Độc đáo di sản nghệ thuật múa trống Chhay-dăm ở An Giang

Độc đáo di sản nghệ thuật múa trống Chhay-dăm ở An Giang
10 giờ trướcBài gốc
Niềm tự hào của người dân Khmer
Múa trống Chhay-dăm là một phần không thể thiếu trong văn hóa dân gian của người Khmer ở xã Ô Lâm, tỉnh An Giang, có ý nghĩa lịch sử và tâm linh đặc biệt với cộng đồng Khmer. Đây là một hoạt động truyền thống quan trọng, được gìn giữ và lưu truyền, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng.
Múa trống Chhay-dăm có ý nghĩa tôn vinh các vị anh hùng, chiến binh dũng cảm. Những vũ điệu của múa trống Chhay-dăm thường kể về những trận đánh của chiến binh Khmer, những vị thần và các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer ở tỉnh An Giang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: Tô Văn
Múa trống Chhay-dăm, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ook om bok, các dịp thu hoạch mùa màng bội thu, biểu diễn giao lưu trong các liên hoan văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là giao lưu trong sinh hoạt cộng đồng của bà con phum, sóc dân tộc Khmer…
Trống Chhay-dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Để có thể thực hiện các động tác trong bài múa Chhay-dăm, người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể.
Ông Chau Rine (ngụ xã Ô Lâm, tỉnh An Giang) cho biết một màn biểu diễn múa trống Chhay-dăm thường dùng từ 4 - 6 trống, 2 cái cuôl (chiêng) cùng chul (chum chọe) và krap (gõ sênh). Để thể hiện được tinh thần của điệu múa, người biểu diễn phải có sức khỏe, sự dẻo dai, biết cách kết hợp khéo léo giữa hình thể và âm thanh.
“Múa trống Chhay-dăm có thể đánh trống bằng một bàn tay, 2 bàn tay đan chéo nhau, đánh bằng cùi chỏ... Một số động tác phá cách như người nằm thẳng dưới sàn, 2 tay vẫn múa trống, 2 người múa trống có thể bắt tay đánh chuyền qua trống làm cho điệu múa trống Chhay-dăm thêm phong phú và hấp dẫn”, Ông Chau Rine nói.
Khi những tiếng trống Chhay-dăm cất lên, mọi người cùng chăm chú theo những nhịp điệu vui tươi kết hợp động tác hình thể hài hước của các bạn trẻ trong đội trống - Ảnh: Tô Văn
Theo ông Chau Rine, khi những tiếng trống Chhay-dăm cất lên, mọi người cùng chăm chú theo những nhịp điệu vui tươi kết hợp động tác hình thể hài hước của các bạn trẻ trong đội trống.
“Muốn chơi được trống Chhay-dăm thì phải có sự đam mê. Trước tiên, phải nắm được kỹ thuật đánh trống đúng nhịp. Tiết tấu trong bài biểu diễn khi nhanh, khi chậm nên nhịp trống cũng thay đổi liên tục. Khi đã nắm vững nhịp trống, mới học biểu diễn hình thể kết hợp tiếng trống để nói lên nội dung bài múa.
Ngoài ra, diễn tấu múa trống Chhay-dăm còn có thể kết hợp điêu luyện với màn biểu diễn của những chú khỉ Hanuman với các động tác vui nhộn. Vì thế, người xem hào hứng khi được hưởng thức những vũ điệu Chhay-dăm”.
Độc đáo điệu múa trống Chhay-dăm
Hiện Ô Lâm đã có 4 đội trống tại các chùa trong xã. Để xem trực tiếp nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, vào chiều 15.7, chúng tôi có mặt tại chùa B-52 còn được gọi là chùa Snay Đon Cum, xã Ô Lâm, tỉnh An Giang, đúng lúc những học sinh đang học tiếng Khmer và diễn tập múa trống tại chùa.
Chùa có tên gọi “B-52” xuất phát từ việc nơi này từng là nơi nuôi giấu, tiếp tế cho bộ đội trong thời kỳ kháng chiến, và bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom, phá hủy.
Những điệu dân gian múa đặc sắc - Ảnh: Tô Văn
Những điệu múa trống được các em thể hiện linh hoạt. Đặc biệt, điệu múa này không cần dùng đến âm nhạc như những điệu múa khác, mà múa bằng tiết tấu nhịp của trống đánh mộc bằng tay, chân.
Em Chau Đô Rone (ngụ xã Ô Lâm, tỉnh An Giang) - thành viên trong đội chia sẻ, sau thời gian theo học múa trống Chhay dăm, em nhận thấy, tùy theo từng bài tập, một số động tác thuần thục rất nhanh, nhưng cũng có lúc bị mất tập trung, thiếu sự hòa nhịp với cả đội. Tuy nhiên, được thầy huấn luyện và nhiệt tình hướng dẫn để chúng em tập luyện, chú trọng vào những động tác cốt lõi trong điệu múa, uốn nắn sao cho chúng em tiến bộ từng ngày.
Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay dăm của người Khmer ở tỉnh An Giang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Clip: Tô Văn
Ông Chau Sóc Huân, Phó trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Ô Lâm, cho biết đội múa trống Chhay dăm chùa B- 52 được thành lập vào năm 2021, với hơn 20 thành viên. Để đội múa hoàn thiện kỹ năng trình diễn ngày một tốt hơn, từ khi thành lập đội trống, chùa đã mời một nghệ nhân đến truyền dạy cho các thành viên đội múa trống
“Do thể hiện tinh thần vui nhộn, hóm hỉnh nên múa trống Chhay dăm thường được các thanh, thiếu niên địa phương yêu thích. Vào những dịp lễ hội, mọi người đeo mặt nạ gắn những chi tiết ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc và lạ mắt. Khi biểu diễn tiết mục múa này, diễn viên đứng ở 4 góc, trống đeo trước bụng, vừa là nhạc cụ đệm, vừa là đạo cụ để múa. Khi bắt đầu diễn, tiếng trống và cồng đồng loạt vang lên dồn dập, liên hồi và rất nhịp nhàng, khiến mọi người không thể ngừng nhún nhảy.
Việc duy trì và phát triển múa trống Chhay-dăm cũng tạo ra sức hút du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, nó còn giúp tăng cường nhận thức của người dân về giá trị lịch sử và văn hóa của An Giang. Đó còn là cách để giới thiệu và quảng bá văn hóa của người Khmer đến với cộng đồng các dân tộc bạn”, ông Chau Sóc Huân cho biết .
Theo ông Trương Bá Trạng, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa tỉnh An Giang, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể múa trống Chhay dăm, tỉnh An Giang đã khuyến khích đẩy mạnh công tác truyền dạy, tạo không gian trình diễn di sản múa trống Chhay dăm tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đưa loại hình di sản múa trống Chhay dăm vào phục vụ tại điểm đến du lịch.
Tô Văn
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/doc-dao-di-san-nghe-thuat-mua-trong-chhay-dam-o-an-giang-234991.html