Mũ của trẻ em dân tộc Dao Đỏ được làm rất cầu kỳ và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Thông thường, những người lớn trong gia đình làm sẵn 3 - 5 chiếc mũ dành cho trẻ chuẩn bị sinh ra. Mũ thường được các bà, các mẹ tự tay trang trí với kích thước to, nhỏ khác nhau để dành đội đầu cho trẻ ngay cả khi trẻ đã lớn.
Chiếc mũ được chia làm hai phần khác nhau là thân mũ và đỉnh mũ. Phần thân mũ được làm từ một mảnh vải nhung đen (xưa là vải chàm) hình chữ nhật, thêu tỉ mỉ, cầu kỳ với những hoa văn như chim muông, cây cỏ, tam giác, quả trám… Những hoa văn này không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ mà còn biểu hiện rõ về cuộc sống gắn bó với thiên nhiên của đồng bào, mong muốn được mẹ thiên nhiên che chở và những đứa trẻ mới sinh ra được đất trời bao bọc sẽ ít bị ốm đau, bệnh tật. Sau khi thêu xong, các bà, các mẹ khéo léo khâu nối hai đầu mảnh vải để tạo hình cho chiếc mũ.
Khi đã hoàn thiện thân mũ, các mẹ khâu nối một miếng vải con công truyền thống xung quanh phần thân, sau đó túm gọn tại đỉnh để tạo thành hình một chiếc mũ. Phần này được khâu hoàn toàn bằng chỉ đỏ, chìm bên trong không hiện mũi khâu. Vải con công thể hiện sự giàu sang, phú quý, thể hiện ước mong của người lớn tới đứa trẻ, mong trẻ lớn lên có cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Mũ của trẻ em Dao Đỏ.
Khác với các dân tộc Tày, Nùng, Mông…, chiếc mũ của em bé Dao Đỏ được trang trí cầu kỳ, sặc sỡ, mang sắc thái dân tộc rõ nét. Ngoài việc được thêu nhiều họa tiết hoa văn, chiếc mũ còn gắn nhiều quả bông hình tròn, được làm thủ công bằng len và chỉ dùng bông len màu đỏ. Thông thường, dọc theo thân mũ gắn 3 quả bông len vừa bằng nắm tay, xen kẽ với những chiếc hoa bạc lấp lánh trên mặt được khảm hoa văn hình ngôi sao, tam giác, sóng lượn. Xen kẽ các miếng bạc trắng là những chuỗi hạt cườm nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng tạo điểm nhấn cho chiếc mũ thêm màu sắc. Đỉnh mũ là một quả bông lớn bao trọn phần thân mũ, chỉ để lộ những họa tiết thêu tay tinh xảo của người làm. Đằng sau mũ gắn thêm một dải vải nhỏ được thêu tỉ mỉ, phía trên đính 3 bông hoa bạc gọi là “goàn tải” (tiếng Dao Đỏ) với mong muốn đứa trẻ sau khi lớn lên sẽ có cuộc sống yên bình, sung túc và may mắn.
Bà Lý Mùi Man, xóm Thượng Thác, xã Tam Kim (Nguyên Bình) chia sẻ: Làm mũ trẻ em nhìn tuy đơn giản nhưng lại cầu kỳ, phức tạp hơn trang phục của người lớn rất nhiều. Ngoài công dụng là vật trang trí, chưng diện và thể hiện sự quan tâm của người lớn dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa trẻ, chiếc mũ còn có công dụng giữ ấm, tránh gió rét và để đầu của bé được tròn đầy, không bị méo. Đặc biệt, đồng bào Dao kiêng sờ đầu trẻ em, vì đầu là nơi trú ngụ các hồn vía con người. Do đó, chiếc mũ đội đầu truyền thống của trẻ còn để che thóp đầu và trừ được tà ma... Chính bởi nhiều tầng ý nghĩa, sự công phu và tỉ mỉ của người làm, hiện giá bán một chiếc mũ dao động trên 1 triệu đồng.
Giờ đây, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, song phần đa người Dao Đỏ vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống. Dường như bất cứ người phụ nữ Dao Đỏ nào cũng biết tự may trang phục cho cả gia đình mà chiếc mũ của trẻ lại là phần trang phục có thiết kế và họa tiết khó thể hiện nhất. Chiếc mũ càng được thêu cẩn thận, tỉ mỉ chứng tỏ người phụ nữ ấy càng giỏi giang, khéo léo. Và hình ảnh em bé Dao Đỏ đáng yêu được địu trên lưng theo mẹ lên nương, đi chợ phiên đã trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.
Thanh Tú