Độc đáo cách người Ai Cập cổ đại tính thời gian trong ngày

Độc đáo cách người Ai Cập cổ đại tính thời gian trong ngày
4 giờ trướcBài gốc
Một trong những loại chữ cổ xưa nhất là chữ tượng hình Ai Cập cung cấp thông tin về nguồn gốc của giờ. Văn bản Kim tự tháp, được viết trước năm 2400 trước Công nguyên, là những bản ghi chép đầu tiên về thời gian của người Ai Cập cổ đại.
Trong văn bản cổ xưa này có từ wnwt (phát âm gần đúng là "wenut"), và chữ tượng hình gắn liền với từ này là một ngôi sao. Dựa vào đó, các chuyên gia suy luận rằng, wnwt liên quan đến ban đêm. wnwt ngày nay được các chuyên gia dịch là "giờ". Trong cuộc khai quật tại thành phố Asyut, họ phát hiện mặt trong của nắp quan tài gỗ hình chữ nhật có niên đại vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên được trang trí với bảng thiên văn.
Chiếc bảng chứa các cột thể hiện những quãng thời gian 10 ngày trong một năm. Lịch Ai Cập cổ đại có 12 tháng và mỗi tháng có 3 tuần. Mỗi tuần có 10 ngày và cuối mỗi năm là thời gian của 5 ngày lễ hội. Ở mỗi cột, tên của 12 ngôi sao được liệt kê tạo thành 12 hàng. Toàn bộ bảng thể hiện những thay đổi trên bầu trời trong 1 năm, khá giống với bản đồ sao hiện đại.
12 ngôi sao này là cách chia có hệ thống sớm nhất nhằm chia một đêm thành 12 khoảng thời gian, mỗi khoảng tương ứng với 1 ngôi sao. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, từ wnwt không xuất hiện kèm theo các bảng sao trong quan tài. Đến khoảng năm 1210 trước Công nguyên, trong thời Tân Vương quốc Ai Cập (từ thế kỷ 16 trước Công nguyên đến thế kỷ 11 trước Công nguyên), mối liên hệ giữa số lượng hàng với từ wnwt mới được làm rõ.
Minh chứng là trong đền Osireion ở Abydos có một bảng thiên văn trên quan tài. Trong đó, 12 hàng được dán nhãn với từ wnwt. Trong thời Tân Vương quốc Ai Cập có 12 wnwt đêm và 12 wnwt ngày. Cả hai đều nhằm đo thời gian. Điều đó có nghĩa "wnwt" gần như mang nghĩa giống với "giờ" ngày nay nhưng có 2 điểm khác biệt.
Thứ nhất, dù có 12 giờ ban ngày và 12 giờ ban đêm nhưng chúng vẫn được thể hiện tách biệt thay vì gộp thành một ngày 24 giờ. Thời gian ban ngày được người Ai Cập cổ đại đo dựa vào bóng đổ từ Mặt Trời. Trong khi đó, thời gian ban đêm chủ yếu dựa vào các ngôi sao. Điều này chỉ có thể thực hiện khi Mặt Trời và sao nằm trong tầm quan sát. Vậy nên có hai thời điểm gần lúc bình minh và hoàng hôn không thuộc giờ nào.
Thứ hai, wnwt khác với giờ hiện nay ở độ dài. Độ dài của wnwt thay đổi trong năm. Giờ ban đêm gần điểm Đông chí sẽ dài hơn và giờ ban ngày gần điểm Hạ chí sẽ dài hơn.
Về việc người Ai Cập lại chọn 12 ngôi sao cho mỗi quãng thời gian kéo dài 10 ngày, các nhà nghiên cứu cho hay nền văn minh này sử dụng Sirius (hay sao Thiên Lang, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm) làm hình mẫu và chọn những ngôi sao khác dựa trên sự tương đồng về hoạt động của chúng với Sirius.
Lý do quan trọng để người Ai Cập lựa chọn những ngôi sao này dường như là vì chúng biến mất 70 ngày mỗi năm, giống như Sirius, dù chúng không sáng bằng. Cứ mỗi 10 ngày, một ngôi sao giống Sirius biến mất và một ngôi sao khác xuất hiện trở lại.
Tùy vào thời gian trong năm, mỗi đêm có 10 - 14 ngôi sao như vậy nên dễ quan sát. Nếu ghi lại các khoảng thời gian 10 ngày trong năm. Do đó, nhiều khả năng việc lựa chọn 12 làm số giờ của đêm (cuối cùng dẫn đến việc mỗi ngày có 24 giờ) liên quan đến việc lựa chọn một tuần có 10 ngày. Như vậy, cách tính giờ của Ai Cập cổ đại được cho là có ảnh hưởng tới ngày nay.
Mời độc giả xem video: Phát hiện thứ đáng sợ trong bụng cô gái Ai Cập 3000 năm tuổi.
Tâm Anh (theo IFL Science)
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/doc-dao-cach-nguoi-ai-cap-co-dai-tinh-thoi-gian-trong-ngay-2071470.html