Vào ban đêm, công trình đập dâng Phú Phong đồng thời cũng là chiếc cầu nối hai bờ giữa xã Bình Hòa và thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) đã trở thành tâm điểm chú ý khi khoác trên mình bộ áo lung linh, rực rỡ.
Điểm đặc biệt nhất ở đập dâng Phú Phong và cũng là biểu tượng cho sự phát triển trù phú của ngành nông nghiệp địa phương này là hình ảnh 10 chiếc lá, được thiết kế xây dựng độc đáo và ý nghĩa.
Những chiếc lá tựa lá trầu gợi nhớ tới bến Trường Trầu, là một di tích lịch sử thời Tây Sơn nằm phía thượng lưu đập dâng Phú Phong.
Về đêm, công trình đẹp lung linh và sáng bừng.
Đập dâng Phú Phong được phủ ánh sáng từ chân lên đến đỉnh theo nhiều kịch bản chiếu sáng khác nhau.
Ấn tượng nhất vẫn là các mái nhà bảo vệ hệ thống máy vận hành được thiết kế theo ý tưởng chiếc lá, trải dài khắp thân đập.
Công trình đập dâng Phú Phong được khởi công tháng 2/2022 và đưa vào sử dụng vào thời điểm cuối năm 2024 vừa qua với tổng chiều dài 590m, tổng vốn đầu tư hơn 750 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư.
Đập dâng gồm 20 cửa xả sâu giữa sông mỗi cửa rộng 15m bằng thép, đáy cửa ở cao trình 14m ngang với đáy sông, vận hành bằng hệ thống điện, các cửa xả sâu chỉ vận hành vào mùa mưa để xả lũ; phần đập tràn tự do 2 bên dạng tràn Labyrinth với tổng chiều rộng 237m, cao trình ngưỡng tràn 18m.
Công trình đập dâng Phú Phong phục vụ nước tưới thường xuyên cho hơn 500ha đất sản xuất tại các xã phía Nam của huyện Tây Sơn.
Ngoài ra, công trình đập dâng Phú Phong kết hợp cầu giao thông rộng 10m, gồm 29 nhịp, đập là một trong những tuyến giao thông kết nối quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội khi rút ngắn 15 phút thời gian đi lại và giao thương của các địa phương.
Hiện tại, đập dâng Phú Phong đang tạo ra một cảnh quan môi trường mới trong lõi đô thị của Tây Sơn đồng thời cũng cho hy vọng sức bật về sự phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới.