Độc đáo cơm lam, gà nướng của đồng bào Kon Tum

Độc đáo cơm lam, gà nướng của đồng bào Kon Tum
3 giờ trướcBài gốc
Cơm lam, gà nướng mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Kon Tum
Cơm lam, tên gọi nghe mộc mạc nhưng chứa đựng cả một bề dày truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum như: Bana, Xê đăng, Ja rai, Giẻ triêng... Món ăn này thoạt nhìn tưởng dễ nhưng việc chế biến lại tương đối công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu được làm từ gạo nếp rẫy thơm ngon, chọn lọc kỹ lưỡng, sau đó đem ngâm khoảng 6 tiếng với nước sạch, vớt ra để ráo (có thể trộn với nước cốt lá dứa, nếp cẩm) để tạo màu sắc đẹp mắt, rồi nhồi vào ống tre, nứa non bánh tẻ đã cắt sẵn, nút lá chuối chặt đầu ống để giữ cho hạt gạo khi nấu không bị tràn ra ngoài. Quá trình nấu cơm lam chủ yếu dựa vào sức nóng của củi, lửa từ tự nhiên, nhưng đòi hỏi sự tập trung, khéo léo, kiên trì của người nấu để cơm lam không bị cứng hoặc bị khê.
Điều làm nên sự độc đáo của cơm lam không chỉ ở khâu chuẩn bị và phương pháp nấu truyền thống, mà có lẽ sự độc đáo của món ăn này được thực hiện ở vùng đất có khí hậu và cảnh quan thiên nhiên hòa quyện. Khi đốt lửa trong những chiếc ống tre, mùi khói nhẹ thoảng bay trong gió hòa cùng hương thơm của gạo nếp khiến ai cũng bị lôi cuốn. Khi cơm lam chín có độ mềm dẻo bên trong, độ giòn thơm từ ống lồ bên ngoài tạo thành món ăn đem hương vị đặc trưng, khó quên.
Gà để nướng phải được chọn lựa kỹ càng, tươi ngon nhất từ những con gà nuôi trong rẫy, thả vườn, thịt săn chắc, dai ngon tự nhiên. Trước khi nướng, gà thường được tẩm ướp với các loại gia vị đặc trưng như: muối, tiêu, sả, ớt, thảo mộc hay thậm chí là các loại lá rừng thơm như lá dong, lá sả, lá chanh, giúp giữ cho thịt gà không bị khô cứng, đồng thời tạo hương vị hấp dẫn khó quên.
Gà sau khi tẩm ướp, thường được nướng trên lửa than hồng, dùng vỉ tre hoặc khung sắt để giữ cho gà không bị cháy xém bên ngoài nhưng vẫn giữ được độ mềm phía trong. Những xiên gà được lật nướng đều tay để đảm bảo lớp da vàng ươm, bóng bẩy, lớp thịt bên trong chín đều, giữ được độ ngọt tự nhiên.
Hương thơm của gà nướng hòa quyện cùng mùi than khói, khiến ai cũng không thể cưỡng lại sự hấp dẫn. Gà nướng thường được để nguyên con, người ăn sẽ tự xé để trải nghiệm. Khi gắp miếng thịt gà vừa xé nóng hổi, thơm phức quyện với vị cay nồng của các loại gia vị đem đến cảm giác thật khó tả.
Món ăn mang đậm hương vị truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum
Người dân nơi đây thường thưởng thức cơm lam, gà nướng với các loại muối chấm như: muối vừng, muối lạc, muối tiêu, muối lá é, ăn kèm với rau rừng hoặc các loại củ, quả rừng, tạo thành một món ăn mang bản sắc riêng, đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
Ngoài ra, nét độc đáo ẩm thực của đồng bào nơi đây chính là sự giản dị, gần gũi, chân thật. Món ăn xuất phát từ nguyên liệu tự nhiên, phù hợp với cuộc sống nương rẫy, tập quán của người dân địa phương.
Đặc biệt, trong những dịp lễ hội, ngày Tết.., những món ăn này là một phần không thể thiếu để thể hiện sự hiếu khách, thân tình và niềm tự hào về truyền thống của cộng đồng. Hình ảnh các chàng trai, cô gái với những điệu cồng chiêng, múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển bên ánh lửa bập bùng. Những ống lồ ô dài chứa đầy cơm lam, gà nướng, rượu cần,… để cùng nhau thưởng thức trong không gian yên bình của núi rừng là hình ảnh không thể phai mờ trong tâm trí du khách.
Dù cuộc sống có nhiều bộn bề, lo toan, xã hội ngày càng phát triển, hiện đại hóa, nhưng có lẽ món cơm lam, gà nướng vẫn là một trong những món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Món ăn mang giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương và niềm tự hào về truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng đất này.
Đào Văn Hậu
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-com-lam-ga-nuong-cua-dong-bao-kon-tum-a28778.html