Bắt đầu thực hiện các nghi thức, 6 nam giới vừa múa, vừa thổi khèn quanh cây nêu. Ảnh: Nguyễn Huyền
Trước đây, việc tổ chức lễ hội do một gia đình đứng ra, cùng với sự giúp đỡ của anh em, họ hàng và các già làng, trưởng bản. Sau này, lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng, bản làng. Bởi vậy, Gầu Tào là một lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông, ngoài việc cầu con, người Mông cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ ban cho gia đình sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc, ban cho những người dân trong bản Mông một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng.
Trong cộng đồng người Mông ở tỉnh Lai Châu, Lễ hội Gầu Tào (xưa kia là lễ cầu tự) được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc hàng năm (thường là từ ngày mùng 3 - 15 Tết Nguyên đán) tại các bản, làng người Mông cư trú trên toàn tỉnh. Địa điểm được chọn thường là những bãi đất bằng phẳng trên các ngọn đồi, núi thấp và là nơi linh thiêng của vùng. Trung tâm của Lễ hội Gầu Tào là cây nêu, theo phong tục truyền thống ở nhiều địa phương, bản làng của người Mông tỉnh Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung thì cây nêu được chọn từ cây tre mai, gọi theo tiếng Mông là sung lùng trử, vốn là từ gốc Hán, có nghĩa là cây long thượng (rồng ở trên) gồm có 2 cây tre mai (ndix nxêz): Một cây to (được gọi là dì pang) và một cây nhỏ (được gọi là dì chê). Cây tre được chọn làm cây nêu phải là cây thẳng đứng, gióng đều, vỏ xanh bóng, ngọn cây vươn về phía mặt trời mọc. Cây tre mai được tỉa bỏ các cành lá ở thân để trơ ra thân tre với các gióng đều, xanh bóng, tượng trưng cho mình rồng. Ngọn cây để nguyên cành lá tượng trưng cho bờm rồng.
Trên ngọn cây nêu, người ta treo hai dải vải. Vải treo trên cây nêu gồm một dải vải lanh nhuộm chàm thẫm (rộng 20cm, dài từ 1 đến 3 sải), một miếng vải đỏ (rộng 20cm, dài 20 - 40cm). Ngoài ra, trên cây còn được treo thêm một quả bầu khô và một túi vải đựng hạt giống. Mảnh vải lanh treo ở cây nêu trong lễ hội trở thành biểu tượng với nhiều tầng ý nghĩa. Trước hết, đó là dấu hiệu “mời ma nhà” (tổ tiên) về dự hội cùng vui với con cháu. Theo quan niệm, mặt trời được biểu tượng bằng vòng tròn đỏ, mảnh vải đỏ... Đây cũng là biểu tượng của mặt trời, phản ánh tục thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp xưa kia.
Bắt đầu thực hiện các nghi thức, 6 nam giới vừa múa, vừa thổi khèn quanh cây nêu. Cùng lúc đó là màn hát hội Gầu Tào của các đôi nam nữ ngồi quanh chiếc bàn gỗ và hát các bài hát như hát cầu con, hát cầu khỏi bệnh. Tiếp đó, thực hiện nghi thức hát lý mở màn, 8 người đi thành một hàng dọc theo đường tròn vòng quanh gốc nêu (ông chủ lễ đi đầu). Họ đi vòng quanh gốc nêu 3 vòng xuôi (theo hướng từ Đông sang Tây), rồi lại 2 vòng ngược (theo hướng từ Tây sang Đông).
Ông Mùa A Mang, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, chủ hội tiến về phía cây nêu. Ông Mang lễ thắp nén hương, đốt vài tờ tiền mã ở gốc tre rồi khấn khai hội Gầu Tào trước bàn đặt lễ vật: "Hôm nay ngày tốt, tháng lành, ngày khai hội Gầu Tào của người Mông, đã đến giờ lành, chúng tôi xin cầu mong các thần linh bốn phương hội tụ về đây phù hộ cho chúng tôi có thật nhiều sức khỏe, cây trái được nhiều, con cháu lớn nhanh, sức khỏe như trâu, các cụ sống lâu trăm tuổi, không bệnh tật ốm đau. Chăn nuôi trâu bò đầy núi, lợn gà đầy chuồng, như bầu, như bí. Cán bộ và nhân dân xây dựng đoàn kết, cùng phát triển. Cầu mong các vị thần linh phù hộ cho mọi người được khỏe mạnh, làm được nhiều tiền của, lúa, gạo, người ốm được khỏi bệnh, người nghèo làm ra nhiều của, người đơn thân có vợ, có chồng. Người hiếm muộn sẽ có con. Hẹn ngày sang năm sẽ có lễ hội, vui hơn, to hơn"...
Các đôi nam nữ ngồi quanh chiếc bàn gỗ và hát các bài hát như hát cầu con, hát cầu khỏi bệnh. Ảnh: Ngọc Huyền
Kết thúc bài hát lý mở màn. Ở vòng ngoài, có 2 đôi trai gái giã bánh giầy, vòng trong xung quanh cây nêu là 6 chàng trai vừa nhảy, vừa thổi khèn theo vòng tròn quanh gốc nêu. Khi bánh giầy đã được giã xong, cũng vừa lúc vòng khèn kết thúc. Bánh giầy được đặt lên mâm cúng và chủ lễ vào khấn cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ ban cho gia đình sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho những người dân trong bản Mông một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Nghi lễ kết thúc, chủ hội Mùa A Mang mời những người tham dự cùng bà con tham gia phần hội với các trò chơi truyền thống.
Hưởng ứng lời mời của ông Mùa A Mang, bà con tích cực tham gia các trò chơi và thi đấu tài năng như: thi đánh tù lu, thi đẩy gậy, ném pao, rồng ấp trứng, thi hát đối các làn điệu dân ca giao duyên, hay các điệu múa khèn từng làm siêu lòng biết bao cô gái..., để sẵn sàng bước vào một năm mới làm ăn, làm gặp nhiều may mắn hơn trong cuộc sống, công tác, lao động sản xuất...
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu Nguyễn Trọng Hiến, Ban chỉ đạo tái hiện Lễ hội Gầu Tào cho biết, Lễ hội Gầu Tào là dịp để nhân dân các dân tộc, trong đó có dân tộc Mông cùng giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, đồng thời là sợi dây liên kết giữa cộng đồng các dân tộc. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua chương trình tái hiện, trình diễn lần này đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần vào việc tuyên truyền gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch, đáp ứng và nâng cao nhu cầu vui chơi, giải trí cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Ngọc Huyền