Ảnh
Tối 7/2 (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), theo thông lệ cứ 5 năm 1 lần, hội Đánh hổ làng La Cả (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) được mở ra để tưởng niệm Lạc tướng Đương Cảnh Công thời vua Hùng thứ XVIII - người có công giết hổ cứu dân và được tôn làm Thành hoàng làng năm xưa.
Theo ông Nguyễn Hữu Bách (Trưởng BTC hội làng La Cả), tương truyền rằng vào đời Vua Hùng thứ 17 có hổ dữ xuất hiện ở núi Tản Viên gây ra thiệt hại và sợ hãi cho người dân sống ở gần đây. Vua Hùng đã cho sứ giả đi tìm anh hùng diệt hổ và ông Đương Cảnh Công đã lên Kinh ứng tuyển.
Để tái hiện tích xưa, một nam thanh niên trong làng khoác bộ da hổ tượng trưng, đóng giả chúa sơn lâm giao chiến với đoàn thợ săn mang theo đao kiếm, giáo mác và trống chiêng do vị tướng lãnh đạo tại một khu rừng giả định được dựng lên ở trong đình làng.
Tích xưa truyền lại, ông Đương Cảnh Công đã dẫn quân lính đi tiêu diệt được nhiều thú dữ và cuối cùng là con “hổ lang mép vàng” (con được coi là chúa sơn lâm và cũng là con hung dữ nhất) cũng bị diệt ở làng La Cả. Người dân tại đây ghi nhớ công ơn của ông nên đã lập đình thờ thành hoàng và duy trì lễ hội đánh hổ từ đó.
"Lễ hội được tổ chức 5 năm 1 lần. Trong đó thì ngày mùng 7 Âm lịch là khai hội, tối ngày mùng 10/1 Âm lịch gọi là lễ đánh biệt với phần được mong chờ nhất là màn đánh hổ giả. Con "hổ lang mép vàng" được một thanh niên đội lốt sẽ diễn lại trò ở nhà đại bái, sau đó sẽ chạy quanh đình làng. Theo thông lệ, con hổ sau khi hoàn thành nhiệm vụ đội lốt thì lớp da sẽ được người dân làng cướp để lấy may. Tuy nhiên, 2 đợt hội làng gần đây, làng tổ chức quy củ, bộ da hổ sẽ được đưa lại đình làng, sau đó BTC sẽ chia bộ da hổ giả thành 10 phần để chia cho 10 tổ dân phố" - ông Nguyễn Hữu Bách nói thêm.
Mặc dù lễ đánh hổ chính thức diễn ra lúc 19h nhưng khu vực đình làng La Cả đã chật kín người đứng đợi do người dân làng đã chờ đợi 5 năm cho hội làng.
Dân làng cho biết, đã duy trì được truyền thống này hơn 130 năm nay vào mỗi dịp mùng 7 đến 10 tháng Giêng âm lịch.
Đây vừa là một cách tưởng nhớ công lao của Thành Hoàng làng La Cả Đương Cảnh Công, vừa mang tính chất vui nhộn và cuốn hút cho người xem.
Màn đánh hổ luôn là điểm nhấn được yêu thích nhất tại hội làng La Cả.
Sau một hồi, con hổ dữ bị trọng thương, lao ra ngoài. Đoàn săn đuổi theo, tiếng hò reo vang dậy.
Khi con hổ chạy 1 vòng quanh đình, đoàn thợ săn dồn con hổ vào chuồng ở trước của đình. Lực lượng chức năng và BTC phải căng sức "bảo vệ" con hổ để tránh dân làng xông vào cướp xác hổ.
Sau khi tất cả các đội rước lễ vào vị trí, kiệu của Đức Thành Hoàng làng Đương Cảnh Công bắt đầu được rước ra khỏi đình. Trên kiệu, bộ da hổ thật được đặt dưới ghế ngồi của Đức Thành Hoàng làng. Theo lời kể của dân làng, đây chính là xác của con "hổ lang mép vàng" bị sa bẫy tại làng La Cả ngày xưa.
Lễ hội đánh hổ làng La Cả không chỉ là một sự kiện văn hóa truyền thống mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết. Việc gìn giữ và phát huy lễ hội này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lễ hội đánh hổ làng La Cả là một minh chứng sống động cho sức mạnh cộng đồng và lòng dũng cảm của con người trước thiên nhiên.
Khánh Huy