Độc đáo làng nghề đan cỏ tế Phú Túc

Độc đáo làng nghề đan cỏ tế Phú Túc
2 giờ trướcBài gốc
Nghề gần 400 năm tuổi
Ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng thôn Lưu Thượng cho biết, trong cuốn Ngọc phả của thôn Lưu Thượng (xã Phú Túc) lưu lại, tương truyền vào năm 1683, bà Nguyễn Thảo Lâm là người đầu tiên đưa cây cỏ tế về làng. Chính bà là người bỏ ra nhiều công sức, mày mò nghiên cứu các đặc tính của loại cây. Từ đó, đưa ra cách thức chế biến và biến cỏ tế thành nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất các đồ dùng thủ công hàng ngày, phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt. Trước đây, người dân trong làng tuyệt đối giữ bí quyết nghề, nhưng về sau do yêu cầu cấp bách cũng như quy luật của sự phát triển từ mô hình cá thể, sang tập thể mà điều này bị xóa bỏ, nghề được nhân rộng ra toàn xã.
Sản phẩm được hình thành từ cây dại qua bàn tay của người Phú Túc.
Bước đầu là nhận mẫu về làm với các sản phẩm thô và chủ yếu do những người có tuổi thực hiện, số người biết nghề chưa nhiều. Từ chỗ chưa thạo nghề đến việc lao động địa phương không đáp ứng được về số lượng cho các đơn đặt hàng, nên đã có nhiều lớp học nghề đan cỏ tế được mở ra. “Từ thành công và nhận thức được vai trò của nghề, không ít các học viên, không chỉ các xã khác, mà cả ở các huyện như Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa cũng tìm đến xin học”, ông Viễn chia sẻ.
Trải qua biết bao thăng trầm và cho đến ngày hôm nay, khi thị trường Việt Nam được mở cửa và nhiều doanh nghiệp, khách nước ngoài biết đến các sản phẩm của làng nghề Phú Túc. Mặt hàng cỏ tế, mây tre đan của Làng đã vươn tầm giá trị xuất khẩu ra thị trường các nước châu Âu, Trung Đông, châu Á…
Trong sự phát triển của làng nghề, phải kể đến các nghệ nhân đã gắn bó, tạo nên thương hiệu cho cỏ tế Phú Túc, đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Ngải, Nguyễn Văn Thọ - nghệ nhân đan cỏ tế thuộc thế hệ đầu tiên của làng nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngải là người đã từng mở nhiều lớp học ở trong thôn, xã, các huyện lân cận cho nhiều thế hệ làm nghề. Bên cạnh đó còn có nghệ nhân lớp kế cận như nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh- con trai cố nghệ nhân Nguyễn Văn Ngải. Bằng sự nhiệt huyết, lòng đam mê sáng tạo, nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh đã gặt hái được nhiều thành công trong việc kế thừa và phát triển nghề truyền thống: Năm 2014 ông được Ban chấp hành Trung ương hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng bằng “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”; với 12 năm làm đại diện trưởng ban giám khảo của cuộc thi "Bàn tay vàng"; được đánh giá là một nghệ nhân lành nghề của làng đã đứng ra thành lập Tổ hợp sản xuất Phú Thịnh, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của làng nghề; ông Trần Văn Rồng - Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Mây tre đan Phú Thắng, là doanh nghiệp thường nhập về sản phẩm thô để sửa lại rồi xuất khẩu đi các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia và các nước Trung Đông.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ: Đến nay, sau gần 400 năm phát triển, Phú Túc có trên 1.000 mẫu sản phẩm chủ yếu từ cỏ tế và các nguyên liệu khác như bẹ ngô, bẹ chuối, bèo. Sản phẩm giá trị của làng nghề Phú Túc hiện nay vẫn là từ cỏ tế, bởi người dân ở đây có bí quyết sơ chế nguyên liệu từ bao đời nay. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục, khi đó mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh với các mẫu hàng chuẩn bị xuất khẩu.
Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm, rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai, hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm. Các mặt hàng hiện nay chủ yếu được sản xuất theo các mẫu mã đã có.
Phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống của người dân
Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Phú Túc cho biết, những năm qua, nghề đan cỏ tế đã thực sự mang lại cho Phú Túc một diện mạo mới, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Xã Phú Túc hiện nay, đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, các hộ dân đều có được cơ ngơi khang trang, tiện nghi. Cây cỏ tế cùng với lịch sử hàng trăm năm thăng trầm, đang biến một vùng quê nghèo thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Túc.
6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 427,9 tỷ đồng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ông Khiêm cho biết, hiện xã đang phấn đấu đẩy mạnh nghề đan cỏ tế, nâng thu nhập bình quân của người dân toàn xã năm 2024 lên hơn 73,5 triệu/người/năm.
Đặc điểm của nghề đan cỏ tế là mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể tham gia. Người già nhất vẫn còn làm nghề ở Phú Túc hiện đã ngót nghét trăm tuổi, còn trẻ nhất là những em bé mới lên 6, lên 7. Thu nhập từ nghề đan cỏ tế bình quân hiện nay với mức từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày.
Nghề đan cỏ tế không phân biệt tuổi tác già trẻ, trai gái.
“Mỗi tháng làm việc ở đây, thu nhập của người lao động chúng tôi cũng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, bên cạnh đó chúng tôi vẫn có thể tranh thủ làm nông nghiệp. Nhờ sự phát triển của làng nghề, mà đời sống người dân chúng tôi cũng được nâng lên”, cô Lê Thị Chuyên, người thôn Trình Viên, xã Phú Túc cho biết.
Năm 2024 xã Phú Túc cũng đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống ở mỗi làng nghề để làm phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Riêng thôn Lưu Thượng năm 2024 đã đầu tư xây mới cổng làng, giếng nước và nhà tưởng niệm.
Cổng làng mới của thôn Lưu Thượng.
Với những kết quả đã đạt được, xã Phú Túc cũng đã xây dựng các phương án, kế hoạch phát triển làng nghề bền vững. Trong đó, chấp hành pháp luật về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; đầu tư khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn; mở lớp tập huấn sử dụng công nghệ thông tin để các hộ sản xuất tiếp cận thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất…
PHẠM LANH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/doc-dao-lang-nghe-dan-co-te-phu-tuc-797953