Đọc bài văn có chủ đề 'Lý tưởng của tôi' mà con gái viết, người mẹ 'chết lặng' vì mình xuất hiện trong đó với hình ảnh tiêu cực

Đọc bài văn có chủ đề 'Lý tưởng của tôi' mà con gái viết, người mẹ 'chết lặng' vì mình xuất hiện trong đó với hình ảnh tiêu cực
một ngày trướcBài gốc
Một chuyên gia tâm lý kể: Mới đây, chị nhận được tin nhắn riêng của một phụ huynh. Câu đầu tiên của cô là: "Nếu sinh thêm con, nhất định tôi sẽ không giáo dục nó như vậy". Kết quả thế nào khiến người mẹ này đau lòng đến vậy?
Thì ra, phụ huynh này là một người cầu toàn và rất nghiêm khắc với con gái.
Cô bé năm nay 14 tuổi, đang học cấp 2, cuối tuần cháu cùng mẹ đi dạo phố gặp cô giáo dạy Toán trên đường, liền nói: "Con chào cô giáo". Sau đó, họ bước hai hướng riêng.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian mua sắm sau đó, cô bé luôn bị mẹ phàn nàn chuyện không biết giao tiếp: "EQ của con quá thấp, con chỉ chào hỏi như thế và sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Thảo nào cô giáo không thích con".
Bà mẹ cho rằng đáng lẽ ra con mình phải biết gợi chuyện hỏi han thay vì chào xong rồi thôi.
Cách ứng xử của người mẹ khiến cô con gái bị áp lực, sau đó gặp một giáo viên ở trường, liền sợ đến mức quay lưng bỏ đi, không biết phải nói gì.
Bạn cùng lớp gửi tặng cô bé này một chiếc kẹp tóc nhỏ, bà mẹ liền yêu cầu: Hãy trả lại cho bạn nhanh và đừng lợi dụng người khác.
Sau giờ học, cô bé đứng nói vài chuyện với bạn nam cùng lớp trong khi đợi mẹ đến đón.
Tối hôm đó, em bị mẹ giáo huấn đến nửa đêm. Kể từ đó trở đi, khi nhìn thấy các nam sinh, em tránh xa và không muốn giao tiếp với họ.
Một lần nọ, bà mẹ nhìn thấy bài văn của con gái mình có chủ đề là "Lý tưởng của tôi". Lý tưởng của con gái chị là có thể xa nhà và đi học đại học để khỏi nghe sự cằn nhằn của mẹ.
Đứa con gái được mẹ chăm sóc từ khi còn nhỏ lại rất ghét mẹ. Chính sự quan tâm, chăm chút tỉ mỉ của người mẹ đã khiến em cảm thấy ngột ngạt ngay trong gia đình.
Chính sự quan tâm, chăm chút tỉ mỉ của người mẹ đã khiến em cảm thấy ngột ngạt ngay trong gia đình. Ảnh minh họa
Với nhiều bậc cha mẹ, nhất cử nhất động của con đều chịu sự "giám sát". Họ thường xuyên áp đặt, phàn nàn những chuyện nhỏ nhặt.
Có thể nói, ở một mức độ nào đó, sự bao bọc của cha mẹ là điều nên có, nhằm đảm bảo hành vi của con không vi phạm về mặt đạo đức và pháp luật.
Tuy nhiên, khi sự bao bọc trở nên thái quá, các bậc cha mẹ sẽ trở thành "cha mẹ trực thăng" (cách gọi những ông bố bà mẹ chăm con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình).
Kiểu cha mẹ khiến con ngột ngạt trong tình yêu thương
"Mẹ luôn xem mình là đứa bé mẫu giáo, tiểu học. Chỉ cần nghe tiếng ho của mình ở tầng trệt, thì dù mẹ đang trên sân thượng, cũng phi xuống với tốc độ tên lửa để hỏi han. Dù có giải thích mình không sao cả, thì mẹ cũng không tin, mẹ sẽ bắt đi khám, uống một đống thuốc, bắt mặc ấm… Mẹ sẽ ca bài ca con phải giữ sức khỏe và bần thần lo lắng cả ngày".
Chia sẻ trên có vẻ rất quen với mọi cậu bé, cô bé tuổi teen và cũng quen với mọi gia đình Việt Nam.
Đây cũng là hình mẫu tiêu biểu để một nhà tâm lý Mỹ - tiến sĩ Haim Ginott - đưa ra khái niệm cha mẹ trực thăng (helicopter parents).
Từ những câu chuyện của khách hàng là trẻ teen, nhiều nhà tâm lý cho biết cha mẹ trực thăng là hình mẫu cha mẹ yêu thương con một cách ngột ngạt, khiến lũ trẻ nói chúng "muốn bệnh".
Họ như chiếc máy bay trực thăng luôn lượn vè vè ngay trên đầu đứa con, sẵn sàng cứu hộ, sẵn sàng đáp xuống dù "khổ chủ" không hề yêu cầu.
Trẻ tuổi teen đủ nhận thức để thừa hiểu cha mẹ chỉ muốn điều tốt cho chúng. Nhưng thứ yêu thương này khi dư thừa có thể làm chúng… ngộ độc.
Và đúng với tâm lý của lứa tuổi, chúng chỉ muốn giãy ra, bung ra để được lớn lên, thành một người trưởng thành, một cá thể độc lập.
Mâu thuẫn cha mẹ và con cái xuất hiện từ đây. Phía kia muốn mãi mãi ôm ấp, bảo bọc con trong vòng tay, phía này muốn thoát ra, lùi xa, tạo khoảng cách.
Nhiều nhà tâm lý cho biết cha mẹ trực thăng là hình mẫu cha mẹ yêu thương con một cách ngột ngạt, khiến lũ trẻ nói chúng "muốn bệnh". Ảnh minh họa
Việc nuôi dạy con kiểu "trực thăng" có thể đến từ nhiều lý do, nhưng những nguyên nhân phổ biến như: Sợ con phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, cảm giác lo lắng, áp lực từ những cha mẹ hình mẫu khác...
Nhiều "cha mẹ trực thăng" bắt đầu phương pháp giáo dục con cái này với ý định chỉ nhằm giúp con cái phát triển.
Sự tham gia của cha mẹ vào đời sống của con đem lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như: cảm giác được yêu thương và chấp nhận, tăng sự tự tin cho trẻ....
Tuy nhiên, vấn đề là một khi việc nuôi dạy con cái bị chi phối bởi nỗi sợ hãi và các quyết định dựa trên những gì có thể xảy ra, thật khó để ghi nhớ tất cả những điều trẻ học được khi cha mẹ không hướng dẫn chúng từng bước.
Điều đó khiến cha mẹ thất bại trong việc dạy trẻ những kỹ năng mới và quan trọng nhất là giáo dục trẻ rằng chúng hoàn toàn có thể đối mặt với thử thách.
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Wendy Mogel, tác giả của nhiều cuốn sách về làm cha mẹ xác nhận, nhiều khách hàng của bà nay đã là người trưởng thành thường gặp các vấn đề về tâm lý và vẫn còn loanh quanh tìm hiểu bản thân vì có "bố mẹ trực thăng".
Họ được bảo bọc quá kỹ đến mức chẳng còn khả năng đương đầu với khó khăn hay chấp nhận thất bại, đối diện với thực tế.
Hơn nữa, khi cha mẹ dành quá nhiều thời gian chăm bẵm và quan tâm con cái thường khiến quan hệ vợ chồng bị rạn nứt, các hoạt động xã hội mờ nhạt dần và chính bản thân họ cũng không có thời gian để thư giãn hay nghỉ ngơi.
Nghiên cứu của Ellen Sandseter - một giáo sư về giáo dục mầm non tại trường Đại học Queen Maud ở Trondheim (Na Uy) đã phát hiện rằng những đứa trẻ dành nhiều thời gian khám phá về thế giới xung quanh trước khi lên 9 tuổi ít bị lo lắng và hồi hộp khi xa cách người thân.
Điều này cho thấy những vết thương nhỏ và thất bại của trẻ trong quãng đầu đời giúp ích nhiều cho sự tự tin và phát triển tâm lý của chúng sau này.
Những thất bại, vấp ngã dạy cho trẻ biết được đâu là giới hạn của mình, làm thế nào để xử lý những tình huống đáng sợ đó, học cách kiểm soát rủi ro và nỗi sợ hãi của chính mình. "Việc chúng ta lo lắng thái quá có thể làm chúng sợ hãi hơn và tăng tỉ lệ mắc bệnh về tâm lý", bà viết.
Cha mẹ bao bọc quá mức có thể tạo ra một đứa trẻ không sẵn sàng để đối phó với những biến cố trong cuộc sống theo cách của chúng. Ảnh minh họa
Làm thế nào để tránh nuôi dạy con cái kiểu "trực thăng"?
Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể chăm sóc con cái mà không cản trở khả năng học các kỹ năng sống thiết yếu của trẻ?
Tiến sĩ Gilboa đưa ra lời khuyên: "Nuôi dạy con cái là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trên đời. Bây giờ chúng ta cần để mắt đến những yếu tố gây căng thẳng, điểm mạnh và cảm xúc của con cái thay vì sự bảo bọc quá mức".
Về mặt thực tế, điều này có nghĩa là để trẻ gặp khó khăn, cha mẹ hãy cho phép chúng thất vọng và đồng thời giúp chúng vượt qua thất bại.
Hãy để cho con làm những công việc mà chúng có khả năng về cả thể chất lẫn tinh thần.
Tiến sĩ Gilboa nói, cha mẹ nên tìm kiếm cơ hội để lùi lại một bước trong việc giải quyết các vấn đề của con mình. Từ đó trẻ sẽ trở nên kiên cường, tự tin.
Tựu chung lại, cha mẹ nên khuyến khích con mình tự giải quyết các vấn đề thay vì giải quyết và đưa ra quyết định hộ chúng.
Hơn thế nữa, việc kiểm soát mọi hành vi cử chỉ của con là không cần thiết. Hãy để con bước đi trên con đường của mình và cảm nhận mọi nỗi đau sau mỗi lần vấp ngã, từ đó chúng có thể tự nhận ra những bài học quý giá.
Tường Vy (t/h)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/doc-bai-van-co-chu-de-ly-tuong-cua-toi-ma-con-gai-viet-nguoi-me-chet-lang-vi-minh-xuat-hien-trong-do-voi-hinh-anh-tieu-cuc-172250219112033959.htm