuyến nông là phải làm sao để người nông dân thực sự trở thành chủ thể của nông nghiệp; giúp người nông dân hiểu rõ quy trình, cách làm du lịch nông nghiệp
GS,TS. Lê Quốc Thanh
Thực tế phát triển trong những năm qua cho thấy, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Các giá trị đa dạng trong nguồn tài nguyên nông nghiệp bao gồm trang trại, cảnh quan nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp đã được khai thác tích cực kết hợp với các giá trị văn hóa và bản thân cộng đồng trong du lịch đã mở ra những hướng đi mới trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch đồng thời mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.
Theo nghiên cứu năm 2023 của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, hầu hết địa phương trong cả nước đều rất quan tâm đến phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt là mô hình farmstay. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế đặc thù, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch này. Do đó, ở những địa phương này đã hình thành một số cơ sở kinh doanh farmstay rất thành công, thu hút lượng khách lớn, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: N.Lộc
Từ số liệu thống kê của các địa phương cho thấy, hoạt động du lịch tại các farm và farmstay khá hấp dẫn khách du lịch, những địa phương chỉ có 1- 2 farmstay nhưng cũng thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm.
Điển hình như Lâm Đồng là một trong những địa phương thu hút khách đến các farm và farmstay lớn với hơn 6 triệu lượt khách mỗi năm. Đây cũng là địa phương nổi tiếng với các trang trại, trang trại đặc biệt gắn với các cánh đồng hoa và nông nghiệp hữu cơ; nhờ đó doanh thu từ du lịch tại các farm, farmstay tại Lâm Đồng đạt hơn 250 tỷ đồng/năm.
Theo các đại biểu, trải nghiệm du lịch nông nghiệp cũng có nhiều hình thức khác nhau vì sự phát triển của hoạt động này phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nông nghiệp của trang trại, cảnh quan văn hóa và thiên nhiên của các cộng đồng xung quanh. Từ định hướng phát triển, việc triển khai hoạt động du lịch nông nghiệp trong thực tế ở Việt Nam thường có sự lồng ghép đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức.
Do đó, các đại biểu cho rằng, cần phải huy động nông dân vào cuộc, từ đó phát huy tính chủ động, làm chủ nông nghiệp.
Để làm được điều này đòi hỏi vai trò, trách nhiệm ngày càng lớn của người làm công tác khuyến nông trong việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, bởi người nông dân làm theo thói quen, chưa có nhiều kiến thức, chưa được tiếp cận các mô hình, cách làm mới và nhanh nhạy như cán bộ khuyến nông, do họ không được đào tạo bài bản.
Đại diện farmstay chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: N.Lộc
”Cán bộ khuyến nông sẽ phải thay đổi ra sao, để đảm đương tốt vai trò mới, đó là hỗ trợ người nông dân phát triển du lịch nông nghiệp” - GS, TS. Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đặt câu hỏi.
Theo GS,TS. Lê Quốc Thanh, muốn làm tốt vai trò hỗ trợ, nói để người dân tin và làm theo, thì cán bộ khuyến nông phải tự đổi mới, tự trang bị cho mình những kiến thức về làm du lịch nông nghiệp.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần tích cực đổi mới nội dung và phương pháp để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp trong tình hình mới. Nội dung hoạt động khuyến nông cần cụ thể, thường xuyên cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ, các kinh nghiệm, điển hình tiên tiến, bám sát nhu cầu của nông dân và thực tiễn từng địa phương.
Bên cạnh công tác phổ biến, chuyển giao khoa học, công nghệ, hoạt động khuyến nông cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nông trại, kiến thức kinh doanh du lịch, cung cấp thông tin, tăng cường kết nối các đối tác trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản để giúp nông dân chủ động tham gia vào thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao giá trị sử dụng đất.
Trước những khó khăn, thách thức du lịch nông nghiệp gặp phải đòi hỏi các ngành chức năng phải phối hợp giải quyết. Trong đó, với vai trò hỗ trợ nông dân, ngành khuyến nông cần tập trung trao đổi, đồng hành, hướng dẫn người dân tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đặt ra.
N.LỘC