Trang phục của các kỵ sĩ không chuyên tại Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng rất bình dị. Ảnh: Thúy Hạnh
Phú Yên là một tỉnh biên giới biển bình dị với những bãi cát trải dài, nước biển xanh ngắt màu trời và cánh đồng bạt ngàn, bãi cỏ xanh mát, là một địa điểm quay trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ. Bên cạnh cảnh đẹp, Phú Yên còn có nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, một trong số đó là Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng.
Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng không chỉ nêu cao tinh thần thượng võ, mà còn là một hoạt động văn hóa đặc sắc, độc nhất vô nhị của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo thông lệ, vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm, Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng lại được tổ chức tại vùng cao nguyên xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Gò Thì Thùng không phải là địa phương phát triển về nuôi ngựa hay trường đua ngựa. Đây là khu vực vùng núi cao phía Tây của huyện Tuy An, do địa hình dốc cao, đi lại khó khăn, nên người nông dân chăn nuôi nhiều ngựa để thồ hàng nông sản. Điều đặc biệt trong lễ hội này, tham gia cuộc đua chủ yếu đều là ngựa cái không chuyên. Các kỵ sĩ là những người nông dân chân lấm, tay bùn, chủ nhân của những con ngựa đó. Hàng ngày, những người nông dân chỉ quen với ruộng rẫy, đến khi Xuân về, Tết đến mới dành thời gian để tập luyện, thi đấu. Đó là những kỵ sĩ của 4 xã vùng cao của huyện Tuy An, là An Xuân, An Thọ, An Hiệp, An Lĩnh.
Không rõ Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng được bắt đầu từ khi nào, người ta chỉ nhớ ngày mới giải phóng, Tết trên vùng cao nguyên này vắng vẻ, ảm đạm, nên các thanh niên đã tạo ra cuộc vui sôi động bằng cách dắt những chú ngựa thồ hàng ngày ra thi với nhau. Từ ngày ấy, Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng được khôi phục lại. Dù không giống như các cuộc đua chuyên nghiệp, nhưng Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng vẫn thu hút du khách hồ hởi và háo hức đến xem. Điều hấp dẫn du khách không phải chỉ tính gay cấn trên đường đua, mà còn là sự độc đáo ngay trên sân trường đua cho đến những người kỵ sĩ và cả những chú ngựa đua. Họ tạo ra nơi đua ngựa rất đơn giản, là kiếm một khoảng đất trống, rộng để chăng dây.
Các kỵ sĩ trong cuộc đua cũng không cần yên ngựa hay bàn đạp chân, chỉ cần khoác thêm trên lưng ngựa một tấm vải màu là đủ trang trọng. Trang phục của các kỵ sĩ đua ngựa cũng rất đỗi bình dị, với chiếc mũ bảo hiểm đội đầu, cùng với những chú ngựa cũng không phải là chuyên nghiệp, quanh năm vất vả kéo xe, thồ hàng. Cùng với hàng ngàn người đến xem reo hò và cổ vũ cuộc đua, đã tạo ra thành một trường đua với bầu không khí vô cùng náo nhiệt.
Cuộc đua không giới hạn độ tuổi tham dự, nên những người tham gia hội đua có thể trẻ hoặc đã ngoài 60 tuổi. Vạch xuất phát là rất quan trọng trong mỗi cuộc đua. Bởi họ quan niệm, nếu người kỵ sĩ leo được lên lưng ngựa ở vị trí xuất phát thì sẽ có được một sự khởi đầu tốt đẹp. Dưới tiếng vỗ tay và hò reo của những khán giả cổ vũ, sau tiếng trống lệnh, người đua cùng ngựa lao nhanh trên đường đua, với hai vòng thi bắt buộc. Sau 8 lần đua, các ngựa đua thắng ở vòng thứ nhất sẽ được vào bán kết.
Tuy nhiên, do không phải là ngựa đua chuyên nghiệp, nên không có tình huống gì lại không thể xảy ra tại lễ hội đua ngựa. Điều dễ hiểu đã xảy ra, khi những người kỵ sĩ không chuyên rất sợ khi cùng với ngựa của mình đứng ở vạch xuất phát. Đó là khi bắt đầu có hiệu lệnh, một vài con ngựa không hào hứng tham gia, hay không chịu hợp tác, hung hăng hất tung kỵ sĩ xuống; có con đang chạy lại rẽ ngoặt vào bên lề, vì nơi ấy có nhiều đồng loại đang ung dung gặm cỏ; có con thì chạy thẳng vào chuồng... Tất cả những khó khăn đó đều không sao, bởi nó đem lại những tiếng cười sảng khoái, vui thích cho khán giả.
Giải thưởng được trao cho các kỵ sĩ chiến thắng cuộc thi. Ảnh: Thúy Hạnh
Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Xuân, trong Lễ hội đua ngựa truyền thống, anh Phạm Ngọc Toàn bày tỏ cảm nhận của mình: “Tôi thấy không khí đua ngựa lúc nào cũng rất rộn ràng. Các du khách từ khắp nơi tới An Xuân rất đông, xung quanh trường đua đều chật kín. Lý do mà du khách đến đông là vì những kỵ sĩ nông dân và ngựa thồ hàng đều là người dân địa phương. Nhưng sự ồn ào, náo nhiệt của đám đông cũng khiến cho những chú ngựa lo sợ và không hợp tác với các kỵ sĩ mà chạy thẳng vào chuồng và không đua nữa”.
Còn anh Phạm Huỳnh Huyên chia sẻ: “Điều ấn tượng nhất của tôi là những chú ngựa cái thồ hàng. Trong đời sống hàng ngày, những chú ngựa cùng với người nông dân thồ hàng trên núi xuống. Vào cuộc đua, những chú ngựa đã trở thành chiến mã trên trường đua. Điều này đã khiến cuộc đua trở nên sôi động và ấn tượng hơn rất nhiều. Tôi tự hào về xã An Xuân, đã duy trì được lễ hội này hơn 20 năm nay và tôi mong muốn trong thời gian tới, xã An Xuân nói riêng và huyện Tuy An nói chung sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy lễ hội này”.
Sau cuộc thi, các kỵ sĩ và ngựa đua thắng đều được nhận giải thưởng để động viên và khích lệ, rồi lại trở về công việc thường ngày. Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng vẫn duy trì và ngày càng được mở rộng về quy mô và thể hiện về tính thượng võ, tình đoàn kết, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa vùng, miền. Chủ tịch UBND huyện Tuy An, ông Huỳnh Gia Hoàng cho biết: “Lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của huyện Tuy An. Lễ hội không chỉ góp phần giữ gìn văn hóa, mà còn tôn vinh nghề truyền thống của những nài ngựa. Đồng thời, lễ hội còn tăng cường sự giao lưu văn hóa, gắn kết giữa các vùng miền, quảng bá du lịch qua hoạt động đặc sắc của địa phương”.
Thúy Hạnh