Độc đáo lễ cúng Giang Sơn giữa đại ngàn ở Quảng Bình

Độc đáo lễ cúng Giang Sơn giữa đại ngàn ở Quảng Bình
5 giờ trướcBài gốc
Một nghi thức trong lễ cúng Giang Sơn của đồng bào dân tộc Chứt ở huyện miền núi Minh Hóa
Dân tộc Chứt, gồm các nhóm tộc người: Mày, Sách, Rục, Mã Liềng và A Rem, sinh sống rải rác ở các bản làng biên giới huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Lễ cúng Giang Sơn là nghi lễ bắt buộc hàng năm của họ luôn thấm đẫm nét nguyên sơ và huyền bí của văn hóa bản địa.
Nghi thức thiêng liêng dưới dãy Giăng Màn
Những người già nhất trong các bản làng ở xã Trọng Hóa và Dân Hóa cũng không ai nhớ rõ nguồn gốc của lễ cúng Giang Sơn độc đáo này. Giống nhiều dân tộc thiểu số khác, người Chứt có tiếng nói nhưng không có chữ viết, nên các phong tục, lễ nghi được truyền miệng từ đời này sang đời khác." Lễ cúng Giang Sơn - tuy mang tên gọi mới, thực chất là nghi lễ cầu an giống với phong tục của người miền xuôi.
Theo nhiều già làng, trước đây, lễ cúng Giang Sơn được tổ chức hai lần trong năm. Lần thứ nhất diễn ra vào đầu năm, thường là tháng 3 Âm lịch, với mục đích cầu bình an và xin các vị thổ thần phù hộ cho mùa nương rẫy mới tươi tốt, bộ thu hoạch. Dân bản thường gọi là lễ "mở đất".
Ông Đinh Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, chia sẻ Lễ cúng Giang Sơn không chỉ đơn thuần là nghi lễ cầu an, mà còn là một phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào người Chứt. Đây là dịp để cộng đồng nhớ về nguồn cội, tưởng nhớ tổ tiên và củng cố niềm tin vào các vị thần linh. Việc duy trì các nghi thức này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng, đồng thời là một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Lần thứ hai diễn ra vào khoảng tháng 10 âm lịch, nhằm trả lễ cảm tạ ân đức của các vị bề trên và được gọi là lễ "đóng đất".
Lễ vật trong mỗi nghi lễ thường do dân bản góp sức chuẩn bị, bao gồm: lợn, gà, nếp rẫy, hoa chuối... Vài bản làng có cùng tiếng nói ở gần nhau sẽ hợp sát lại để làm chung một buổi lễ. Đây là nghi thức gắn kết tình làng nghĩa xóm. Mâm cúng thông thường chia làm hai tầng: tầng trên dành cho thổ thần, tầng dưới dành cho tổ tiên và các vong linh đã kính phù hộ dân bản.
Đối với người Mày, người Sách, lễ vật thường đơn giản, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế từng năm. Tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng nhất là địa điểm đặt lễ và thầy cúng. Địa điểm bày lễ thường được chọn tại một khu vực cố định, truyền từ nhiều đời trước, hướng về cửa rừng. Thầy cúng thường là người có uy tín trong bản, thông thạo các bài cúng được truyền lại từ đời này qua đời khác. Sau mỗi bài cúng, thầy sẽ gõ ba tiếng chiêng như lời gửi gắm đến các đấng bề trên.
Bản làng của người Mày tại bản Dộ-Tà Vờng
Già làng Hồ Tót - thầy cúng của người Mày tại bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa - đã gắn bó với nghi thức này trong 15 năm qua. Ông được thế hệ trước chọn làm người kế tục, truyền lại các bài cúng dành cho những nghi lễ lớn của dân bản, đặc biệt là lễ cúng Giang Sơn. Khi cha ông qua đời, ông mới chính thức được trao trách nhiệm thừa kế, còn trước đó chỉ được học hỏi và phụ lễ. Sau này, khi tuổi cao sức yếu, ông sẽ lại chọn một con cháu trong dòng họ để truyền nghề.
Theo già Hồ Tót, các bài văn cúng trong lễ Giang Sơn có tính chất rất quan trọng. Mỗi khu đất, khu rừng, con suối đều có những vị thần linh ngự trị. Nếu trong lúc cúng mà không khấn tên của những vị thần này, dân bản có thể gặp những điều bất lợi. Các bài cúng này, đối với người Mày, chỉ truyền cho duy nhất một người trong mỗi thế hệ, như một "mật ngữ" truyền đời.
Huyền bí lễ cúng Giang Sơn
Được phát hiện từ giữa thế kỷ XX, tộc người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa - được xem là "người em út" và cũng là tộc người bí ẩn nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Có người nói rằng, người Rục "không nhớ quá khứ" bởi trước khi được đón về định cư ở 3 bản: Ón, Mò O Ồ Ồ và Yên Hợp, họ chủ yếu sống ẩn dật trong các hang đá giữa núi sâu, rừng rậm.
Những người Rục lớn tuổi cũng không thể nhớ rõ lễ cúng Giang Sơn có từ khi nào, chỉ biết rằng lễ này thường được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng để cầu xin thần linh xua đuổi những điều rủi ro, dịch bệnh và mang lại may mắn, tốt lành cho dân bản. Trước đây, do điều kiện khó khăn, lễ chỉ được tổ chức ba năm một lần, nhưng những năm gần đây, lễ đã trở thành hoạt động thường niên tại bản Ón.
Già làng làm lễ cúng Giang Sơn của đồng bào Rục tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa.
Để chuẩn bị cho lễ, từ chiều hôm trước, dân bản đã trữ củi và nhóm bếp lửa cháy liên tục đến ngày hôm sau. Lễ vật thường là những thứ quen thuộc như vật nuôi, nếp gạo, rau rừng mà bà con góp lại. Những năm khấm khá, họ mổ heo; nếu không, gà được dùng làm lễ cúng. Theo quan niệm của người Rục, trước khi tham gia lễ, mỗi người phải được "tẩy trần" sạch sẽ để xua đi mọi tội lỗi, uế tạp. Nếu không "làm sạch thân thể" trước khi bước vào lễ cầu an, các vị thần linh sẽ không chấp nhận và không ban phát những điều tốt lành.
Ông Cao Ngọc Đoan (58 tuổi - ở bản Ón) cho biết để thực hiện nghi thức tẩy trần, những người có uy tín trong bản sẽ vào rừng chọn 7 viên đá lèn "đặc biệt" cùng với một bó lá rừng gọi là Tri ang Cà panh. Những viên đá lèn này được rửa sạch, nung đỏ trong bếp lửa rồi thả vào các nồi nước ngâm lá Tri ang Cà panh đặt ngay trước cổng vào nơi làm lễ. Hơi nước bốc lên mang theo mùi thơm đặc trưng của lá cây, và khi nước nguội, chủ lễ sẽ dùng nước này vẩy lên từng người tham dự để tẩy trần. Đây là thủ tục bắt buộc, và bất kỳ ai không trải qua nghi thức này sẽ không được phép vào dự lễ.
Người chủ lễ thường là già làng cao tuổi nhất, người có nhiều kinh nghiệm và thông thuộc địa lý của các khu vực khe suối, núi rừng quanh bản làng người Rục. Các bài cúng bằng tiếng Rục thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và các vị thần linh đã che chở, phù hộ, đồng thời tiễn đưa những vong linh không có ai thờ cúng - những linh hồn được tin là thường xuyên gây tai ương cho dân bản.
"Trong nghi thức cúng, trước đây, già làng thường dùng hai miếng gỗ ngắn có hai mặt để gieo keo lên lưỡi dao đi rừng, xin keo sấp ngửa; ngày nay, họ sử dụng hai đồng xu có mặt âm dương. Sau khi được các vị thổ thần chấp thuận, dân bản sẽ cùng quây quần bên bếp lửa hồng, ăn uống, ca hát và cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà an yên, công việc đi rừng thuận lợi" – ông Ón kể.
Có lẽ, với cuộc sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên, trong tâm thức người Chứt luôn tồn tại niềm sùng bái các vị thần linh. Lễ cúng Giang Sơn không chỉ là cách họ thể hiện tín ngưỡng mà còn là biểu tượng chứa đựng giá trị nguồn cội và mạch nguồn văn hóa sâu sắc. Việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc trưng của người Chứt sẽ góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của các dân tộc Việt Nam.
Theo thống kê, hiện dân tộc Chứt ở Quảng Bình có khoảng gần 1.900 hộ với hơn 7.800 nhân khẩu. Lễ cúng Giang Sơn của đồng bào người Chứt được Sở Văn hóa-Thể thao hỗ trợ phục dựng, bảo tồn thuộc Dự án 6 "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
HOÀNG PHÚC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/doc-dao-le-cung-giang-son-giua-dai-ngan-o-quang-binh-196250119120102744.htm