Độc đáo bộ sưu tập 'Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản' lấy cảm hứng từ Bảo vật Quốc gia

Độc đáo bộ sưu tập 'Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản' lấy cảm hứng từ Bảo vật Quốc gia
3 giờ trướcBài gốc
Thiết kế "Vườn đêm" - cảm hứng từ tác phẩm "Bình phong" của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Sự kiện giới thiệu tới công chúng những thiết kế thời trang lụa độc đáo, lấy cảm hứng từ 9 Bảo vật Quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Đại diện thương hiệu lụa DeSilk cho biết, bộ sưu tập đặc biệt này tôn vinh giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật Việt Nam qua từng mẫu thiết kế lụa độc đáo. Đây không chỉ là một bộ sưu tập thiết kế lụa cao cấp mà còn là một hành trình nghệ thuật, một sự kết nối từ quá khứ tới hiện tại, mang lại trải nghiệm mới mẻ, một dấu ấn mới trong nghệ thuật thời trang và văn hóa Việt Nam, bởi sự kết hợp giữa tinh thần nghệ thuật từ các Bảo vật Quốc gia và những sáng tạo đương đại.
Thiết kế "Thiên thần" - cảm hứng từ tác phẩm "Em Thúy" của danh họa Trần Văn Cẩn.
Giám đốc nghệ thuật DeSilk Minh Phạm chia sẻ: “Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập là sự tôn vinh đối với những kiệt tác nghệ thuật vô giá của dân tộc. Chúng tôi đã chuyển hóa tinh thần của các Bảo vật thành những thiết kế đương đại trên nền lụa, tạo nên sự gắn kết mạnh mẽ giữa nghệ thuật trong quá khứ và ngôn ngữ thị giác hiện đại”.
Có thể kể đến một số thiết kế đặc sắc như bộ sưu tập “Huyền thoại”, lấy cảm hứng từ Bảo vật Quốc gia - tác phẩm sơn mài “Gióng” của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. Hình ảnh Thánh Gióng - vị anh hùng trong truyền thuyết vươn mình trở thành chiến binh khổng lồ bảo vệ quê hương - được tái hiện tinh tế trong thiết kế “Huyền thoại”. Với phong cách lập thể pha trộn với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Tư Nghiêm, kết nối với di sản Đông Sơn qua các họa tiết và vòng tròn đồng tâm. Hình ảnh Thánh Gióng mạnh mẽ, sống động được tái hiện qua các mảng màu đỏ, cam và xám bạc, với nền đỏ rực, biểu tượng cho sự uy nghi của người anh hùng dân tộc.
Tác phẩm “Tuổi Xuân” - lấy cảm hứng từ bức tranh sơn dầu “Hai thiếu nữ và em bé” của danh họa Tô Ngọc Vân.
Thiết kế “Song long chầu nhật” lấy cảm hứng từ cánh cửa gỗ chạm rồng (Chùa Keo, Thái Bình), một kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ 17 được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là lời tri ân đến giá trị biểu tượng và kỹ nghệ điêu khắc bậc thầy của nghệ nhân xưa. Trong thiết kế, hình ảnh hai con rồng đối xứng, thân hình uốn lượn chầu về phía mặt trời, biểu tượng của sự sống, năng lượng và sự sinh sôi. Mặt trời được cách điệu với các xoáy tròn và tia sáng, gợi lên hình ảnh lá bồ đề, giữ trọn tinh thần tâm linh và phong cách trừu tượng đương đại. Những đường nét sống động mô phỏng thân rồng và các đám mây lửa, tạo nên chiều sâu đa tầng, như một lời mời khám phá di sản truyền thống qua lăng kính đổi mới.
Tác phẩm thiết kế "Huyền thoại" - lấy cảm hứng từ tác phẩm sơn mài “Gióng” của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm.
Lấy cảm hứng từ bức tranh sơn dầu “Hai thiếu nữ và em bé” của danh họa Tô Ngọc Vân, tác phẩm “Tuổi Xuân” trong bộ sưu tập là một chuyển hóa hiện đại, mang đến cái nhìn độc đáo về vẻ đẹp tự nhiên và sự hài hòa trong thế giới xung quanh.
Trong khi đó, tác phẩm “Đoàn kết” được lấy cảm hứng từ bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của họa sỹ Nguyễn Sáng lại là một hành trình nghệ thuật độc đáo, không chỉ biến đổi về mặt thị giác mà còn là chuyến du hành từ hiện thực lịch sử đến sự trừu tượng biểu tượng. Từ một khoảnh khắc hào hùng trong lịch sử Việt Nam, tác phẩm đã chuyển hóa thành một biểu tượng vượt thời gian của sự đoàn kết, kiên cường và tinh thần cách mạng...
Thiết kế "Đoàn kết" lấy cảm hứng từ tác phẩm "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của họa sỹ Nguyễn Sáng.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh: Bộ sưu tập ra mắt vào dịp rất ý nghĩa - tháng hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
Ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ, lúc mới nghe ý tưởng, ông rất băn khoăn, bởi việc đưa một tác phẩm nghệ thuật là Bảo vật Quốc gia của Bảo tàng lên một sản phẩm lụa trong mỹ thuật ứng dụng rất khó để hình dung. Tuy nhiên, trong bộ sưu tập này đã có một sự khác biệt rõ rệt. Bởi nhà thiết kế không đưa tác phẩm vào ứng dụng một cách thụ động, đơn thuần, mà các ý tưởng, màu sắc và câu chuyện được nhà thiết kế kể chuyện trong sản phẩm rất khác biệt và đặc biệt ấn tượng.
Thiết kế “Song long chầu nhật” lấy cảm hứng từ cánh cửa gỗ chạm rồng (Chùa Keo, Thái Bình), một kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ 17 được công nhận là Bảo vật quốc gia.
“Có thể nói, việc kết hợp giữa Bảo vật Quốc gia cùng với lụa là sự kết hợp mang giá trị mới, đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng. Đây cũng là mục tiêu của Bảo tàng trong việc truyền thông, đẩy mạnh quảng bá, lan tỏa tình yêu nghệ thuật đối với công chúng và đưa các Bảo vật Quốc gia đến gần hơn với công chúng qua các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng”, ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Phương Lan (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/van-hoa/doc-dao-bo-suu-tap-khoi-day-tinh-hoa-noi-dai-di-san-lay-cam-hung-tu-bao-vat-quoc-gia-20241115213225827.htm